Ảnh: ACB.
Những ngân hàng phục hồi nhanh sau đại dịch
Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, ngành ngân hàng Việt Nam đang có sự phân hóa rõ rệt giữa ngân hàng top 10 và các ngân hàng còn lại về quy mô, mạng lưới, chất lượng tài sản và thị phần. Theo kịch bản cơ sở là dịch bệnh được kiểm soát vào quý II/2020 thì lợi nhuận của các ngân hàng này có thể phục hồi trong năm 2021 nhờ tín dụng tăng trở lại, mức dự phòng khá tạo điều kiện xử lý nợ xấu và thu nhập phí dịch vụ tăng trưởng tốt.
Động lực hồi phục của hoa hậu Vietcombank (VCB)
Theo nhận định của VNDirect, COVID-19 khiến tín dụng giảm tốc và giảm NIM do giảm lãi suất cho vay và miễn giảm lãi phải trả cho khách hàng. VNDirect dự báo nợ xấu sẽ tăng, tuy nhiên, với quan điểm thận trọng trong cho vay và dự phòng, nợ xấu của VCB sẽ tăng chậm hơn các ngân hàng khác và VCB có nguồn tài chính tốt hơn để xử lý nợ xấu. Khẩu vị rủi ro thấp và tỉ lệ cho vay/huy động thấp hơn giúp giảm thiểu ảnh hưởng tới NIM.
VCB là chủ nợ của hai tập đoàn nhà nước lớn, PetroVietnam và Vietnam Airlines. Các công ty này hiện đang gặp khó khăn tài chính, nhưng do có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, VNDirect kỳ vọng họ sẽ được cơ cấu lại nợ gốc và miễn giảm lãi tại các ngân hàng.
VNDirect dự báo VCB sẽ phục hồi nhanh nhất trong số ngân hàng mà công ty chứng khoán này theo dõi nhờ 4 yếu tố. Thứ nhất, tỉ lệ thâm nhập trong phân khúc bán lẻ còn thấp, vì thế Ngân hàng có dư địa để phát triển phân khúc này, qua đó cải thiện tỉ lệ NIM; Thứ hai, thu nhập bất thường từ hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền và nguồn thu nhập mới từ hoa hồng bảo hiểm sẽ thúc đẩy lợi nhuận; Thứ ba, chính sách thận trọng giúp giảm thiểu rủi ro nợ xấu; Thứ tư, tập khách hàng bao gồm nhiều doanh nghiệp lớn sẽ giúp tăng trưởng tín dụng phục hồi nhanh hơn. |
ACB hậu COVID-19?
Đại dịch COVID-19 khiến tăng trưởng tín dụng của ACB giảm tốc và NIM giảm do giảm lãi suất cho vay và miễn giảm lãi suất.
VNDirect cho biết, 60% dư nợ của ACB đến từ khách hàng cá nhân, vì thế ACB sẽ gặp ít áp lực đối với NIM so với các ngân hàng tập trung cho vay khách hàng doanh nghiệp, do khách hàng doanh nghiệp được hỗ trợ nhiều hơn trong việc miễn giảm lãi và quy mô khoản vay của khách hàng cá nhân thường nhỏ.
Cơ sở khách hàng đa dạng cũng giúp ACB phân tán rủi ro, do đó giảm ảnh hưởng của COVID-19 tới vấn đề nợ xấu. Ngoài ra, dư nợ của ACB trong các lĩnh vực rủi ro như xây dựng, bất động sản, tín chấp... khá thấp.
ACB được dự báo sẽ hồi phục nhanh nhờ chất lượng tài sản tốt và khẩu vị rủi ro thấp (tập khách hàng đa dạng, dư nợ đối với các lĩnh vực rủi ro khá thấp) sẽ giúp ACB hạn chế nợ xấu.
Thêm vào đó là khả năng ký kết thương vụ hợp tác phân phối bảo hiểm độc quyền sẽ giúp thu nhập tăng cao. Cuối cùng, các chương trình với mục đích mở rộng tập khách hàng sẽ giúp cải thiện tỉ lệ CASA. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng có thể phục hồi chậm hơn so với các ngân hàng khác vì khách hàng cá nhân có thể thận trọng hơn trong việc vay mới ngay sau khi dịch kết thúc.
MBBank hồi phục khá sau đại dịch
Theo VNDirect, MBB sẽ có nợ xấu tăng và chi phí tín dụng tăng cao nhanh hơn VCB và ACB, do hoạt động tài chính tiêu dùng. Tuy nhiên, dư nợ cho vay tài chính tiêu dùng ở mức dưới 4% tổng dư nợ cuối 2019, vì vậy MBB có đủ nguồn lực để dự phòng cho nợ xấu mới hình thành.
Do có Tập đoàn Viettel là cổ đông chính, MBB có quan hệ tín dụng và huy động với các công ty trong tập đoàn, cũng như với các nhân viên của Tập đoàn. Viettel hoạt động trong các lĩnh vực ít bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 (như viễn thông, bưu chính, vận chuyển hàng hóa, truyền hình), MBB sẽ phần nào được bảo vệ khỏi nguy cơ nợ xấu tăng và giảm huy động đến từ nhóm khách hàng Viettel.
VNDirect nhận định, MBBank có tốc độ hồi phục khá sau đại dịch COVID-19 nhờ tiếp tục mở rộng mảng cho vay bán lẻ và tài chính tiêu dùng giúp cải thiện NIM; phí dịch vụ tăng tốt nhờ hoạt động bảo hiểm, thẻ và ngân hàng số và nguồn dự phòng hiện tại và thu nhập phục hồi sẽ giúp MBB có đủ nguồn lực xử lý nợ xấu.
* Có thể bạn quan tâm
►Thị trường chứng khoán: Các hiệu ứng theo mùa sẽ không hiệu quả trong năm nay