Ảnh: QH
Những mảnh ghép tham vọng của Viettel
Bất chấp sức nóng của chảo lửa thương mại điện tử ở Việt Nam, Viettel Post vẫn tham gia với dự án mang tên Vỏ Sò (voso.vn). Không chia sẻ nhiều về Vỏ Sò, các thông tin Công ty truyền thông ra bên ngoài cho biết đây là sàn thương mại điện tử hoạt động theo mô hình B2C (doanh nghiệp đến khách hàng). Doanh nghiệp hoạt động theo mô hình B2C duy nhất trên thị trường là Adayroi.com, nên có thể xem đây là đối thủ trực tiếp của Vỏ Sò.
Do website vẫn còn trong tình trạng thử nghiệm nên nhiều mục thông tin trên Vỏ Sò vẫn còn trống và danh mục hàng hóa không có quá nhiều điểm nổi bật so với các đối thủ trên thị trường. Cũng chưa có thông tin nào từ Viettel Post cho biết Vỏ Sò sẽ có phiên bản ứng dụng di động.
Chính vì thế, phản ứng của các doanh nghiệp trên thị trường là chờ đợi. Dù không nhiều thông tin, nhưng Vỏ Sò không phải bắt đầu từ số không, nhờ thừa hưởng nền tảng hạ tầng giao nhận của Viettel Post.
Cánh tay nối dài
Trong một lần trao đổi với NCĐT, ông Nguyễn Trân Thi, Giám đốc Điều Hành GHN, cho biết hiện có 4 đơn vị giao nhận thương mại điện tử dẫn đầu thị trường là Viettel Post, VNPT, GHN và Giao Hàng Tiết Kiệm. Bên cạnh đó, giám đốc một công ty không muốn nêu tên cho biết hiện Viettel đã có đơn vị bán lẻ là Viettel Store, nên Vỏ Sò được xem là cánh tay nối dài của doanh nghiệp này trên online.
Thật ra, đây không phải là lần đầu Viettel chơi trội, trước khi Vỏ Sò ra mắt một tuần, tập đoàn này cũng gây bất ngờ khi tham gia thị trường cạnh tranh cũng không kém thương mại điện tử là chia sẻ xe với ứng dụng MyGo.
Khác với Vỏ Sò, MyGo tận dụng được thế mạnh của một đơn vị viễn thông như Viettel rõ ràng hơn bằng việc miễn phí dung lượng 3G/4G cho tài xế khi sử dụng ứng dụng MyGo. Tuy nhiên, cho đến nay thông tin về số lượng tài xế tham gia MyGo vẫn khá bí mật.
Bày binh bố trận
Không phải khi không Viettel tham gia cùng lúc 2 chảo lửa nóng nhất Việt Nam là thương mại điện tử và gọi xe mà không tính toán, bởi đơn vị đang sở hữu át chủ bài Mobile Money (dịch vụ tiền điện tử trên thuê bao di động).
Bộ Thông tin Truyền thông và Ngân hàng Nhà nước đang xúc tiến triển khai dịch vụ này trên toàn quốc. Theo đó, người sử dụng có thể dùng tài khoản điện thoại chuyển tiền cho nhau và thanh toán các món hàng thương mại điện tử có giá trị nhỏ mà không cần phải có tài khoản ngân hàng.
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Thanh toán, thuộc Ngân hàng Nhà nước, cho biết hiện có 2 đơn vị có thể áp dụng ngay là Viettel và Vinaphone. Dự kiến hạn mức thanh toán cho Mobile Money là 10 triệu đồng/tháng (hơn 400USD). Ở các nước khác, hạn mức này dao động khoảng 206 USD/tháng.
Có thể thấy, Viettel có chức năng gọi xe như Grab, Go-Viet, Be hay chức năng mua sắm như Shopee, Lazada... nhưng không đơn vị nào kể trên có tính năng Mobile Money như Viettel. Còn so với nhà mạng còn lại là Vinaphone, Viettel cũng có hệ sinh thái công nghệ nhiều hơn.
Cửa cũng rộng mở cho các đơn vị sở hữu Mobile Money khi hoạt động ví điện tử đang còn được tranh cãi bởi Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39 về dịch vụ thanh toán trung gian. Trong đó, dự thảo giữ nguyên quy định yêu cầu tất cả các giao dịch nạp, rút tiền của ví điện tử phải thực hiện thông qua tài khoản ngân hàng.
Tiện lợi hơn trong việc rút, nạp tiền của Mobile Money là động lực cho các dịch vụ vệ tinh của Viettel phát triển. Điều này lý giải rõ ràng nhất cho việc tham gia cùng lúc 2 mặt trận “đốt tiền” ở Việt Nam chỉ trong thời gian ngắn.
Dù sở hữu nhiều lợi thế nhưng thành công phụ thuộc rất lớn vào năng lực vận hành các vệ tinh có trong hệ sinh thái của Viettel. Trên thực tế, chưa có doanh nghiệp công nghệ nào của Việt Nam vận hành tốt các vệ tinh trong hệ sinh thái công nghệ của mình hiện nay.
Thứ đến, các đơn vị đối thủ sẽ không chịu mất thị phần sau nhiều năm đầu tư phát triển ở Việt Nam. Nhất là khi dụng ý của Viettel đã quá rõ ràng nên cuộc chiến trên cả 2 mặt trận thương mại điện tử và siêu ứng dụng gọi xe trong thời gian tới rất khó dự đoán.