Những nhân vật ảnh hưởng lớn chứng khoán Việt năm qua
Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Vũ Bằng: Đứng đầu cơ quan quản lý trực tiếp thị trường chứng khoán Việt Nam, góp phần đảm bảo cho thị trường chứng khoán vận hành thông suốt, chắp bút cho cơ quan quản lý cấp cao hơn trong việc soạn thảo các văn bản pháp lý có liên quan đến thị trường chứng khoán; mỗi phát ngôn của ông Bằng đều có ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán.
Muốn thị trường chứng khoán phát triển ổn định, khung pháp lý đầy đủ, phù hợp; hệ thống giám sát tốt là điều không thể thiếu. Và, để làm được điều này, thị trường trông chờ vào sự sáng suốt, nhanh nhạy của Uỷ ban Chứng khoán, mà đứng đầu là ông Bằng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Quản lý trực tiếp Uỷ ban Chứng khoán, là đơn vị ký các văn bản pháp luật liên quan đến thị trường chứng khoán, có khả năng tác động (trực tiếp và gián tiếp) đến toàn diện các vấn đề liên quan đến thị trường chứng khoán như doanh nghiệp, thị trường, chính sách…, Bộ Tài chính - đứng đầu là Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng - đương nhiên có vai trò quan trọng với thị trường.
Hiện nay, giới đầu tư vẫn ngóng chờ các chính sách về phái sinh, mở room, chính sách thuế…, mà sự chấp thuận của Bộ Tài chính là một khâu có tính quyết định trong việc hiện thực hóa định hướng chính sách.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình: Quản lý trực tiếp hệ thống ngân hàng thương mại - nhóm cung cấp lượng hàng hóa lớn trên thị trường chứng khoán, lại là đơn vị quyết định các chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước - đứng đầu là Thống đốc Nguyễn Văn Bình - có tầm ảnh hưởng rất lớn đến thị trường chứng khoán.
Thông tư 36 ban hành cuối tháng 11/2014 hay sự kiện mua lại Ngân hàng Xây dựng giá 0 đồng là những ví dụ rõ nét nhất về vai trò của người ngồi ghế nóng này với thị trường thời gian qua.
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc SSI Nguyễn Duy Hưng: Đứng đầu Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) - công ty chứng khoán tư nhân đầu tiên, có quy mô vốn lớn, luôn nằm ở top đầu môi giới, sức ảnh hưởng của ông Hưng với tư cách Chủ tịch SSI đến thị trường chứng khoán nằm cả ở lĩnh vực môi giới lẫn đầu tư.
Giám đốc HSC Fiachra Macana: Công ty Cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC) không tập trung nhiều cho đầu tư, nhưng lại là công ty có thị phần môi giới ổn định ở tốp trên, lãi nhờ dịch vụ tốt.
Để làm được điều này, HSC ngoài lợi thế quy mô vốn lớn, yếu tố giữ chân nhà đầu tư của HSC là chất lượng báo cáo phân tích tốt, mà người đứng đầu mảng này cũng chính là Fiachra Macana. Mỗi quan điểm về xu hướng thị trường, đánh giá doanh nghiệp của HSC luôn có tác động đến thị trường.
Chủ tịch VCSC Nguyễn Thanh Phượng: Với vị thế đáng kể trong môi giới chứng khoán, các nhận định về doanh nghiệp, thị trường có sức ảnh hưởng, sở hữu các hợp đồng tư vấn lớn, vai trò của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) - đứng đầu là bà Nguyễn Thanh Phượng - cũng đang ngày một lớn trên thị trường chứng khoán.
Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết: Trong hai năm qua, FLC luôn là cái tên được thị trường nhắc đến nhiều nhất: thanh khoản lớn nhất, tăng vốn thành công nhất, hoạt động bùng nổ nhất. Có thể nói, FLC với người đứng đầu là ông Trịnh Văn Quyết đã thực sự được chắp cánh nhờ thị trường chứng khoán, để hiện nay trở thành doanh nghiệp sở hữu danh mục dự án hơn 20.000 tỷ đồng. Mỗi thông tin được đưa ra bởi FLC có thể tác động đến giao dịch của 10%, hoặc thậm chí cao điểm lên tới trên 20% giá trị giao dịch toàn thị trường, chi phối hiệu quả đầu tư của hàng chục nghìn nhà đầu tư đang sở hữu cổ phiếu FLC.
Hiện tượng FLC chính là một trong những động lực quan trọng giúp thị trường chứng khoán tăng sức hấp dẫn các doanh nghiệp niêm yết, giúp thị trường chứng khoán thực hiện đúng vai trò của mình là nơi trung gian luân chuyển vốn và kênh huy động vốn của nền kinh tế.
Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng: Với mức vốn hóa thị trường lớn, mỗi diễn biến của Vingroup không chỉ ảnh hưởng đến rất lớn số lượng cổ đông, mà còn tác động đến diễn biến chung của thị trường chứng khoán.
Và, một người có sức ảnh hưởng lớn đến vận mệnh của Vingroup tới thời điểm này, không ai khác chính là Chủ tịch Phạm Nhật Vượng.
Với những gì đã có, thương hiệu này là một động lực để nhiều doanh nghiệp bất động sản hướng tới, và cột mốc tỷ phú USD mà ông Vượng đang nắm giữ cũng là đích đến của nhiều doanh nhân trong nước.
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc REE Nguyễn Thị Mai Thanh: Cái tên Nguyễn Thị Mai Thanh đã quá quen thuộc với thị trường chứng khoán, bởi REE là doanh nghiệp đầu tiên niêm yết, và được bà Mai Thanh dẫn dắt suốt nhiều chục năm qua.
Thế nhưng, tác động của REE hiện nay không chỉ đơn thuần giới hạn ở cổ phiếu REE nữa.
Sở hữu danh mục lớn các doanh nghiệp niêm yết là công ty con, công ty liên kết như Nhiệt điện Phả Lại, Nhiệt điện Ninh Bình…, REE thậm chí được đánh giá là một quỹ đầu tư khổng lồ trong nước, dù con đường của REE đi hoàn toàn khác biệt, và đã thành công.
Tất nhiên, với quy mô vốn hóa lớn các doanh nghiệp niêm yết thuộc hệ thống REE, một sự thay đổi nhỏ trong chính sách đầu tư hay diễn biến bất kỳ của REE cũng hoàn toàn có thể tạo nên những tác động lớn đến thị trường chứng khoán.
Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital Dominic Scriven: Hình ảnh “ông Tây” buộc tóc đuôi ngựa, nói tiếng Việt rất chuẩn và luôn có những phát ngôn có trọng lượng với cả doanh nghiệp, nhà đầu tư và cơ quan quản lý - Dominic Scriven từ lâu đã khá thân thuộc với thị trường chứng khoán Việt Nam.
Với quy mô quản lý tài sản lớn, am hiểu thị trường Việt Nam, mỗi động thái của Dragon Capital mà đại diện là ông luôn được cả thị trường chú ý.
Quỹ và… diễn đàn: Ngoài 10 nhân vật có sức ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán kể trên, sẽ là thiếu sót nếu không nói đến vai trò rất lớn đến toàn thị trường của các quỹ đầu tư chỉ số và các diễn đàn chứng khoán.
Dường như không ai chú ý đến việc cá nhân nào đang trực tiếp phụ trách hoạt động đầu tư các quỹ đầu tư chỉ số (ETF) như FTSE, Market Vectors Vietnam ETF tại Việt Nam, nhưng có điều chắc chắn là, mỗi kỳ cơ cấu danh mục của các quỹ này đều tạo nên những cơn sốt trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong năm qua, các quỹ đầu tư chỉ số đã góp phần tạo nên những kỷ lục trên thị trường chứng khoán, trong đó có việc mua vào khối lượng cổ phiếu khổng lồ chỉ trong một phiên.
Trong khi đó, các diễn đàn lại đóng vai trò tác động ngắn và rất nhanh lên thị trường. Nhiều tin đồn dù không rõ đến từ ai, nhưng thường gây tác động không nhỏ. Trên các diễn đàn, các tin đồn không chừa một lĩnh vực nào, từ tin hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đến tin chính sách, thậm chí là tin đồn cá nhân, từ môi giới đến chính khách, doanh nhân… Đôi khi vô hại, đôi khi có thể giúp nhà đầu tư kiếm bộn tiền, nhưng cũng nhiều trường hợp khiến không ít nhà đầu tư, doanh nghiệp khác phải lao đao.
Nguồn VnEconomy