Thứ Hai | 27/08/2012 11:37

Những lưu ý từ CPI tháng 8

Có thể nhận diện diễn biến về CPI tháng 8 và 8 tháng đầu năm dưới các góc độ khác nhau từ tốc độ tăng, giảm CPI, giá vàng, giá USD.
CPI tính theo tháng sau so với tháng trước của tháng 8 tuy không giảm như của hai tháng trước, nhưng vẫn thuộc loại thấp so với tốc độ tăng của tháng 8 cùng kỳ năm 2011 (tăng 0,93%), của cùng kỳ năm 2008 (tăng 1,56%). Tuy nhiên, CPI của tháng 8 năm nay đã cao hơn tốc độ tăng bình quân của tháng 8 trong 8 năm trước đó (tăng 0,61%).

CPI sau 8 tháng (tức là tháng 8 so với cuối năm trước) đã tăng thấp nhất so với sau 8 tháng của cùng kỳ các năm trước cũng như thấp xa so với tốc độ tăng bình quân 8 tháng của cùng kỳ trong 8 năm trước đây (của 2011 tăng 15,68%, của 2010 tăng 4,91%, của 2009 tăng 3,46%, của 2008 tăng 21,64%, của 2007 tăng 6,78%, của 2006 tăng 4,89%, của 2005 tăng 6,13%, của 2004 tăng 8,48% - bình quân tốc độ tăng 8 tháng cùng kỳ từ 2004 đến 2011 là 9%).

CPI tính theo năm (tức là tháng 8 năm nay so với tháng 8 cùng kỳ năm trước) của tháng 8/2012 giảm liên tục trong 13 tháng qua, thấp nhất và thấp chỉ bằng trên 1/5 của đỉnh điểm (tăng 23,02% vào tháng 8/2011).

Từ diễn biến CPI trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm, có thể rút ra một số nhận xét đáng lưu ý:

Thứ nhất, CPI 8 tháng tăng thấp do nhiều nguyên nhân, trong đó có một số nguyên nhân quan trọng nhất.

(1) Do giá lương thực giảm liên tục, giá thực phẩm chỉ tăng cao trong 2 tháng đầu năm (trước và sau Tết Nguyên đán), còn giảm liên tục trong 6 tháng qua, trong khi lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi tiêu cho đời sống của dân cư.

(2) Do thắt chặt chính sách tiền tệ trong hơn một năm qua (dư nợ tín dụng so với cuối năm trước sau 6 tháng còn giảm, 7 tháng chỉ tăng nhẹ).

(3) Do đầu tư và tiêu dùng co lại. Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách thực hiện 7 tháng tính theo giá thực tế chỉ tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, nhưng nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì bị giảm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng tính theo giá thực tế tăng 18,7%, nhưng nếu loại trừ yếu tố tăng giá tiêu dùng (bình quân 7 tháng tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước), thì chỉ còn tăng 6,7%, thấp xa so với tốc độ tăng 15%/năm của thời kỳ 2006-2010.

(4) Do yếu tố tâm lý khi sau 7 tháng, giá vàng đã giảm 7,8% và giá USD sau 8 tháng giảm 1%.

Thứ hai, CPI tính theo năm có thể còn xuống thấp hơn trong tháng 9, bởi khả năng CPI tháng 9 năm nay sẽ tăng thấp hơn tháng 9 năm ngoái (tăng 0,82%). Tuy nhiên, CPI tính theo tháng có xu hướng tăng lên từ tháng 9, CPI tính theo năm có thể tăng từ tháng 10 và rất có khả năng tăng cao vào sang năm. Có nhiều yếu tố tác động đến xu hướng này.

(1) Những yếu tố làm cho CPI các tháng vừa qua tăng thấp chưa thật bền vững. Lương thực, thực phẩm phụ thuộc vào thiên tai, dịch bệnh, xuất khẩu. Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã được thắt chặt trong hơn 1 năm qua, nay đang được nới lỏng. Về tiền tệ, cùng với các động thái hạ lãi suất huy động, hạ lãi suất cho vay là việc tăng hạn mức tốc độ tăng trưởng tín dụng cho nhiều ngân hàng, tăng tín dụng cho bất động sản...

Về tài chính, ngoài các giải pháp theo Nghị quyết 13 (liên quan đến gói hỗ trợ 29 nghìn tỷ đồng, đến việc cho mua sắm đối với các khoản kinh phí năm 2011 đã được bố trí nguồn nhưng chưa sử dụng và đã được chuyển sang năm 2012), tính đến hết tháng 7, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ ứng trước 30 nghìn tỷ đồng vốn xây dựng cơ bản và trái phiếu Chính phủ cho các dự án cấp bách, hoàn thành trong năm 2012, 2013.

(2) Lạm phát thấp đang được một số ngành, lĩnh vực coi đó là một thời cơ để đẩy giá các mặt hàng đầu vào, nhất là điện, than, xăng dầu, nước, thủy lợi phí, viện phí...

(3) Việc bơm tiền trên thị trường liên ngân hàng để giải quyết thanh khoản cho các ngân hàng thương mại sau sự kiện ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt.

(4) Giá vàng tăng cao, giá chứng khoán sụt giảm mạnh, giá xăng dầu nhấp nhổm tăng... sẽ tác động đến lạm phát cao quay trở lại.

Nguồn Vneconomy


Sự kiện