Thương hiệu ngoại chiếm tới 70% thị phần kênh cửa hàng tiện lợi so với chỉ 30% của các doanh nghiệp nội địa. Ảnh: Vinmart

 
Minh Anh Thứ Năm | 24/09/2020 16:37

Những “tay chơi” trong chuỗi cửa hàng tiện lợi

Mô hình kinh doanh dạng mini hay cửa hàng tiện lợi thu nhỏ có vẻ đang hiệu quả trong thời điểm nhiều mô hình kinh doanh khác đang khó khăn.

Mô hình mini và tiện lợi đang thu hút giới trẻ

Thế Giới Di Động liên tục đưa ra những mô hình kinh doanh mới, trong đó mô hình thu nhỏ tiện lợi có vẻ đang là hướng đi “hiệu quả” của doanh nghiệp này. Với mô hình Supermini Điện Máy Xanh dường như đang tiến đến gần hơn với mô hình cửa hàng tiện lợi.

Triết lý của Thế Giới Di Động khi đưa ra các chuỗi theo kiểu mô hình thu nhỏ dạng này là chi phí vận hành thấp, dễ tăng thị phần nhờ cạnh tranh với các cửa hàng nhỏ lẻ ở vùng nông thôn, từ đó hướng tới biên lợi nhuận cao hơn.

Tham vọng này về lý thuyết cũng phù hợp với cấu trúc thị trường hiện nay, khi thị phần tại những thành phố lớn đã được định hình. Muốn tăng trưởng, chuỗi này phải giành từ 20% thị phần còn lại của nhóm các cửa hàng nhỏ lẻ.

Ảnh:
Tính từ 2012 đến cuối năm 2018, số lượng cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc gấp 4 lần. Ảnh: Circle K

"Khi cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ điện tử tiêu dùng ngày càng gay gắt, chiến lược này sẽ giúp Thế Giới Di Động giành thêm thị phần bất chấp sự cạnh tranh", nhóm phân tích của SSI Research bình luận. Theo đó, khi chuỗi này có thể giành thêm được thị phần lớn ở khu vực nông thôn, sẽ có được lợi thế thương lượng tốt hơn với các nhà sản xuất để cải thiện tỷ suất lợi nhuận.

Cũng là mô hình kinh doanh nhỏ, các hệ thống cửa hàng tiện lợi cũng nằm trong nhóm cạnh tranh với cửa hàng nhỏ lẻ. thực tế, số lượng cửa hàng tiện lợi ngày càng mọc lên nhiều. Tính từ 2012 đến cuối năm 2018, số lượng cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc gấp 4 lần, đồng thời lượng mở mới ngày càng tăng nhanh với những cái tên lớn VinMart, Bách hóa Xanh, Co.op Food. 

Ảnh: plo
Phân khúc cửa hàng tiện lợi 24/7 tại Việt Nam đang khốc liệt và hấp dẫn không kém bất kỳ cuộc chiến kinh doanh nào. Ảnh: Coop - Food

Số liệu từ báo cáo nghiên cứu của Deloitte cuối năm 2018 cho thấy rằng, thương hiệu ngoại chiếm tới 70% thị phần kênh cửa hàng tiện lợi so với chỉ 30% của các doanh nghiệp nội địa. Những cái tên phải kể đến như: Circle K, Family Mart, B’s Mart, Ministop, 7-Eleven, G25, Shop&Go…

Thực tế, nếu nhìn vào cuộc cạnh tranh tại phân khúc cửa hàng tiện lợi 24/7 tại Việt Nam đang khốc liệt và hấp dẫn không kém bất kỳ cuộc chiến kinh doanh nào. Nhưng một đặc điểm chung, tất cả đang phải chịu cảnh thua lỗ để đổi lấy độ phủ và thị phần.

