FiinGroup cho rằng những ngành ít chịu tác động bởi lạm phát và suy thoái bao gồm ngành điện. Ảnh: TL.

 
Nhật Anh Thứ Hai | 11/07/2022 11:32

Những ngành ít chịu ảnh hưởng bởi lạm phát và suy thoái

Trong báo cáo được công bố mới đây, FiinGroup đánh giá rằng nền kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức về tăng trưởng trong năm 2023.

Quan điểm này của FiinGroup đặt trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng cao, các Ngân hàng Trung ương  đẩy mạnh thắt chặt tiền tệ. Lạm phát ở Mỹ và một số nước châu Âu hiện đang ở mức đỉnh 40 năm. Tại một số thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển lạm phát đạt mức cao nhất kể từ năm 2011. Lạm phát tăng mạnh buộc các chính phủ phải thắt chặt tiền tệ, trước khi nền kinh tế thực sự phục hồi sau đại dịch. Chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào một cuộc suy thoái. 

Thêm vào đó, chuỗi cung ứng vốn đang còn yếu ớt do tác động của đại dịch, đẩy giá nhiều hàng hóa chiến lược tăng cao, điển hình là giá dầu mỏ, năng lượng và tiếp đến có thể là giá lương thực. Xung đột địa chính trị làm trầm trọng hơn sự gián đoạn của chuỗi cung ứng, gia tăng áp lực lạm phát, đồng thời tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh, đầu tư và tiêu dùng trên phạm vi toàn cầu.

Nguồn: FiinGroup 
Nguồn: FiinGroup 

Ở bối cảnh này, Chính phủ đang thực hiện những biện pháp khá quyết liệt để hạ nhiệt thị trường bất động sản, ổn định kinh tế vĩ mô, tránh đổ vỡ thị trường trái phiếu doanh nghiệp nơi có một lượng lớn sẽ đáo hạn trong giai đoạn 2023 và 2024 (riêng trái phiếu bất động sản ước sẽ có khoảng 380.200 tỉ đồng đáo hạn).

 

Theo FiinGroup, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ phải thay đổi chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt. Với những áp lực hiện có, Ngân hàng Nhà nước cần cân đối tăng trưởng tín dụng với kiểm soát lạm phát, khiến tăng trưởng tín dụng trong các quý còn lại khó có thể đạt tốc độ cao như quý I/2022. Tính đến 09/06/2022, tăng trưởng tín dụng đạt 8,15%, khá cao so với định hướng tăng trưởng tín dụng cho năm 2022 của Ngân hàng Nhà nước (14%).

Trong bối cảnh lạm phát gia tăng, chính sách tiền tệ thắt chặt và tiềm ẩn một cuộc suy thoái kinh tế. Điều đó khiến cho tổng cầu của nền kinh tế giảm sút và ảnh hưởng trực tiếp tới đà tăng trưởng của các doanh nghiệp. Trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng, rủi ro về thắt chặt tiền tệ và nguy cơ về suy thoái kinh tế hiện hữu, FiinGroup đã có đánh giá triển vọng về một số ngành. 

Theo đó, FiinGroup cho rằng những ngành ít chịu tác động bởi lạm phát và suy thoái bao gồm ngành điện, dược phẩm, nước và thực phẩm (đặc biệt là thực phẩm xuất khẩu như thủy sản và gạo), logistics.

Trong khi đó, có những ngành dự kiến gặp bất lợi do nỗ lực ổn định vĩ mô của chính phủ bao gồm bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng.

Riêng đối với nhóm ngân hàng, FiinGroup cho rằng với áp lực tăng lãi suất và thắt chặt cho vay những lĩnh vực rủi ro của trong năm 2023 sẽ tác động không đồng đều và tạo thành sự phân hóa về tăng trưởng lợi nhuận trong ngành ngân hàng.

Có thể bạn quan tâm 

Góc nhìn khác về sự đắt rẻ của thị trường chứng khoán