Mặc dù COVID-19 khiến hầu hết các doanh nghiệp lỡ hẹn về “đích” nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn “vượt chướng ngại vật” thành công. Ảnh:vietnamplus

 
Minh Anh Thứ Tư | 06/01/2021 10:12

Những doanh nghiệp "về đích" xuất sắc năm 2020

Mặc dù COVID-19 khiến hầu hết các doanh nghiệp lỡ hẹn "về đích” nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn “vượt chướng ngại vật” thành công.

Những cái tên quen thuộc

Không chỉ đạt được doanh thu và lợi nhuận đúng như dự kiến, nhiều doanh nghiệp còn về đích sớm và vượt doanh thu cả năm đề ra trước đó. Để đạt được thành tích đó, ngay đầu năm nhiều doanh nghiệp đã thay đổi phương án kinh doanh và hoạt động.

Tính đến ngày 3.1, đã có 12 doanh nghiệp công bố ước tính hoàn thành và vượt kết quả kinh doanh năm 2020 đã đề ra như, Thế Giới Di Động, PNJ, PV Gas… theo báo cáo tài chính quý III/2020, Công ty Kido Group lại về đích sớm chỉ sau 9 tháng và vượt kế hoạch đề ra so với đầu năm.

Đối với Thế Giới Di Động (MWG), sự tăng trưởng doanh thu khả quan của chuỗi Bách Hóa Xanh và Điện Máy Xanh giúp doanh nghiệp vượt mục tiêu lợi nhuận năm chỉ sau 11 tháng. Cụ thể, sau 11 tháng đầu năm, Thế Giới Di Động đạt doanh thu thuần hợp nhất là 99.304 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.599 tỉ đồng, lần lượt thực hiện 90% và 104% chỉ tiêu năm đề ra.

Ảnh:
11 tháng đầu năm, Thế Giới Di Động đạt doanh thu thuần hợp nhất là 99.304 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.599 tỉ đồng, lần lượt thực hiện 90% và 104% chỉ tiêu năm đề ra. Ảnh:TGDD

Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận mặc dù đã nghiên cứu mô hình cộng nghệ 4.0 và đã đầu tư chuẩn bị công nghệ nhưng trước sự ập đến bất ngờ của COVID-19 thì cũng khó khăn và không kịp trở tay.

PNJ cũng rơi vào tình thế khá căng thẳng. Khi Việt Nam giãn cách xã hội, toàn ngành đều đi xuống. PNJ có 365 cửa hàng, buộc phải đóng cửa 320 điểm bán. Lần đầu tiên PNJ ghi nhận lỗ sau nhiều năm. 

“Đến tháng 5, mọi thứ có vẻ sáng sủa hơn. Đến nay, chúng tôi tăng trưởng dương, trong khi thị trường đang tăng trưởng âm. Kết quả kinh doanh quý 3 năm 2020, chúng tôi đang tăng 26% so với quý 3 năm ngoái”, ông Lê Trí Thông cho hay.

Ảnh:TL
PNJ phải thay đổi tư duy, thay đổi cách làm việc, thay đổi chiến thuật “hành quân”. Ảnh:TL

Để có được thành quả đó, theo CEO của PNJ, doanh nghiệp không thể sử dụng các "bài" cũ, những bài đã giúp PNJ thành công trong suốt 7, 8 năm qua. PNJ phải thay đổi tư duy, thay đổi cách làm việc, thay đổi chiến thuật “hành quân”.

Hiện kênh bán lẻ liên tục tăng trưởng từ tháng 9 kéo tổng doanh thu thuần 11 tháng đầu năm của PNJ vượt 5,7% mục tiêu cả năm, đạt 15.305 tỉ đồng. Lãi sau thuế 11 tháng đạt 939 tỉ đồng, vượt 12,7% kế hoạch năm.

Ngành dầu vẫn lên đều

Trong câu lạc bộ lãi nghìn tỉ năm 2020 còn ghi nhận Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) hoàn thành kế hoạch kinh doanh nhờ tăng trưởng đột biến trong quý IV/2020. Theo đó, ước tính lợi nhuận trước thuế quý IV của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đạt hơn 2.500 tỉ đồng, tăng 27% so với cùng kì năm 2019 và chiếm trên 50% tổng lợi nhuận cả năm 2020 của công ty.

Ảnh:
PV Gas tính đến đầu tháng 11.2020, công ty đã hoàn thành các chỉ tiêu về sản lượng LPG, lợi nhuận trước thuế năm 2020. Ảnh:tinnhanhchungkhoan

Thông tin từ lãnh đạo PV Gas (GAS), tính đến đầu tháng 11.2020, công ty đã hoàn thành các chỉ tiêu về sản lượng LPG, lợi nhuận trước thuế năm 2020. Dự kiến, chỉ tiêu LPG và condensate của PV GAS sẽ vượt kế hoạch từ 6 - 47%, các chỉ tiêu tài chính sẽ vượt từ 0 - 48% kế hoạch năm. 

Kết quả kinh doanh năm 2020 của PVChem báo lãi trước thuế cả năm gấp hơn 2 lần so với kế hoạch, đạt hơn 30 tỉ đồng.  Dù không được như mong đợi của đa số cổ đông GEX về kết quả kinh doanh đột biến nhờ hợp nhất Viglacera, song Gelex vẫn báo lãi trước thuế 975 tỉ đồng, vượt 33% kế hoạch năm 2020.

Mặc dù năm 2020 ngành dầu thế giới khó khăn nhưng các doanh nghiệp như, PV Power (POW), PVTrans (PVT), Dầu khí biển PTSC (POS) và PVChem (PVC) đều ghi nhận kết quả kinh doanh năm nay vượt mục tiêu. Cụ thể, theo Tổng giám đốc PV Power Lê Như Linh, doanh thu toàn tổng công ty năm 2020 ước đạt 30.472 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến là 2.335 tỉ đồng; vượt lần lượt 7% và 14% kế hoạch năm 2020. Tuy nhiên so với thực hiện năm 2019, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của PV Power vẫn giảm lần lượt 14% và 18%.

Ảnh:
PVChem báo lãi trước thuế cả năm gấp hơn 2 lần so với kế hoạch, đạt hơn 30 tỉ đồng. Ảnh:kinhtechungkhoan

Đặc biệt, PVChem báo lãi trước thuế cả năm gấp hơn 2 lần so với kế hoạch, đạt hơn 30 tỉ đồng. Đây là doanh nghiệp có mức thực hiện chỉ tiêu lợi nhuận năm 2020 cao nhất tính đến nay. Công ty Cổ phần Khách sạn và Dịch vụ OCH (OCH) vẫn báo lãi sau thuế vượt 45% chỉ tiêu năm 2020 bất chấp ngành du lịch trì trệ vì COVID-19. Mặc dù vậy, kết quả này không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty mà nhờ ghi nhận khoản doanh thu tài chính 258 tỉ đồng trong quý I/2020.

Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí (PXS) và Đầu tư Sao Thăng Long (DST) bị lỗ trong năm 2019 và đã chuyển lỗ thành lãi trong 9 tháng đầu năm 2020, đồng thời vượt kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm 2020 lần lượt 298% và 254%. Trong khi PXS vượt 21% kế hoạch doanh thu 2020, Đầu tư Sao Thăng Long chỉ mới thực hiện được 3%. Theo Báo cáo tài chính quý III, Đầu tư Sao Thăng Long có lợi nhuận nhờ doanh thu tài chính gấp rưỡi cùng kỳ.

Ảnh:ducgiangchem
Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) vượt 137%. Ảnh:ducgiangchem

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, những doanh nghiệp vượt kế hoạch lợi nhuận trên 100% có Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (NDN), vượt 234%, Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) vượt 137% và Kim khí Thành phố Hồ Chí Minh Vnsteel (HMC) vượt 103%. Các doanh nghiệp này đều có lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm cao hơn thực hiện cả năm 2019 và đều hoàn thành hoặc vượt kế hoạch doanh thu 2020.

Một số doanh nghiệp khác vượt kế hoạch lợi nhuận 2020 dưới 100% nhưng có lợi nhuận sau thuế 9 tháng tăng bằng lần so với cả năm 2019. Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PVB) và Vận tải Xăng dầu Vipco (VIP) có Lợi nhuận sau thuế 9 tháng gấp 2.2 lần 2019, Tổng Công ty Cổ phần Y tế DANAMECO (DNM) có Lợi nhuận sau thuế 9 tháng gấp 3.6 lần năm 2019.

►Vị thế nào cho thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế?