Thứ Hai | 28/01/2013 07:49

Những doanh nghiệp EPS trên 8.000 đồng

Với EPS trên 22 nghìn đồngnăm 2012, HGM tiếp tục dành vị trí quán quân trên thị trường chứng khoán.
Mùa Báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2012 đã đi được non nửa đoạn đường. Các doanh nghiệp đang gấp rút hoàn thành báo cáo hợp nhất và kiểm toán gửi cơ quan chức năng. Năm 2012, có lẽ, nhờ chặng cuối của cuộc đua thành công nên khá nhiều doanh nghiệp đã về đích với EPS khá cao.

Ngôi vị quán quân EPS chưa bị “đánh đổ”

Mặc dù lãi sau thuế 137,8 tỷ đồng, giảm 7,5% so với năm 2011 nhưng với 21.874 đồng EPS năm 2012, HGM tiếp tục dành vị trí quán quân EPS trên thị trường chứng khoán. Công ty đã vượt 44% kế hoạch lợi nhuận năm 2012 và là một trong số ít công ty không có vay nợ ngân hàng.

Nói đến TCT, cổ đông luôn nhớ về một doanh nghiệp EPS cao và giữ vững hoạt động kinh doanh qua các năm. 3 năm liên tiếp, dù EPS đều đạt trên 8.000 đồng nhưng công ty không tăng vốn mà giữ cổ tức bằng tiền mặt ở mức khá cao trên 40%. Năm 2012, TCT hiện vẫn giữ vị trí số 2 về EPS với 16.796 đồng.

Ngành cao su tự nhiên vẫn ăn nên làm ra

Chỉ mới có báo cáo của riêng công ty mẹ nhưng DPR cũng đã tạo được dấu ấn với EPS 12.172 đồng năm 2012. Năm 2011, công ty đạt EPS đạt 18,663 đồng hợp nhất.

Cùng với DPR, một doanh nghiệp cao su tự nhiên khác là Cao Su Tây Ninh (TRC) cũng đạt EPS cao với 11.647 đồng mặc dù LNST năm 2012 đạt 342,64 tỷ đồng, giảm mạnh 32% so với cùng kỳ.

Với 2 doanh nghiệp cao su tự nhiên đạt EPS trên 10.000 đồng, nhà đầu tư bớt đi nỗi lo giá cao su tự nhiên lao dốc từ đợt đỉnh vào 2010-2011.

Nhiều tên tuổi mới

Năm nay, WCS bất ngờ bứt phá khỏi mức EPS trên dưới 7.000 đồng 3 năm trước và đạt 9.960 đồng. WCS lọt “top” 10 EPS năm 2012 tính đến thời điểm này.

Nhựa Bình Minh (BMP) cũng gây bất ngờ với EPS của riêng công ty mẹ gần chạm ngưỡng 10.000 đồng. Đây là một kết quả khả quan dù những năm trước đây công ty vẫn đạt lợi nhuận khá cao nhưng chưa năm nào bứt phá ngưỡng 9.000 đồng EPS từ khi niêm yết.

Cũng giống BMP, dù năm nào cũng có EPS trên 6.000 đồng nhưng TRA chưa từng chạm ngưỡng EPS 7.500 đồng từ khi niêm yết. Công ty gây bất ngờ với báo cáo riêng công ty mẹ năm nay đã đạt EPS 9.103 đồng.

NNC dù giảm lợi nhuận đến 11% so với cùng kỳ cũng đạt EPS trên 10.000 đồng nhờ có lượng cổ phiếu quỹ khá lớn.

EPS của DVP tăng trưởng khá đều qua các năm: 2009 đạt 4.243 đồng, 2010 đạt 6.776 đồng, 2011 đạt 7.581đồng và năm nay đạt 9.403 đồng! Một kết quả khả quan trong bối cảnh kinh tế chung suy giảm.

HLD chưa kịp giao dịch phiên nào trên HNX nhưng cũng đã tạo được tiếng tốt khi đến cuối năm 2012, HLD với vốn điều lệ 100 tỷ đồng nhưng quỹ đầu tư phát triển 116 tỷ đồng, quỹ dự phòng tài chính 19 tỷ đồng và LNST chưa phân phối gần 98 tỷ đồng. EPS đạt 9.779 đồng.

HLC cũng bất ngờ báo EPS trên 8.640 đồng năm 2012. Nguyên nhân được công ty giải thích khá khó hiểu cho những người ngoài ngành về chỉ tiêu công nghệ TKV giao phó...

Sẽ còn nhiều doanh nghiệp báo tin vui

Một số doanh nghiệp năm 2011 lọt top EPS trên 10.000 đồng đã giảm lãi trong năm 2012 như CNG lãi 118,33 tỷ đồng, giảm 41,84% so với năm 2011. EPS chỉ còn hơnn 5.000 đồng; BMC, KTS cũng đã báo cáo kết quả kinh doanh năm 2012 với EPS chưa đầy 8.000 đồng; Đặc biệt, D11 đã rơi mạnh từ EPS 2 năm liền trên 10.000 đồng nhưng năm 2012 chỉ lãi chưa đầy 1,5 tỷ; ACL không những LNST năm 2012 giảm hơn 86% mà còn vướng lỗ quý 4.

Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn kỳ vọng khá nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2012 khả quan và thuộc top EPS cao năm 2011 chưa công bố kết quả kinh doanh 2012 như: VSC đã vượt hơn 11% kế hoạch lợi nhuận 2012 sau 9 tháng, EPS đạt 6.956 đồng/CP; AGD 7.274 đồng EPS 9 tháng đầu năm…

Nguồn CafeF


Sự kiện