Những nỗi sợ vô hình trong cuộc chiến giá vàng
Nghị quyết Quốc hội kỳ họp cuối năm ngoái đã nhen nhóm hy vọng cho giới kinh doanh vàng sau thời gian dài thị trường trầm lắng. Để thực hiện yêu cầu kéo giá trong nước sát với thế giới, Ngân hàng Nhà nước phải có biện pháp điều tiết, mà trước hết sẽ tăng cung cho thị trường bằng cách nhập khẩu hoặc xuất từ dự trữ quốc gia. Điều đó cũng có nghĩa thị trường sẽ có sóng, có cơ hội kiếm lời.
Các ông chủ buôn vàng càng thêm háo hức khi Thống đốc tuyên bố Ngân hàng Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt, sẵn sàng mua bán khi cần thiết để bình ổn thị trường. Đi cùng với lời tuyên bố đó, Ngân hàng Nhà nước đã rốt ráo chuẩn bị hành lang pháp lý cho lần đầu tiên tham gia thị trường. Mạng lưới kinh doanh vàng miếng trên toàn quốc cũng được chỉnh đốn, hàng nghìn điểm mua bán không đạt chuẩn đã bị xóa sổ, thay bằng hệ thống kinh doanh nhỏ gọn hơn nhưng được cho là có tiềm lực tài chính, có tư cách pháp nhân và lý lịch rõ ràng.
Tuy nhiên, ngày vui ngắn chẳng tày gang, họ lại chuyển sang lo lắng khi cầm trên tay dự thảo thông tư hướng dẫn việc Ngân hàng Nhà nước mua bán vàng. Không phải doanh nghiệp nào có giấy phép kinh doanh vàng miếng cũng mặc nhiên được mua bán với Ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ đặt cọc cao khiến họ bị chôn một lượng vốn lớn cho mỗi lần tham gia đấu thầu. Thời hạn thanh toán và giao nhận vàng dài có thể khiến họ lỡ nhịp kiếm lời, thậm chí thua lỗ khi thị trường có sóng. Giá đấu được xác định theo cơ chế nào cũng là điều khiến họ hoang mang. Đã vậy, Ngân hàng Nhà nước lại dự phòng cho mình quyền hủy thầu nếu thị trường biến động ngoài tầm kiểm soát.
Những điều kiện khắt khe này khiến nhiều doanh nghiệp ngao ngán nghĩ tới sự bất cân xứng khi tham gia mua bán vàng. Ngân hàng Nhà nước có đầy đủ công cụ trong tay, được độc quyền nhập khẩu, sản xuất vàng, toàn quyền chủ động cung ứng hoặc tiêu thụ vàng, thậm chí được cân đối trạng thái trên tài khoản nước ngoài và lại là người đề ra các luật lệ mua bán. Trong khi các doanh nghiệp và ngân hàng hầu như chỉ trông chờ vào nguồn cung ứng của Ngân hàng Nhà nước, bởi lượng bán ra từ dân cư không nhiều.
Sự thất vọng lên đến đỉnh điểm khi họ tham gia phiên đấu thầu đầu tiên do Ngân hàng Nhà nước tổ chức tuần qua tại Hà Nội. Giá chào thầu lên đến 43,81 triệu đồng một lượng, đắt hơn gần nửa triệu đồng mỗi lượng so với mặt bằng thị trường cùng thời điểm. 15 trong tổng số 17 đơn vị dự thầu đã bỏ phiếu trắng hoặc viết phiếu mua với số lượng bằng 0. 26.000 lượng tung ra, cuối cùng Ngân hàng Nhà nước chỉ bán được 2.000 lượng cho 2 đơn vị với giá sàn.
Doanh nghiệp có đủ lý do để ca thán về phiên đấu thầu này. Với mục tiêu bình ổn thị trường, kéo giá trong nước về sát với thế giới, Ngân hàng Nhà nước lẽ ra phải chào giá thấp hơn hoặc ít ra là tương quan với mức mua bán thực tế của các doanh nghiệp. Ấn định cao như vậy, theo doanh nghiệp, chẳng khác nào Ngân hàng Nhà nước xa rời thực tế hoặc thừa nhận mức giá cao bất hợp lý của thị trường.