Những "anh cả" vẫn đang thua lỗ

Circle K hiện có quy mô lớn nhất thị trường với gần 400 cửa hàng, tập trung tại hai thành phố là Hà Nội và TP.HCM. Mô hình tiện lợi thu hút giới trẻ vì sản phẩm đồ ăn tiện lợi, không gian làm việc tại chỗ có đầy đủ wifi…Năm 2018, Circle K đạt quy mô doanh thu hơn 2.300 tỉ đồng sau 10 năm có mặt tại Việt Nam.

Con số này tăng trưởng 33% so với trước đó một năm. Biên lợi nhuận gộp cho thấy sự cải thiện đáng kể, vượt 31%, đây cũng là mức hết sức ấn tượng trong ngành bán lẻ. Chúng ta đều biết rằng, giá các mặt hàng bày bán trong Circle K là tương đối đắt đỏ nếu so với các chuỗi cửa hàng thông thường.

Cũng chính vì cải thiện được tỷ suất lợi nhuận nên Circle K tỏ ra hiệu quả hơn, nhưng công ty này vẫn lỗ tới 130 tỉ đồng trong năm 2018, nâng tổng số lỗ lũy kế lên gần 800 tỉ đồng. Kể từ 2018 đến chuỗi tiện lợi tăng thêm 100 cửa hàng.

Ảnh: Family Mart
Family Mart hiện có khoảng 130 cửa hàng, nhưng doanh thu trong năm gần nhất lên tới 1.360 tỉ đồng.  Ảnh: Family Mart

Family Mart hiện có khoảng 130 cửa hàng, nhưng doanh thu trong năm gần nhất lên tới 1.360 tỉ đồng. Đây là con số ấn tượng nhất trong các đơn vị kinh doanh bán lẻ 24/7 tại Việt Nam. Biên lợi nhuận gộp duy trì ở mức ổn định trong nhiều năm nay, đạt trên 26%. Mức lỗ đang giảm dần xuống còn 50 tỉ đồng năm 2019.

B’s Mart là hệ thống được tách ra từ liên doanh với Family Mart, hiện có gần 160 cửa hàng tập trung tại TP.HCM. Đỉnh cao của chuỗi này nằm ở năm 2017 với doanh thu 690 tỉ đồng, nhưng đi xuống trong hai năm gần đây. Năm 2019, B’s Mart đạt 522 tỉ đồng doanh thu, biên lợi nhuận gộp duy trì từ 17% - 18%.

Doanh thu giảm, mức lỗ cũng giảm, nhiều khả năng đây chính là sự chủ động kìm hãm việc tăng trưởng quá nóng. Thực tế, lỗ 2019 của B’s Mart còn 124 tỉ đồng, giảm 23% so với số 2017. Đáng chú ý lỗ lũy kế lên tới 901 tỉ đồng.

Ảnh: plo
Hệ thống 7-Eleven, một thương hiệu hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này gia nhập Việt Nam từ năm 2017 cũng nhanh chóng tăng mức lỗ lên 107 tỉ đồng. Ảnh: 7-Eleven

Ministop, chuỗi bán lẻ của Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) năm ngoái đạt doanh thu 994 tỉ đồng, lỗ 141 tỉ đồng. Hệ thống 7-Eleven, một thương hiệu hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này gia nhập Việt Nam từ năm 2017 cũng nhanh chóng tăng mức lỗ lên 107 tỉ đồng. Cũng phải nói thêm rằng, tăng trưởng quy mô doanh thu của 7-Eleven là rất nhanh, đem về 415 tỉ đồng năm ngoái, gấp 2,2 lần năm trước đó.

Tân binh G25, thương hiệu Hàn Quốc được vận hành bởi Tập đoàn Sơn Kim gần đây đang mở rộng liên tục tại nhiều vị trí đắc địa tại các quận trung tâm TP.HCM. Theo đó, đạt gần 200 tỉ đồng doanh thu 2019, nhưng lỗ 67 tỉ đồng.

► Những "át chủ bài" đã mang về cho Thế Giới Di Động hơn 2.000 tỉ đồng trong tháng 8