Những sự kiện nổi bật của ngành công thương năm 2012
Ngày 23/12/2012, tại Sơn La, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức khánh thành thành công trình thủy điện Sơn La. Công trình thủy điện Sơn La có công suất lắp đặt 2.400 MW (gồm 6 tổ máy, mỗi tổ 400 MW), sản lượng điện trung bình hằng năm 10,2 tỷ kWh.
Công trình khởi công ngày 2/12/2005, đã hoàn thành trước 3 năm so với nghị quyết của Quốc hội giao (hoàn thành năm 2015).
Việc Thủy điện Sơn La về đích sớm 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội đồng nghĩa với việc Dự án cung cấp sớm hơn cho nền kinh tế quốc dân 12,5 tỷ kWh điện năng, tương đương giá trị kinh tế hàng chục nghìn tỷ đồng, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Nhà máy Alumin Tân Rai cho ra sản phẩm đầu tiênNgày 25/12/2012, mẻ alumina đầu tiên của nhà máy Tân Rai (Lâm Đồng) do Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt nam đầu tư đã được ra lò sau 2 năm chậm tiến độ.
Giữa tháng 11 vừa qua, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt nam (Vinacomin) đã ký hợp đồng tín dụng 300 triệu USD với Citi Việt Nam để tài trợ dự án khai thác bô xít và sản xuất alumin ở tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, khoản vay có kỳ hạn 13 năm được bảo lãnh bởi Bộ Tài chính cùng Cơ quan Bảo hiểm Xuất Khẩu và Đầu tư của Nhật bản. Vinacomin đang chịu trách nhiệm triển khai 2 Tổ hợp bô xít nhôm Tân Rai và Nhân Cơ.
Sản lượng alumina tại nhà máy Tân Rai trước mắt sẽ đạt 300.000 tấn và tăng lên 520.000 tấn trong những năm tiếp theo. Đây là sản phẩm mới của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt nam trong việc phát triển ngành công nghiệp nhôm của nước ta.
Khởi động đàm phán FTA Việt Nam – EU
Ngày 26/6/2012, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng và Cao Ủy Thương mại EU Karel De Gucht đã có buổi làm việc tại Brussels, Bỉ, chính thức tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).
Hiệp định EVFTA sẽ là một Hiệp định thương mại tự do toàn diện, phù hợp với các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và đem lại lợi ích cho cả hai bên. Hiệp định sẽ bao gồm các lĩnh vực như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư và các lĩnh vực khác mà hai bên quan tâm. Trong quá trình đàm phán và thực hiện Hiệp định, hai bên cũng sẽ cân nhắc tới sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa Việt Nam và EU.
Hiệp định EVFTA sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ giao thương, đầu tư Việt Nam-EU, đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân của hai bên. Việt Nam và EU cũng tin tưởng rằng việc đàm phán và thực hiện Hiệp định EVFTA không chỉ thúc đẩy quan hệ quan hệ song phương mà còn góp phần đẩy mạnh hợp tác kinh tế khu vực-khu vực giữa ASEAN và EU.
Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực
Ngày 20/11/2012, tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực. Điểm mới đáng chú ý của Luật Điện lực quy định Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện phải được thực hiện công khai, minh bạch về sự biến đổi của các yếu tố cấu thành liên quan đến việc điều chỉnh giá. Nhà nước sử dụng các biện pháp để bình ổn giá bán điện phù hợp với quy định của pháp luật về giá.
Giá phát điện theo hợp đồng mua bán điện có thời hạn, giá bán buôn điện do các đơn vị điện lực thỏa thuận nhưng không được vượt qua khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện đã được phê duyệt. Luật này có hiệu lực từ ngày 1/7/2013.
Tất cả các Tập đoàn, Tổng công ty đã hoàn thành việc xây dựng Đề án tái cơ cấu
Thời gian qua, Chính phủ đã triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015. Đến ngày 22/10/2012 đã có 52 tập đoàn, tổng công ty nhà nước xây dựng đề án trình bộ chuyên ngành và Thủ tướng phê duyệt, trong đó có 16 Đề án đã trình Thủ tướng Chính phủ.
23/52 tập đoàn, tổng công ty đã được phê duyệt đề án tái cơ cấu; trong đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu của 1 tập đoàn; các bộ chuyên ngành phê duyệt đề án tái cơ cấu đối với 22 tổng công ty.
Đối với các doanh nghiệp địa phương, có 23 đơn vị đã xây dựng đề án trình UBND các tỉnh, thành phố, trong đó có 21 tổng công ty, công ty đã được phê duyệt đề án tái cơ cấu.
Nhà máy Đạm Ninh Bình hoàn thành đi vào hoạt động
Ngày 30/3/2012, tại Khu công nghiệp Khánh Phú (Ninh Bình), Nhà máy đạm Ninh Bình thuộc Tập đoàn Công nghiệp hóa chất Việt Nam (Vinachem) tổ chức Lễ chứng kiến sản phẩm chạy thử của nhà máy.
Nhà máy có tổng mức đầu tư 667 triệu USD, từ các nguồn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam 291 triệu USD, Ngân hàng Eximbank Trung Quốc 250 triệu USD, vốn của Vinachem 100 triệu USD và vốn hỗ trợ của tỉnh Ninh Bình 4,4 triệu USD.
Sau khi hoàn thành công tác đầu tư, chuyển sang giai đoạn vận hành thương mại, Nhà máy đạm Ninh Bình sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu phân đạm cho các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ nói riêng và của cả nước nói chung.
Với sản lượng hằng năm 560 nghìn tấn, cùng với sản lượng u-rê của Nhà máy đạm Phú Mỹ, Nhà máy đạm Cà Mau và Nhà máy Phân đạm Hà Bắc sẽ đáp ứng đủ nhu cầu đạm u-rê của cả nước, giúp nước ta chủ động hơn về phân bón và góp phần bảo đảm tốt hơn cho chương trình an ninh lương thực quốc gia.
Nguồn Bộ Công thương