Tuần qua cũng có khá nhiều sự kiện liên quan tới các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, cả tích cực và... chưa tích cực..
1. Nới room cho nhà đầu tư nước ngoài
Theo Nghị định 01/2014/NĐ-CP ngày 6/1/2014 của Chính phủ, room sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại một TCTD Việt Nam đã được nâng lên 20% thay vì 15% theo quy định của Nghị định 69/2007/NĐ-CP. Room sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan tại một TCTD Việt Nam cũng được nâng lên 20%...
Nghị định cũng phân biệt rõ việc sở hữu cổ phần của nhà đầu tư cá nhân và tổ chức. Theo đó, room sở hữu cổ phần của một cá nhân nước ngoài là 5%; room sở hữu cổ phần của một tổ chức nước ngoài là 15%, trừ trường hợp nhà đầu tư chiến lược. Song tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn không được vượt quá 30% vốn điều lệ của một NHTM Việt Nam.
Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt để thực hiện cơ cấu lại TCTD yếu kém, gặp khó khăn, bảo đảm an toàn hệ thống TCTD, Thủ tướng Chính phủ quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần vượt quá giới hạn quy định đối với từng trường hợp cụ thể.
Đây là bước đi hợp lý để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình tái cơ cấu hệ thống TCTD. Sự tham gia của của các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ giúp các TCTD trong nước tăng năng lực tài chính, mà quan trọng hơn là năng lực quản trị, điều hành.
2. Quyết liệt cổ phần hóa
Chỉ trong tuần qua, Thủ tướng đã phê duyệt Phương án cổ phần hóa 8 Tổng công ty thuộc Bộ Giao thông vận tải: Xây dựng công trình giao thông 1 (CIENCO1); Xây dựng công trình giao thông 4 (CIENCO4); Xây dựng công trình giao thông 5 (CIENCO5); Xây dựng công trình giao thông 6 (CIENCO6); Xây dựng Hà Nội (HANCORP); Xây dựng đường thủy (VINAWACO); Xây dựng Thăng Long (TLG); Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI).
Đặc biệt, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2014 của các Bộ Công Thương, Giao thông vận tải, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đều yêu cầu phải nghiêm túc thực hiện tái cơ cấu, đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành.
Như tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2014 của Bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng yêu cầu phải hoàn thành công tác cổ phần hóa doanh nghiệp trong năm 2014 để sớm đưa lên thị trường chứng khoán, công khai minh bạch trước thị trường để cổ đông và nhân dân cùng giám sát nhằm giúp các doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, hiệu quả cao hơn, giảm tham nhũng.
"Bao nhiêu doanh nghiệp cổ phần hóa đều hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn, tiêu cực, tham nhũng giảm mạnh. Tại sao chúng ta không làm? Không làm thì mời các đồng chí thôi việc", Thủ tướng nhấn mạnh.
3. Tiền đồng sẽ tiếp tục ổn định
Tại báo cáo về triển vọng tiền đồng Việt Nam vừa được công bố mới đây, Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC (HSBC Global Research) nhận định, sau lần điều chỉnh tỷ giá 1% vào tháng 6/2013, VND đã ổn định xung quanh mức bình quân mới.
Khối này cũng dự báo, xu hướng ổn định sẽ được tiếp tục duy trì nhờ cán cân thanh toán tiếp tục theo xu hướng ổn định; cán cân thương mại thặng dư nhẹ trong năm 2013. “Thặng dư thương mại mặc dù khiêm tốn nhưng cộng với dòng kiều hối mạnh sẽ tiếp tục hỗ trợ cho tài khoản vãng lai”, báo cáo nhận định.
Trên thực tế, dòng vốn FDI đang phục hồi mạnh mẽ khi năm 2013, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm lên tới 21,6 tỷ USD tăng 54,5% so với năm 2012; lượng vốn giải ngân cũng đạt 11,5 tỷ USD, tăng 9,9%. Theo HSBC, triển vọng tăng tưởng GDP tốt hơn (trong năm 2014) cũng có khả năng tiếp tục thu hút dòng đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, HSBC cảnh báo: “Ổn định về tài khoản vãng lai và lạm phát thường có khuynh hướng ngắn hạn và chúng ta vẫn cần một chính sách tiền tệ đúng đắn để kiểm soát hai yếu tố này. Dấu hiệu nới lỏng tiền tệ quá mức hay một đợt tăng lạm phát sẽ mang tính chất cảnh báo đối với đồng nội tệ”.
4. Dự án NƠXH đầu tiên được vay vốn ưu đãi lãi suất 5%/năm
Sáng 6/1, VietinBank Nam Thăng Long đã ký kết hợp đồng tín dụng, cho CCTCP Đầu tư Thương mại Thủ đô vay 101 tỷ đồng từ gói tín dụng hỗ trợ nhà ở để xây dựng dự án nhà thu nhập thấp tại lô đất B4-CT1 và B5-CT2 thuộc khu vực Bắc Cổ Nhuế-Chèm (Từ Liêm, Hà Nội). Bên cạnh đó, người mua nhà cũng được vay vốn 80% giá trị căn hộ, thời hạn 10 năm với lãi suất ưu đãi.
Đây là dự án nhà xã hội đầu tiên được vay vốn từ gói tín dụng hỗ trợ nhà ở trị giá 30.000 tỷ đồng với lãi suất 5%/năm trong năm 2014. Bởi theo Quyết định số 21/QĐ-NHNN được Thống đốc NHNN Việt Nam ban hành ngày 2/1/2014, mức lãi suất của các NHTM áp dụng trong năm 2014 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN chỉ là 5%/năm.
Dự án này là một sự khởi đầu tốt đẹp báo hiệu việc giải ngân gói tín dụng hỗ trợ nhà ở sẽ khả quan hơn rất nhiều trong năm 2014. Nguyên nhân do bên cạnh việc lãi suất cho vay thấp hơn, đối tượng cho vay theo quy định của Thông tư 18/2013/TT-BXD sửa đổi bổ sung một số điều tại Thông tư số 07/2013/TT-BXD cũng "mở" hơn trước, nhiều khó khăn vướng mắc trong việc xác định đối tượng cũng đã được tháo gỡ.
5. Lại "nóng" chuyện EVN
Một sự kiện cũng thu hút được rất nhiều sự chú ý trong tuần qua là việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2014 với chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu khoảng 1%.
Trong khi đó, với việc giá bán lẻ điện bình quân tăng 5% từ 1/8/2013, mức lãi do sản xuất kinh doanh điện trong năm 2013 của EVN đạt hơn 4.000 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận khoảng 2,5%. Bởi vậy, dư luận băn khoăn, không hiểu vì sao chỉ tiêu này lại "tụt" và phải chăng EVN làm vậy là để "tạo cớ" cho việc sẽ tăng giá điện trong thời gian tới?
Câu chuyện này chưa kịp lắng xuống ngay tiếp đó, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra việc chấp hành trong quản lý sử dụng vốn, tài sản tại EVN cho thấy, bên cạnh kết quả đã đạt được, EVN có những khuyết điểm, vi phạm.
Chẳng hạn như EVN đã đầu tư ra ngoài DN số tiền hơn 121 nghìn tỷ đồng, vượt vốn điều lệ của công ty mẹ EVN hơn 45 nghìn tỷ đồng; trong đó đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán hơn 1.997 tỷ đồng, vượt tỷ lệ quy định. Song việc đầu tư vốn ra ngoài DN chưa mang lại hiệu quả kinh tế.
Cũng theo kết luận thanh tra, EVN còn hướng dẫn hạch toán nguồn vốn không đúng tại 11 dự án đã hoàn thành và đang hoạt động, làm tăng chi phí cho sản xuất điện trong năm 2011 tại 11 dự án này với tổng số tiền hơn 223,9 tỷ đồng. Chưa hết, từ năm 2005 đến tháng 7/2012, EVN đã triển khai chậm tiến độ 20/42 dự án dẫn đến thiếu hụt sản lượng điện và tăng chi phí đầu tư cho dự án...
Rõ ràng, việc tăng giá điện là khó tránh nếu giá bán điện đang thấp hơn giá thành sản xuất. Song như Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói: "Điều mà khách hàng cần là những dịch vụ tương xứng với một giá điện cạnh tranh, minh bạch".