Bộ Y tế tiếp nhận lô vaccine Astra Zeneca nhập khẩu đầu tiên. Ảnh: BYT
Những doanh nghiệp “bạo tay” chi tiền mua vaccine COVID-19 cho nhân viên
Doanh nghiệp lớn tích cực tìm nguồn mua
Tại buổi vận động CBNV quyên góp Quỹ “Chung một tấm lòng” nhằm hưởng ứng chương trình toàn dân cùng Chính phủ mua vaccine chống COVID-19, diễn ra sáng 24.2, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ cho biết: PNJ đang tìm nguồn vaccine để tiêm phòng cho 7.000 cán bộ nhân viên của Công ty trong thời gian tới.
Cũng theo bà Dung, đây là hành động cần thiết trong lúc này để bảo vệ tốt nhất sức khỏe cán bộ nhân viên, tạo động lực để cán bộ nhân viên phục vụ tốt nhất nhu cầu khách hàng và đồng thời tạo sự yên tâm cho khách hàng khi mua sắm tại các cửa hàng PNJ trên toàn quốc.
Ngoài PNJ nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản, ngân hàng… cũng đang tích cực tìm cách đăng ký mua vaccine tiêm cho các cán bộ nhân viên và cả người nhà.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) lên kế hoạch liên hệ với Bộ Y Tế và các cơ quan chức năng để đăng ký mua vaccine hỗ trợ cán bộ nhân viên và người thân phòng dịch COVID-19. Số lượng cán bộ công nhân viên của ngân hàng hiện nay khoảng 25.000 người. Trong đợt tiêm phòng lần này, BIDV dự kiến hỗ trợ mỗi nhân viên của BIDV cùng với 4 người thân.
Về lĩnh vực bất động sản, Tập đoàn Hưng Thịnh đã quyết định tài trợ 100% chi phí tiêm ngừa vắc-xin COVID-19 cho người lao động và gia đình (bao gồm vợ/chồng, con và cha mẹ của CBNV toàn Tập đoàn). Hiện Hưng Thịnh đang làm việc với đơn vị cung cấp VNVC cũng như các cơ quan chức năng để sớm đưa vào thực hiện chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 cho toàn thể CBNV và người thân theo đúng quy định. Dự kiến tổng số lượng vắc xin do Tập đoàn Hưng Thịnh đăng ký mua và tài trợ tiêm miễn phí lên đến trên 14.000 liều.
Hình ảnh lô vaccine AstraZeneca đầu tiên được xử lý và tiếp nhận theo đúng quy trình chuyên môn. Ảnh: BYT |
Theo bà Trần Thị Liễu Vinh, Giám đốc Quản trị nguồn nhân lực của Coteccons, chia sẻ: Chúng tôi đã lên kế hoạch tiêm chủng ngừa COVID-19 cho cán bộ nhân viên của công ty, với khoảng 8.000 người, trong đó 2.000 người là cán bộ nhân viên của công ty Coteccons và Unicons (đơn vị thành viên của Coteccons), số còn lại là người thân (vợ/chồng, con) của họ.
Bà chia sẻ, con người là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp, nên việc chú trọng tới đời sống cũng như chế độ phúc lợi của nhân viên được đặt ngang bằng với định hướng phát triển của công ty. Coteccons muốn xây dựng một nơi làm việc mà người lao động cảm thấy hạnh phúc, an toàn, được chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình, đồng thời được tưởng thưởng xứng đáng khi làm việc.
Vaccine COVID-19 đã có mặt tại Việt Nam hiện do tập đoàn dược phẩm hàng đầu thế giới AstraZeneca phối hợp cùng Đại học Oxford (Vương quốc Anh) nghiên cứu và sản xuất. Vaccine này hiện có giá rẻ hơn so với nhiều loại vaccine khác.
Giá mỗi liều vaccine bao nhiêu?
Tại cuộc họp giao ban trực tuyến với các tỉnh, thành phố ngày 19.2, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cho biết: Ước tính năm 2021, để tiêm đủ dân số, Việt Nam cần tới 150 triệu liều vaccine. Hiện chắc chắn đã có 60 triệu liều, bao gồm 30 triệu liều từ chương trình COVAX và 30 triệu liều đặt mua từ hãng AstraZeneca cam kết cung cấp cho Việt Nam.
Tổng số vaccine từ chương trình COVAX viện trợ cho Việt Nam năm 2021 là 30 triệu liều, chủ yếu sử dụng vào nửa cuối năm 2021, GS, TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Y tế, cho biết: Lô đầu tiên vừa về đến Việt Nam sáng nay là 117.000 liều.
Theo thông tin hiện tại, mỗi người sẽ tiêm 2 liều và giá của mỗi liều vaccine hiện đang khác nhau, tùy theo thị trường và các nhà cung cấp. Hiện châu Âu đang hỗ trợ tài chính cho việc phát triển vắc xin BioNTech, Pfizer và đã thu được giá mỗi liều thấp hơn 14,70 USD- 19,50 USD/liều. Việc phát triển vaccine Moderna được chính phủ Mỹ trợ cấp và chi phí cho Mỹ khoảng 15 USD/liều, trong khi châu Âu đang trả 18 USD.
Vaccine Johnson & Johnson, dự kiến sắp công bố kết quả giai đoạn III, cũng rẻ hơn với giá 8,50 USD, với mỗi liều cao gấp đôi so với các nhãn hiệu khác, vì đây là vaccine tiêm một mũi. Vaccine Oxford-AstraZeneca mà Việt Nam mới nhập về có giá rẻ hơn nhiều, giá ban đầu thỏa thuận là 2,15USD/liều nhưng cuối cùng Anh và Mỹ dự kiến trả khoảng 3 - 4 USD/liều.
Hiện các nhóm đối tượng nguy cơ cao được ưu tiên tiêm vaccine gồm: Nhân viên y tế, Nhân viên tham gia phòng chống dịch (ban chỉ đạo các cấp, nhân viên khu cách ly, phóng viên...), Nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh, Lực lượng công an, Lực lượng quân đội, Giáo viên, Người trên 65 tuổi, Nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu: Hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện, nước...Người mắc các bệnh mãn tính, Người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài, Người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ…