Biển báo liên quan đến việc phòng chống dịch Covid-19 trên bờ biển Mỹ Khê tại Đà Nẵng, Việt Nam. Ảnh: Hugh Bohane/Nikkei Asian Review

 
Quỳnh Anh Thứ Năm | 09/04/2020 17:30

Những tác động của Covid-19 tới ngành du lịch Việt Nam dưới góc nhìn báo Nhật

Khoảng 23.000 trong số 35.000 nhân lực trong ngành du lịch của Đà Nẵng đã bị buộc phải nghỉ phép tạm thời.

Một số nhân viên cứu hộ tuần tra trên bãi biển chính của Đà Nẵng, nhưng không có một tín đồ tắm nắng nào, Nikkei Asian Review mô tả về khung cảnh trống vắng trên các bờ biển tại trung tâm du lịch của Việt Nam.

Bãi biển Mỹ Khê bình thường chật cứng khách du lịch đã bị đóng cửa như một phần của chiến dịch cách ly xã hội của Việt Nam chống lại sự lây lan của covid-19. Một hệ thống loa phát một thông báo dịch vụ công cộng được ghi bằng tiếng Việt và tiếng Anh để nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang và giữ khoảng cách với người khác hai mét.

Khi chiến dịch bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/4, Đà Nẵng bắt đầu trở nên vắng vẻ, chỉ còn lại siêu thị, bệnh viện, nhà thuốc và máy ATM.

Khách sạn DLG, một khách sạn năm sao nằm trên bãi biển, thường sẽ có công suất khoảng 80% vào thời điểm này trong năm, nhưng sảnh hoàn toàn trống rỗng.

"Chính phủ Việt Nam đã và đang làm rất tốt công tác kiểm soát dịch Covid-19", Giám đốc bán hàng và tiếp thị của khách sạn, chị Hà Huyền, nói với Nikkei Asian Review. Cho đến nay, chị nói, không ai bị sa thải, và khách sạn đang làm việc để tối ưu hóa lịch trình làm việc.

Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào lĩnh vực du lịch, vốn chiếm 8% GDP, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới. Nhưng với việc đất nước áp dụng các biện pháp quyết liệt chống covid-19, ngành công nghiệp này được cho là sẽ trải qua một trong những giai đoạn tồi tệ nhất trong thời gian gần đây.

"Chính phủ Việt Nam và các bộ có liên quan đang theo dõi sát sao tình hình và chúng tôi đã phác thảo các khả năng và kịch bản khác nhau có thể xảy ra do khủng hoảng và những hệ quả lên nền kinh tế", Ông Nguyễn Ánh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp tại Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nói với Nikkei.

Đà Nẵng là một trụ cột quan trọng của ngành du lịch. Hiệp hội du lịch thành phố cho biết, thiệt hại của ngành du lịch tại thành phố ước vào khoảng 700-800 tỷ đồng (khoảng 30-34 triệu USD) trong quý đầu tiên.

Khoảng 23.000 trong số 35.000 nhân lực trong ngành du lịch của thành phố đã bị buộc phải nghỉ phép tạm thời.

Đường phố Đà Nẵng bình thường đông đúc khách du lịch, nhưng hiện tại đang rất trống vắng. Ảnh: Hugh Bohane.
Đường phố Đà Nẵng bình thường đông đúc khách du lịch, nhưng hiện tại đang rất trống vắng. Ảnh: Hugh Bohane.

Trong nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế đang gặp khó khăn vì Covid-19, chính phủ Việt Nam tung ra các gói hỗ trợ để giúp các doanh nghiệp đương đầu với Covid-19. Tuy nhiên, việc đưa mọi thứ trở lại bình thường sẽ phụ thuộc vào việc đại dịch toàn cầu này sẽ kéo dài trong bao lâu.

Một nhà hàng chay nhỏ ở Đà Nẵng có tên Kokogreen, được người nước ngoài và người dân địa phương ưa chuộng, vẫn mở cửa vào buổi chiều nhưng khách hàng chỉ có thể gọi món mang đi.

Nhiều công dân Việt Nam và người nước ngoài tại Việt Nam, đã ca ngợi phản ứng nhanh chóng của chính phủ đối với cuộc khủng hoảng. Một số nhà quan sát cho rằng đây là kinh nghiệm trong quá khứ của Việt Nam khi xử lý dịch SARS năm 2003 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008.

Bộ Y tế đã gửi tin nhắn văn bản thường xuyên cho tất cả người dùng điện thoại di động tại Việt Nam để khuyến khích mọi người đeo khẩu trang, và rửa tay bằng xà phòng hoặc nước rửa tay. Vào ngày 6 tháng 3, Việt Nam tuyên bố sẽ sản xuất 10.000 bộ xét nghiệm COVID-19 mỗi ngày, sau khi thí điểm thành công và được sự chấp thuận của Tổ chức Y tế Thế giới.

Ông Dương cho biết việc mất lượng khách du lịch từ Trung Quốc và Hàn Quốc - hai nguồn khách du lịch lớn nhất đến Đà Nẵng - đã thực sự làm tổn thương thị trường.

"Tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2020 dự kiến ​​sẽ chậm lại đối và tác động đến du lịch là rất phức tạp ... Điều này dự kiến ​​sẽ kéo dài trong những tháng tới", ông Dương nói thêm.

Nguồn Nikkei Asian Review