Những điểm nổi bật của thị trường hàng hóa trong nước 2012
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng thóc gạo Việt Nam trong cả năm 2012 ước đạt khoảng 43,7 triệu tấn, tăng khoảng 1,45 triệu tấn so với năm ngoái. Trong đó, sản lượng tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ước tăng 1 triệu tấn.
Xuất khẩu gạoViệt Nam từ đầu năm đến ngày 20/12 năm nay đạt kỷ lục gần 7,5 triệu tấn gạo, vượt mức kỷ lục 7,1 triệu tấn xuất trong cả năm ngoái. Với khối lượng xuất khẩu này, Việt Nam chính thức vượt qua Thái Lan.
Xuất khẩu gạo Thái Lan năm nay giảm mạnh hơn 40% so với năm ngoái khi chính phủ nước này áp dụng chính sách thu mua thế chấp gạo trong nước. Động thái này đã giúp nâng cao thu nhập cho nông dân Thái Lan tuy nhiên đã đẩy giá gạo Thái lên cao, mất sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Cũng trong năm nay, Ấn Độ vươn lên là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Xuất khẩu gạo Ấn Độ tăng mạnh nhờ giá cả cạnh tranh và việc nước này dỡ lệnh cấm xuất khẩu gạo phi basmati hồi tháng 9 năm 2011. Việt Nam xếp ở vị trí thứ hai về xuất khẩu gạo và Thái Lan rơi xuống vị trí số ba.
2. Kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt kỷ lục
Theo Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa), niên vụ cà phê 2011-2012, Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,6 triệu tấn cà phê, đạt giá trị gần 3,4 tỷ USD, tăng 23% về lượng và 24% về giá trị. Đây là kim ngạch xuất khẩu cao nhất của cà phê Việt Nam từ trước đến nay. Việt Nam tiếp tục duy trì vị thế là nước xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới.
Vicofa cho biết, niên vụ này giá xuất khẩu bình quân đạt 2.000 USD/tấn, thấp hơn mức bình quân của năm 2011.
Trong niên vụ cà phê 2011-2012, cà phê Việt Nam xuất khẩu qua 80 quốc gia vùng lãnh thổ khác nhau, trong đó các quốc gia nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam là Đức (12,81%), Mỹ là (11,6%), tiếp theo là Italy, Tây Ban Nha, Nhật Bản…
Đặc biệt, khi bắt đầu niên vụ cà phê 2011-2012, Vicofa đã dự báo sản lượng cà phê của Việt Nam chỉ đạt mức 1,2 triệu tấn nhưng thực tế khi kết thúc niên vụ, tổng sản lượng đạt được là 1,5 triệu tấn, kỷ lục từ trước đến nay.
Theo Vicofa, việc sản lượng cà phê tăng cao so với dự báo là do thời tiết trong năm thuận lợi cho cây cà phê phát triển, tỷ lệ cà phê hái chín cao hơn mùa vụ trước, nên chất lượng và sản lượng cà phê trong niên vụ 2012-2013 vượt mức dự báo ban đầu của hiệp hội.
3. Ngành tôm gặp nhiều khó khăn trong năm 2012
Khó khăn đầu tiên của ngành tôm trong năm nay phải kể đến dịch bệnh khiến tôm chết hàng loạt, khiến người nuôi tôm điêu đứng. Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, năm 2012 cả nước có 30 tỉnh, thành nuôi tôm nước lợ, với diện tích 657.523ha, trong đó, 100.776 ha tôm bị thiệt hại do dịch bệnh, tương đương giảm 3,9% về sản lượng so với năm ngoái. Các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau...chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Điều đáng lo là các ngành chuyên môn vẫn chưa tìm ra nguyên nhân và biện pháp phòng trị dịch bệnh này. Một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tôm bị chết hàng loạt là do hội chứng hoại tử gan, giống tôm kém chất lượng, thời tiết và môi trường không đảm bảo an toàn.
Trong khi đó, xuất khẩu tôm trong năm qua tiếp tục gặp khó khi thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất là Nhật Bản lại quy định hàm lượng chất chống ôxy hóa Ethoxyquin trong tôm.
Giữa tháng 5 năm nay, Nhật Bản quyết định kiểm tra 30% các lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam đối với chỉ tiêu Ethoxyquin với mức giới hạn cho phép là 0,01ppm (10ppb). Cho đến đầu tháng 9, phía Nhật Bản lại tuyên bố kiểm tra 100% lô tôm của Việt Nam.
Để bảo vệ uy tín sản phẩm tôm Việt Nam trên thị trường Nhật Bản và tránh gây thiệt hại cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tăng cường các hoạt động ngoại giao với phía Nhật Bản điều chỉnh lại giới hạn cho phép đối với chất Ethoxyquin từ 10ppb lên 100ppb. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán với phía Nhật Bản vẫn chưa đạt được kết quả.
Xuất khẩu tôm sang thị trường Nhật Bản 6 tháng đầu năm nay duy trì mức tăng trưởng 2 con số. Nhưng từ tháng 7, do tác động của quy định kiểm soát gắt gao Ethoxyquin, mức tăng trưởng xuất khẩu tôm sang thị trường này nhanh chóng bị co hẹp, thậm chí có lúc còn suy giảm trong các tháng 7,8,9.
Không chỉ gặp khó tại thị trường Nhật Bản, xuất khẩu tôm sang các thị trường chính như Mỹ, EU cũng giảm mạnh do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu tôm sang Mỹ 11 tháng đầu năm nay giảm 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi thị trường EU giảm tới 24,8%.
Theo ước tính của Vasep, xuất khẩu tôm 11 tháng đầu năm nay đạt khoảng 1,95 tỷ USD, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Với tình hình xuất khẩu cuối năm khó bứt phá, dự kiến xuất khẩu tôm năm nay sẽ không đạt mục tiêu 2,4 tỷ USD như năm ngoái.
Dự báo, trong năm 2013, ngành tôm Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như dịch bệnh, con giống, môi trường và vốn vay cho sản xuất.
4. Việt Nam vươn lên vị trí thứ 4 thế giới về sản xuất cao su thiên nhiên
Theo báo cáo tháng 11 của Hiệp hội Các nước Sản xuất Cao su Thiên nhiên (ANRPC), sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu năm nay sẽ tích cực hơn so với dự kiến, trong đó Việt Nam giữ vai trò quan trọng trong việc tăng trưởng này.
ANRPC cho biết, Việt Nam có thể đạt sản lượng 955.000 tấn cao su trong năm nay, cao hơn so với mức 930.000 tấn dự đoán trước đó và cao hơn so với năm 2011. Sản lượng tăng nhờ có thêm nhiều diện tích cao su đi vào thu hoạch, với tổng 528.400 ha, từ mức 520.000 ha của năm ngoái.
Việt Nam đã chính thức trở thành nước sản xuất cao su thiên nhiên lớn thứ 4 thế giới khi soán ngôi của Ấn Độ và chỉ đứng sau Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Thậm chí sản lượng cao su Việt Nam còn được ANRPC dự đoán sẽ sớm vượt Malaysia để vươn lên vị trí thứ 3 thế giới. Sự thay đổi về thứ hạng sản xuất đánh dấu vai trò quan trọng của Việt Nam trên thị trường cao su quốc tế.
Thái Lan, Indonesia và Malaysia hiện chiếm 70% tổng sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu và cùng là thành viên của Liên minh cao su quốc tế (ITRC). ITRC thường có những cam kết về kiểm soát giá cả nhằm hỗ trợ tốt nhất cho người trồng cao su và các nhà xuất khẩu. Ba nước này cũng đang thuyết phục Việt Nam trở thành thành viên của Liên minh. Nếu Việt Nam đồng ý tham gia, ITRC sẽ chi phối 80% sản lượng cao su thiên nhiêu toàn cầu.
5. Ngành cá tra rơi vào khủng hoảng
Cùng với những khó khăn chung về tình hình tiêu thụ tại các thị trường chính do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, ngành cá tra năm nay còn lâm vào khủng hoảng nguyên liệu trầm trọng.
Ông Dương Ngọc Minh - Phó chủ tịch hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cho biết, nguyên nhân là do cạn kiệt tín dụng, hơn một năm nay từ người dân cho đến doanh nghiệp đều không còn tiền đầu tư.
Thiếu nguyên liệu, hơn một nửa số nhà máy cá tra đóng cửa, số còn lại chỉ chạy 40 – 50% công suất. Nhất là đợt cuối năm nay còn xảy ra tình trạng thiếu cá nguyên liệu đủ tiêu chuẩn chế biến nên nhiều nhà máy phải tạm ngưng sản xuất chờ cá lớn.
Cũng theo VASEP, từ đầu năm đến nay, giá thức ăn nuôi cá, nhất là đậu tương, ngô, đã có bốn lần tăng giá khiến chi phí đầu vào tăng 15 - 20% so với trước đây. Người nuôi cá tra chịu lỗ khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg cá. Ước tính, tại một số tỉnh ở Đồng bằng Sông Cửu Long, có khoảng 30-40% người nuôi đã phải treo ao.
Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, ngành cá tra Việt Nam cuối năm nay nhận được một tín hiệu tích cực là Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) đưa cá tra vào "danh sách xanh" (sản phẩm khuyến khích sử dụng).
Cuối năm 2010, WWF đưa cá tra Việt Nam vào "danh sách đỏ" (sản phẩm không nên sử dụng) làm nghề nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long điêu đứng. Sau đó, trước sự lên tiếng mạnh mẽ của Việt Nam, WWF đã miễn cưỡng rút cá tra khỏi danh sách này.
Tuy nhiên, đến ngày 23/12, nỗi oan này mới thực sự được giải khi WWF đưa cá tra vào "danh sách xanh". Thông tin này cũng tạo thêm chút hi vọng cho người nuôi cá các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản vào triển vọng của ngành trong năm tới.
6. Số vùng được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP ngày càng tăng
Ngày 14/12, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết trong năm 2012, chỉ riêng các tỉnh phía Nam, tổng diện tích được chứng nhận GAP (thực hành nông nghiệp tốt) đạt trên 110.000 ha.
Trong đó, có khoảng 100.000 ha cà phê được chứng nhận 4 C, UTZ Certified; 453 ha ca cao được chứng nhận UTZ Certified; 400 ha lúa được chứng nhận GlobalGAP và hàng trăm ha rau được chứng nhận VietGAP.
Đối với cây ăn quả, có gần 7.000 ha/18.600 ha thanh long của tỉnh Bình Thuận đã được chứng nhận VietGAP. Riêng Đồng bằng Sông Cửu Long còn có gần 300 ha mô hình cây ăn quả khác được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, bước đầu góp phần quảng bá, nâng cao thương hiệu trái cây Việt Nam.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thời gian qua nghề nuôi cá tra ở Đồng Bằng Sông Cửu Long cũng có nhiều thay đổi tích cực; người nuôi đã liên kết với doanh nghiệp để nuôi theo đơn đặt hàng, đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế.
Đến nay, đã có 20 doanh nghiệp và 40 vùng nuôi cá tra được cấp chứng nhận Global GAP, nhiều doanh nghiệp khác đang tiếp tục triển khai. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 100% vùng nuôi cá tra đạt tiêu chuẩn Global GAP.
Nguồn Tổng hợp/Khampha