Vụ trưởng Quản lý Ngoại hối Nguyễn Quang Huy ngay sau phiên đấu thầu đã lên tiếng giải thích. Ông cho rằng mục tiêu đấu thầu bán vàng miếng là tăng cung để bình ổn thị trường, chứ Ngân hàng Nhà nước không bình ổn giá và cũng không bù lỗ cho bất cứ đối tượng nào trên thị trường. Khẳng định mức giá sàn phù hợp với giao dịch thực tế và không thể giải bài toán mất cân đối cung cầu chỉ qua một phiên, ông Huy nhắc lại câu chuyện Ngân hàng Nhà nước bán vàng là bán tài sản của nhà nước, phải tuân thủ quy định pháp luật về quản lý dự trữ ngoại hối.
Phần trả lời ngắn ngủi với quan điểm phản biện có phần chừng mực đăng trên website của Ngân hàng Nhà nước không dễ làm thỏa mãn doanh nghiệp, nhưng cũng đủ cho thấy cơ quan quản lý có quá nhiều nỗi sợ khi tham gia thị trường. Quốc hội yêu cầu giá trong nước bám sát thế giới, muốn làm vậy phải bán vàng ra. Nhưng Ngân hàng Nhà nước không phải nhà buôn, không kinh doanh bằng vốn tự có, mà phải xuất vàng trong kho hoặc lấy ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối để nhập về, tức là động tới tài sản quốc gia.
"Khó có thể đòi hỏi sự công bằng giữa cơ quan quản lý và các bên tham gia thị trường, bởi mục tiêu của các bên khác nhau. Doanh nghiệp tham gia vì lợi nhuận, Ngân hàng Nhà nước phải thực thi chính sách và còn chịu ràng buộc bởi nhiều quy định với tư cách cơ quan quản lý nhà nước", ông Huy chia sẻ với doanh nghiệp trong một buổi đối thoại trước phiên đấu thầu. Ông cho biết thêm, mục tiêu quan trọng nhất với Ngân hàng Nhà nước khi tham gia mua bán vàng là bảo vệ dự trữ ngoại hối quốc gia đồng thời điều tiết thanh khoản để ổn định thị trường, chứ không chỉ lo kéo sát giá trong ngắn hạn.
Một tuần trước phiên đấu thầu, giá trong nước bỗng giảm nhanh và thu hẹp khoảng cách với thế giới, cho dù thị trường thế giới vẫn tăng trong cùng thời điểm. Doanh nghiệp lý giải diễn biến này là tất yếu, Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh bán ra giá sẽ giảm mạnh, nếu họ vẫn găm hàng giá cao sẽ lỗ nặng. Nhưng cơ quan quản lý lại nhìn nhận động thái này theo hướng khác, và phòng ngừa khả năng các thế lực đã liên kết đè giá trên thị trường, qua đó gây sức ép buộc Ngân hàng Nhà nước chào thầu giá thấp, để họ mua vào kiếm lời.
Lý do quan trọng khác khiến Ngân hàng Nhà nước không sẵn sàng bán giá quá thấp, bởi làm như vậy có thể kích thích nhu cầu mua vàng tích trữ trong dân chúng. Và nếu điều này xảy ra, nỗ lực chống vàng hóa lâu nay sẽ trở thành con số 0, tiền đồng lại nguy cơ mất giá, tỷ giá thêm nhiều phen biến động.
Ngân hàng Nhà nước cũng lo thêm một lần bị quàng điều tiếng lợi ích nhóm, bởi vẫn còn gần 10 ngân hàng đang có nhu cầu mua hàng tấn vàng để tất toán trạng thái trước 31/6. Dư luận hoàn toàn có thể vin vào lý do "bù lỗ cho con đẻ" để nghi ngờ giá chào thầu quá thấp.
Quá nhiều nỗi lo nên Ngân hàng Nhà nước trong triển khai thực tế đã có những việc làm không giống với lời nói của mình. Thống đốc Nguyễn Văn Bình từng tuyên bố vàng không phải quốc kế dân sinh, không phải cần thiết bình ổn, không nên tốn những đồng ngoại tệ ít ỏi để nhập vàng về phục vụ nhu cầu của các đại gia. Nhưng những tháng gần đây, Ngân hàng Nhà nước lại phải lao tâm khổ tứ chuẩn bị cho công cuộc bình ổn.
Ngay như câu chuyện độc quyền thương hiệu SJC, Ngân hàng Nhà nước cũng tự làm khó mình. Cho rằng vàng phi SJC chỉ chiếm chưa đầy 10% thị phần, Ngân hàng Nhà nước định chấp nhận duy nhất thương hiệu SJC trong các phiên đấu thầu vì nghĩ rằng làm như vậy sẽ giảm tổn thất cho xã hội, đồng thời chuẩn hóa giao dịch, tránh rủi ro kiểm định.
Nhưng vì sợ điều tiếng lợi ích nhóm, vài tháng sau, Ngân hàng Nhà nước lại chấp nhận mua bán cả vàng phi SJC. Việc điều chỉnh này lại đẩy Ngân hàng Nhà nước đối mặt với làn sóng chỉ trích mới. Người ta nghi ngờ có một kịch bản dàn dựng sẵn, hắt hủi vàng phi SJC cho giá rớt thê thảm, để các thế lực đầu cơ ôm vào, rồi một ngày đẹp trời lại chấp nhận mua bán, khiến giá tăng cao, hưởng chênh lệch.
Những ý kiến này vẫn tỏ ra thắng thế, dù người trong cuộc đều hiểu rằng không ai có gan chịu vài phần trăm lãi suất mấy tháng qua để ôm vàng phi SJC chờ ngày kiếm lời. Không tính tới các biến động bất thường trên thị trường thế giới, chỉ riêng lãi suất, những ai có ý định găm hàng như vậy phải chịu 3-4 triệu đồng mỗi lượng vàng, đúng bằng mức chênh lệch so với vàng SJC.
“Ngân hàng Nhà nước có quá nhiều mối lo, tới mức quên rằng mình đang có trong tay mọi vũ khí bảo vệ mình. Là người duy nhất được nhập khẩu, sản xuất, rồi đứng ra bán vàng cho doanh nghiệp, được cân đối trạng thái trên tài khoản nước ngoài, lại là người thiết kế luật chơi trong các cuộc mua bán, nếu làm quyết liệt, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể dẹp được những bất ổn hiện nay trên thị trường, mà vẫn bảo toàn tài sản quốc gia", Tổng giám đốc một công ty kinh doanh vàng bình luận.
Vị này cũng đồng tình với Ngân hàng Nhà nước về việc không bình ổn giá, chỉ nên bình ổn thị trường, nhưng đề nghị cần nhanh chóng ra tay quyết liệt để thu hẹp dần chênh lệch giá với thế giới. Theo ông, Ngân hàng Nhà nước chỉ nên kéo khoảng chênh về một mức hợp lý rồi để thị trường tự điều tiết. Mức vênh này có thể là 100 USD mỗi ounce, tương đương một phiên biến động mạnh nhất của giá thế giới từ trước tới nay.
"Giá thế giới đang có xu hướng đi xuống, nhu cầu của dân hiện không còn lớn tới mức cứ có tiền là họ đổ vào vàng. Đây là điều kiện thuận lợi để Ngân hàng Nhà nước ra tay quyết liệt để bình ổn thị trường. Nếu cứ nhùng nhằng vừa làm vừa sợ, thị trường sẽ như con bệnh nhờn thuốc, lâu ngày khó chữa", vị Tổng giám đốc nói.
Thị trường đang chờ đợi phiên đấu thầu tiếp theo, dự kiến diễn ra ngay đầu tháng tư. Các doanh nghiệp đang tự an ủi rằng phiên đầu tiên Ngân hàng Nhà nước chưa ra tay quyết liệt vì còn muốn thăm dò phản ứng thị trường. Nhưng họ có thể không nghĩ như vậy nữa nếu phiên tiếp theo vẫn diễn ra theo cách cũ.
(Theo VnExpress)