Ảnh: Thiên Ân.

 
Huy Vũ Thứ Năm | 28/03/2019 14:00

Những mũi tấn công mới trên thị trường giao nhận

Thị trường giao nhận tiếp tục có thêm đối thủ cùng các áp lực mới.

Doanh nghiệp Trung Quốc đổ tiền làm thị trường trong bối cảnh các sàn thương mại điện tử lớn bắt đầu động thái tiết giảm trợ giá làm thị trường giao nhận thương mại điện tử ở Việt Nam thêm phần gay gắt. Trước Tết, nhiều chủ gian hàng kinh doanh công bố tạm ngừng đặt hàng trên các mạng xã hội vì tình trạng ùn tắc ở biên giới, chưa biết khi nào kết thúc. Cùng thời điểm đó, trên những tuyến đường ở TP.HCM xuất hiện các xe tải chở hàng của J&T (Trung Quốc).

J&T chào sân

Dù 2 câu chuyện khác nhau, nhưng thực tế có mối liên kết chặt chẽ. Việc ùn tắc biên giới gần như năm nào cũng xảy ra mặc dù các đơn vị giao nhận ở Việt Nam liên tục nâng cao năng suất phục vụ trong thời gian qua. Nguyên nhân là tốc độ thương mại điện tử ở Việt Nam phát triển quá nhanh. Báo cáo của Cục Thương mại Điện tử (Bộ Công Thương) cho biết doanh thu thương mại điện tử Việt Nam năm 2017 là 6,2 tỉ USD, tăng 24% so với năm 2016. Trước đó, cục này dự đoán doanh thu thị trường Việt Nam sẽ cán mốc 10 tỉ USD vào năm 2020, nhưng mới đây đã điều chỉnh lại con số này tăng thêm 5 tỉ USD.

Nhung mui tan cong moi tren  thi truong giao nhan
 

“Doanh thu thị trường giao nhận thương mại điện tử sẽ chiếm khoảng 10% tổng thị trường”, ông Charles Brewer, Giám đốc Điều hành DHL eCommerce, cho biết. Như vậy có thể hiểu năm 2017, độ lớn thị trường giao nhận Việt Nam vào khoảng 620 triệu USD và sẽ tăng lên 1,5 tỉ USD  vào năm 2020. Quy mô khá thấp nhưng dòng tiền chạy qua các công ty giao nhận thương mại điện tử mới là điều hấp dẫn. Với hơn 80% giao dịch ở Việt Nam vẫn dùng tiền mặt, ước tính dòng tiền chảy qua các công ty giao nhận thương mại điện tử năm 2017 là hơn 4 tỉ USD và hơn 12 tỉ USD vào năm 2020.

Đây chính là điều hấp dẫn J&T, không chỉ tấn công thị trường Việt Nam, công ty Trung Quốc này còn mở cuộc tổng tấn công ở Đông Nam Á. Theo Scitech & Digital News, đơn vị này mới vừa gia nhập thị trường Philippines. Thành lập năm 2015, có trụ sở ở Hồng Kông, giờ đây, chỉ còn thị trường Thái Lan là J&T chưa tham gia, nhưng đại diện đơn vị này xác nhận sẽ sớm bước chân vào thị trường cuối cùng này.

Cuộc chiến mở rộng

J&T mở rộng nhanh chóng ở Đông Nam Á và kỳ vọng sẽ có chỗ đứng trên thị trường nhà chính sách giá cạnh tranh có được do lợi thế về quy mô. Ở Việt Nam, các đơn vị giao nhận thương mại điện tử gồm có Viettel, VNPT, GHN (Giao hàng nhanh), Giao Hàng Tiết Kiệm, LEL (trực thuộc Lazada), DHL eCommerce, Ninja Van... Có 4 đơn vị giao nhận thương mại điện tử dẫn đầu thị trường là Viettel, VNPT, GHN và Giao Hàng Tiết Kiệm. Trong đó, GHN và Giao Hàng Tiết Kiệm đang cạnh tranh ngôi đầu. Năng suất vận hành của cả 2 hiện hơn 400.000 đơn hàng/ngày. Tuy nhiên, Giao Hàng Tiết Kiệm hiện là đối tác chiến lược của Shopee nên sự xuất hiện của J&T có thể ảnh hưởng trực tiếp đến GHN.

Ông Nguyễn Trần Thi, Giám đốc Điều Hành GHN, cho biết, có 2 lý do khiến thị trường Việt Nam đặc biệt so với các quốc gia còn lại. Thứ nhất là tính địa phương, điển hình như các thủ tục hành chính cần thiết trong quá trình giao hàng bằng xe tải, máy bay trên các tuyến đường dài đòi hỏi công ty giao nhận cần có thời gian để am hiểu thị trường.

Nhung mui tan cong moi tren  thi truong giao nhan
 

Thứ 2, không như các quốc gia khác, các sàn thương mại điện tử phát triển áp đảo so với mạng xã hội, ở Việt Nam tỉ lệ này đang cân bằng nhau nên cơ hội kinh doanh của các chủ cửa hàng rất đa dạng, quyền lựa chọn đơn vị vận chuyển của các cửa hàng nằm trong tay chủ cửa hàng chứ không do sàn thương mại điện tử chỉ định, dẫn đến việc giá cả chưa phải là yếu tố quyết định.

“Các doanh nghiệp cần giải pháp giao nhận, thu tiền hộ có thể phục vụ các chủ cửa hàng kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội”, ông Thi nói. Bên cạnh đó, các công ty giao nhận thương mại Việt Nam đang hướng đến câu chuyện giao nhanh hơn. Để mở rộng mạng lưới nhận hàng, các nhóm này vừa tự mở các điểm giao dịch vừa kết hợp với các cửa hàng tiện lợi. Điển hình như LEL, năm ngoái đã ký hợp tác chiến lược với Bưu điện Việt Nam và đưa mô hình xe điện vào vận hành thử nghiệm. Xe điện tăng được 40% trọng lượng giao hàng so với xe máy là hình thức LEL giảm chi phí vận hành.

Ông Thi cho biết Công ty hiện có 1.000 điểm giao nhận trên toàn quốc, trong đó có 150 điểm tự mở. Bên cạnh đó, Giao Hàng Nhanh đang đầu tư cho băng chuyền tự động hiện đại nhất Việt Nam để giảm chi phí vận hành ở các kho phân phối hàng hóa. “Đây không còn là cuộc chiến về giá của các công ty giao hàng thuần túy, mà là các công ty công nghệ. Ai tối ưu chi phí, đầu tư phát triển công nghệ nhanh hơn để đem lại trải nghiệm cho đối tác tốt hơn sẽ có lợi”, ông Thi nói.