Những lực cản sáp nhập ngân hàng
Cuối tháng 10/2012, ông Tô Duy Lâm, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) TPHCM, cho biết, cơ quan này đã nhận được văn bản từ NHNN Trung ương về việc chấp thuận cho hai ngân hàng là DaiA Bank và HDBank sáp nhập với nhau mặc dù cả hai ngân hàng đều không thuộc nhóm buộc phải tái cơ cấu.
Mới đây nhất khi được hỏi về khả năng hợp nhất giữa Sacombank và Eximbank, ông Phạm Hữu Phú, tân Chủ tịch Sacombank, cho biết, dù chưa có gì cụ thể nhưng theo ông Phú, đây "là một ý tưởng hay" và là "một vấn đề lớn phải xin ý kiến chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước”.
Sau Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SHB) và Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (HBB), Ngân hàng Đông Á cũng phát đi tín hiệu tái cấu trúc bằng giải pháp sáp nhập. Theo ông Trần Phương Bình, Chủ tịch Đông Á thì chủ trương của Ngân hàng Nhà nước và tình hình thị trường tài chính, ngân hàng trong giai đoạn vừa qua đã mở ra những cơ hội phát triển cho các ngân hàng thông qua việc hợp tác, sáp nhập với các ngân hàng khác.
Việc hợp tác, sáp nhập giữa các ngân hàng phù hợp sẽ giúp cho các bên tận dụng được thế mạnh trong sản phẩm, dịch vụ, nguồn khách hàng, mạng lưới giao dịch và kênh phân phối. Ngoài ra, việc hợp tác, sáp nhập cũng giúp cho các ngân hàng tiết giảm chi phí đầu tư và vận hành, thời gian phát triển mạng lưới.
Những lực cản khi sáp nhập
Có ít nhất 3 yếu tố chi phối quyết định quan trọng khiến các ngân hàng phải cân nhắc.
Thứ nhất, viễn cảnh sau sáp nhập như thế nào, chiến lược phát triển ngân hàng sau sáp nhập ra sao là điều được cân nhắc đầu tiên.
Phần lớn các ngân hàng cổ phần đều định hướng phát triển trở thành ngân hàng bán lẻ. Như vậy việc tìm sự khác biệt trong cùng phân khúc bán lẻ là thách thức lớn cho lãnh đạo các nhà băng sau sáp nhập trong khi có quá nhiều vấn đề cấp bách đặt ra trước mắt như: tích hợp hệ thống, xử lý nợ xấu, quản trị điều hành một tổ chức có quy mô lớn hơn.
Thứ hai làm thế nào đưa ra đưa ra tỷ lệ hoán đổi giữa bên nhận và bên bị sáp nhập nhằm đảm bảo quyền lợi cổ đông nhất là với các ngân hàng chưa thực hiện niêm yết. Việc tích hợp hai hệ thống bao gồm: bộ máy nhân sự, quy trình, quy chế, dung hòa văn hóa, chế độ đãi ngộ CBNV ra sao cũng là thách thức không nhỏ.
Thứ ba, mức độ tự nguyện, sẵn sàng tham gia của mỗi bên ra sao sẽ quyết định đến việc sáp nhập Ngân hàng có thành công hay không.
Ngoài ra, theo một chuyên gia tài chính, việc tổ chức sắp xếp lại mạng lưới kinh doanh ra sao, có triển khai được các sản phẩm, dịch vụ mới hay không cũng là một thách thức cho các ngân hàng sáp nhập. Sẽ rất khó khai thác một cách hiệu quả các chi nhánh, phòng giao dịch của Ngân hàng bị sáp nhập nếu cứ giữ cung cách kinh doanh của Ngân hàng cũ.
Nợ xấu là một trong những băn khoăn lớn nhất cản trở tham vọng sáp nhập các ngân hàng hiện nay. Tuy nhiên nó như một cái giá dành cho Ngân hàng nhận sáp nhập bởi cái được là quy mô, thương hiệu, vị thế trong một thị trường.
Nguồn Vietnamnet