Những khó khăn mới cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam
Giá lúa gạo nội địa đang tăng mạnh song giá gạo xuất khẩu vẫn không tăng. Trung Quốc đang có nhu cầu nhập khẩu gạo rất lớn nhưng do việc giao hàng của các doanh nghiệp Việt Nam đang bị chậm chễ vì ách tắc tại các cảng nên các doanh nghiệp Trung Quốc đang tìm cách hạn giá mua gạo của Việt Nam.
Hiện các doanh nghiệp Trung Quốc chỉ chào mua ở mức giá dao động từ 430 - 435 USD/tấn gạo 5% tấm, trong khi đó giá thành gạo nội địa tại cảng đã là 435 USD/tấn. Nếu doanh nghiệp ký bán giá 435 USD/tấn thì xem như hòa vốn.
Tình hình thị trường gạo xuất khẩu trên thế giới đang khá trầm lắng. Để đẩy mạnh bán ra, Ấn Độ đã hạ giá bán. Gạo 5% tấm giảm từ 440 USD/tấn xuống 430 USD/tấn, thấp hơn gạo cùng loại của Việt Nam là 5 USD/tấn. Gạo 25% tấm Ấn Độ hiện có giá là 360 USD/tấn thấp hơn gạo cùng loại của Việt Nam đến 40 USD/tấn.
Trong tháng 4/2012, lượng gạo trong hợp đồng xuất khẩu gạo ký mới tăng thêm khoảng 700 - 800 nghìn tấn, chưa bằng 1/2 so với mức 2 triệu của tháng 3 do lượng lúa gạo hàng hóa trong nước không còn nhiều và giá gạo nội địa đang tăng lên.
Tại thị trường tập trung Malaysia đã xuất hiện tình huống mới. Theo hợp đồng đã ký thì các doanh nghiệp giao hàng đến hết tháng 8/2012 là hoàn tất hợp đồng nhưng mới đây, Malaysia thông báo tạm ngừng nhận hàng trong tháng 6 chờ Chính phủ cấp quota mới.
Lý do phía Malaysia đưa ra không phù hợp với thông lệ giao dịch từ trước đến nay, bên cạnh đó lại xuất hiện thông tin doanh nghiệp Việt Nam bán gạo với giá thấp vào thị trường này, khiến Malaysia trì hoãn không nhận hàng.
Bên cạnh đó, mới đây Philippines thông báo sẽ đấu thầu 120 nghìn tấn gạo với 3 nước Việt Nam, Thái Lan và Campuchia. Tuy nhiên theo đánh giá của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), sản lượng lúa gạo của Campuchia khó lòng đáp ứng. Do vậy, rất có khả năng Campuchia sẽ mua gạo của các doanh nghiệp Việt Nam để đấu thầu.
Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA đã lưu ý các doanh nghiệp thành viên, việc bán gạo giá thấp vào các thị trường tập trung là không thể chấp nhận. Nếu phát hiện, Bộ Công thương sẽ xử lý bằng cách rút giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.
Nguồn VnEconomy