Những rủi ro kinh tế toàn cầu năm 2013
Davos Forum 2013Từ 22 – 28/1, WEF thường niên với chủ đề Năng động để thích ứng diễn ra tại Davos, Thuỵ Sĩ. Tại hơn 250 cuộc họp/hội thảo, các đại biểu thảo luận về những vấn đề như cách thức đưa nền kinh tế thế giới trở lại lộ trình tăng trưởng và làm sao để các mô hình kinh doanh có thể điều chỉnh trước những thay đổi mang tính cấu trúc và thế hệ.
WEF 2013 thu hút sự tham gia của khoảng 2.500 đại biểu tới từ hơn 100 quốc gia và 1.400 tổ chức quốc tế. Trong số này, có hơn 1.600 nhà lãnh đạo doanh nghiệp và hơn 45 nguyên thủ quốc gia hoặc người đứng đầu chính phủ.
Trong bài phát biểu khai mạc, chủ tịch điều hành đồng thời là người sáng lập WEF Klaus Schwab bày tỏ hy vọng diễn đàn năm nay ghi nhận tinh thần lạc quan rằng điều tồi tệ nhất đã đi qua. Ông Schwab kêu gọi các đại biểu vượt qua khủng hoảng nợ công của Eurozone, vốn đe doạ đẩy khu vực rơi vào một cuộc suy thoái.
Khác với tinh thần lạc quan của WEF, tổ chức PS cho rằng, tăng trưởng yếu ớt là xu hướng nổi trội trong năm 2013. Năm nay, kinh tế toàn cầu sẽ có tỷ lệ tăng trưởng khoảng 3%, nhưng phục hồi diễn ra trên nhiều cấp độ, với mức tăng trưởng trung bình hàng năm 1% tại các nền kinh tế phát triển và trung bình 5% tại các thị trường đang nổi.
Trong khi đó, WB tại Việt Nam cũng vừa công bố “Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2013”. Theo đó, nền kinh tế thế giới đang hứng chịu sự bất ổn, tăng trưởng thấp do khủng hoảng. Các nền kinh tế đang phát triển (mới nổi) vẫn đóng vai trò là đầu tàu của tăng trưởng toàn cầu, nhưng tốc độ đã chậm lại. Ông Andrew Burn, trưởng nhóm kinh tế vĩ mô, tác giả chính của báo cáo cho rằng: “Để lấy lại đà tăng trưởng trước khủng hoảng, các nước đang phát triển phải chú trọng tới các chính sách thúc đẩy tăng năng suất. Mặc dù những “cơn gió ngược” từ quá trình tái cơ cấu và thắt chặt tài khoá vẫn đang tiếp tục gây khó khăn cho các nước có thu nhập cao, song tình trạng căng thẳng này sẽ giảm bớt, cho phép tăng trưởng toàn cầu có thể tăng tốc thêm một chút trong vài năm tới”.
Những bất ổn 2013
Báo cáo của WB dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào khoảng 2,3% trong năm 2012 và 2,4% vào năm 2013, sau đó lên đến 3,1% trong năm 2014 và 3,3% trong năm 2015.
Những rủi ro năm nay tuy bớt tiêu cực so với mấy năm qua, song vẫn đang nằm ở phía trước, theo PS sẽ bao gồm: thứ nhất, các cuộc tranh luận về thuế khoá và ngân sách của Hoa Kỳ vẫn chưa “giải phóng” nước Mỹ khỏi “vách đứng tài khoá”. Giải pháp “tiếp tục chi” từ quốc hội Mỹ (cho phép chính phủ tiếp tục vận hành mà không có một bộ luật chuẩn chi!) có thể khiến kinh tế Mỹ sụt giảm khoảng 1,4% GDP trong bối cảnh tăng trưởng hai quý qua chỉ ở mức 2%.
Thứ hai, kinh tế châu Âu tiếp tục đình đốn hoặc suy giảm do các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” tài chính và khủng hoảng tín dụng. Mặc dù ngân hàng châu Âu (ECB) đang cố gắng giảm tối đa các rủi ro trong khu vực đồng euro, nhưng những vấn đề cơ bản của liên minh tiền tệ này vẫn chưa được giải quyết.
Thứ ba, Trung Quốc phụ thuộc vào một vòng kích thích tiền tệ, tài chính và tín dụng nữa để củng cố mô hình tăng trưởng mất cân bằng và không bền vững. Nền kinh tế này dựa vào xuất khẩu và đầu tư cố định quá mức, tiết kiệm cao và tiêu dùng thấp. Nguy cơ kinh tế Trung Quốc hạ cánh cứng sẽ tăng vào cuối năm 2013.
Thứ tư, các thị trường mới nổi BRIC gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc đều bị suy giảm. Mô hình “tư bản nhà nước” gồm vai trò lớn của doanh nghiệp quốc doanh, vai trò lớn hơn nữa của các ngân hàng quốc doanh, công nghiệp hoá thay thế nhập khẩu, bảo hộ tài chính và kiểm soát đầu tư trực tiếp nước ngoài là trung tâm của các vấn đề.
Thứ năm, các nguy cơ địa – chính trị ngày càng bùng phát. Mùa xuân Arập có thể biến thành mùa đông Arập. Với việc Israel không chấp nhận Iran có vũ khí hạt nhân, tiếng trống chiến tranh có thể vang to hơn. Nếu dầu thô tăng giá tới 20% thì sẽ có tăng trưởng âm ở nhiều quốc gia giàu có cũng như các nước “thường thường bậc trung”.
Khả năng hội tụ cả năm rủi ro này cùng một lúc là thấp. Nhưng chỉ cần 1/5 bất ổn trên xảy ra, kinh tế toàn cầu có thể sa lầy và rơi vào suy thoái trong năm 2013.