Những tác động của nới room ngoại với thị trường
Công ty chứng khoán HSC nhận định, điều này diễn ra sớm hơn rất nhiều so với dự đoán trước đây, và việc phát hành cổ phiếu không có quyền biểu quyết tuân theo quy định hiện hành của Luật doanh nghiệp nên sẽ không có vấn đề lớn về mặt kỹ thuật. Theo HSC, nếu thông tin trên là đúng thì có lẽ các cơ quan chức năng đang muốn đẩy nhanh cải cách trong ngắn hạn.
Các doanh nghiệp nói chung
HSC cho rằng, tác động nói chung của đề xuất nới room đối với thị trường ban đầu sẽ là khá hạn chế và tùy thuộc từng cổ phiếu cụ thể. Trước tiên, các công ty sẽ cần phải nâng vốn và cần xin ý kiến cổ đông về việc nâng vốn. Tại các thị trường chứng khoán ở các quốc gia khác, cổ phiếu không có quyền biểu quyết nói chung có giá thấp hơn (nhiều trường hợp thấp hơn đến 30%) so với cổ phiếu có quyền biểu quyết.
Trong trường hợp hiện tại của Việt Nam, việc phát hành cổ phiếu không có quyền biểu quyết có thể sẽ làm giảm chênh lệch giá giao dịch của cổ phiếu có room dành cho nhà đầu tư nước ngoài đã hết so với giá thị trường của chính cổ phiếu đó. Điều này có thể sẽ khiến một số cổ đông nước ngoài hiện hữu không muốn thông qua việc tăng vốn vì sẽ làm giảm lợi nhuận tiềm năng của mình. Tuy nhiên, những đề xuất nâng vốn nhiều khả năng vẫn sẽ được thông qua.
Sau khi được phát hành, cổ phiếu không có quyền biểu quyết sẽ có mã chứng khoán riêng và được giao dịch riêng rẽ với cổ phiếu có quyền biểu quyết. Điều này có thể làm loãng hay giảm thanh khoản của những cổ phiếu này.
Theo HSC, trong tương lai nên có thêm những cải cách sâu hơn (chẳng hạn cho phép sử dụng chứng khoán phái sinh không có quyền biểu quyết). Bên cạnh đó, còn một vấn đề nảy sinh là liệu cổ phiếu hiện tại (chẳng hạn cổ phiếu hiện thuộc sở hữu Nhà nước) có thể chuyển đổi được thành cổ phiếu không có quyền biểu quyết, theo đó cho phép Nhà nước bán bớt phần vốn của mình ở các cổ phiếu bluechip hay không?
Các công ty chứng khoán
HSC cũng cho rằng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ sớm đề xuất bỏ hoàn toàn giới hạn sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty chứng khoán. Hiện tại, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ có thể sở hữu từ 49% trở xuống hoặc sở hữu 100% cổ phần của một công ty chứng khoán. Và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thể sẽ đề xuất cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu nốt từ trên 49% đến 100% vốn của một công ty chứng khoán.
Nếu có một đề xuất như vậy, giá cổ phiếu của các công ty chứng khoán đã hết room có thể được cải thiện. HSC không chắc về thời gian thực hiện nhưng với nhu cầu cấp bách đối với việc cải cách ngành chứng khoán mới đây, thì có lẽ một đề xuất như trên sẽ sớm được trình để xem xét thông qua. Chứng khoán được coi là ngành không nhạy cảm và do đó có thể là một ngoại lệ.
Nhóm ngân hàng
Tiếp theo là vấn đề nâng room dành cho nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu ngân hàng mà cho đến nay vẫn chưa được đề cập nhiều. Lý do là Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm chính đối với vấn đề này, chứ không phải Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, và Ngân hàng Nhà nước có những kế hoạch, ưu tiên riêng của mình.
Tuy nhiên, việc nâng room dành cho nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu ngân hàng cũng sẽ phải được xem xét và tư tưởng chung cũng là ủng hộ việc nâng room. Trên thực tế, để tái cơ cấu vốn cho ngành ngân hàng (nhiều khả năng diễn ra vào 2014-2015), sẽ cần phải xem xét vấn đề nâng room theo một cái nhìn thực tế.
Nguồn Khampha/HSC