Thứ Ba | 01/01/2013 06:17

Những điểm đáng chú ý của thị trường hàng hóa thế giới năm 2012

Năm 2012, hạn hán tại những vùng trồng trọt chính của thế giới đẩy giá nông sản lên kỷ lục đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng lương thực mới. Những bất ổn của nền kinh tế thế giới năm 2012 mà tâm điểm là khủng hoảng nợ châu Âu tiếp tục giúp vàng phát huy vai trò của một nơi trú ẩn an toàn. Trong khi đó, sự bùng nổ của kỹ thuật khai thác dầu từ đá phiến sét đang làm thay đổi cục diện bản đồ dầu mỏ thế giới.
Vàng tăng giá năm thứ 12 liên tiếp

Giá vàng phiên ngày 25/12 giao dịch tại 1.658,4 USD/oz, tăng 5,8% so với năm ngoái và là năm tăng giá thứ 12 liên tiếp. Theo số liệu của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), mức giá cao nhất năm nay đạt 1.791,8 USD/oz ghi nhận ngày 5/10 và mức giá thấp nhất năm ghi nhận ngày 2/1 tại 1.531 USD/oz. Dù có nhiều phiên dậy sóng, nhưng trong năm qua, giá vàng chưa một lần vượt mốc 1.800 USD/oz.
Biểu đồ cho thấy, giá vàng có một vài lần thách thức ngưỡng 1.800 USD/oz trong năm nay. Hồi cuối tháng 2, giá lên 1.781 USD/oz khi các bộ trưởng tài chính châu Âu nhất trí thông qua gói cứu trợ 130 tỷ euro cho Hy Lạp. Sau đó, giá vàng lập mức đỉnh mới trong năm ở 1.791,8 USD/oz vào đầu tháng 10 khi Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cam kết mua trái phiếu để cứu trợ các nước eurozone khỏi nguy cơ vỡ nợ.

Giá vàng được hỗ trợ năm nay còn nhờ lực mua vào của các ngân hàng trung ương. Những nước tăng dự trữ nhiều vàng nhất năm nay tiêu biểu như Brazil, Iraq, Hàn Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ... Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) ước tính các ngân hàng trung ương mua vào khoảng 500 tấn vàng năm nay, so với 465 tấn năm ngoái.

Ngân hàng trung ương các nước tăng cường nắm giữ vàng trong năm nay nhằm đa dạng hóa dự trữ ngoại hối, giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều bất ổn.

Cũng trong năm nay, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tung gói nới lỏng tiền tệ lần 3 (QE3) và ngân hàng trung ương nhiều nước trên thế giới tăng cường kích thích kinh tế, một động lực lớn đẩy giá vàng tăng.

Bên cạnh đó, những bất ổn xoay quanh khủng hoảng nợ châu Âu mà tâm điểm là Hy Lạp và Tây Ban Nha hay những căng thẳng gia tăng tại Trung Đông cũng thúc đẩy nhà đầu tư mua vàng làm nơi trú ẩn an toàn. Lượng vàng nắm giữ bởi các quỹ tín thác trong năm qua cũng tăng mạnh 12% lên 2.630,9 tấn phiên ngày 21/12.

Mỹ tiến gần hơn đến độc lập năng lượng nhờ bùng nổ khai thác dầu đá phiếnNăm 2012 ghi nhận sự bùng nổ của công cuộc khai thác dầu từ đá phiến tại Mỹ. Với kỹ thuật khoan thủy lực bẻ gãy, sản lượng dầu Mỹ năm 2012 lên cao nhất 18 năm, giúp Mỹ giảm bớt phụ thuộc vào nguồn cung dầu nhập khẩu và tiến gần hơn đến độc lập năng lượng.

Việc tăng cường áp dụng hình thức khoan ngang và bẻ gãy thủy lực (fracking) đã giúp Mỹ khai phá được những nguồn nhiên liệu chìm sâu dưới lòng đất dọc các bang North Dakota, Texas và Oklahoma. Số liệu cho thấy, sản lượng dầu tăng 31% tại North Dakota, tăng 19% tại Texas và tăng 11% tại Oklahoma.

Trong nửa đầu năm 2012, sản lượng dầu Mỹ đã đủ cung cấp cho 83% nhu cầu năng lượng của người dân nước này, cao nhất kể từ năm 1991. Điều này tương đương với việc Mỹ đang giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu, lượng dầu thô nhập khẩu của Mỹ giảm 11% năm nay.

Ước tính sản lượng dầu thô cùng các chế phẩm dầu mỏ của Mỹ có thể lên tới 11,4 triệu thùng/ngày vào năm 2013, so với nhu cầu 19 triệu thùng/ngày.

Việc sản lượng dầu thô tại Mỹ tăng dần đang mang lại những thay đổi cơ bản trên bản đồ dầu mỏ thế giới hiện nay, trong khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Venezuela chưa có sự chuẩn bị cho kịch bản này.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo Mỹ sẽ trở thành quốc gia sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới vào năm 2017, vượt Nga và Ảrập Xêút.

bản đồ

Chuyên gia cho biết, việc Mỹ thực hiện mục tiêu độc lập năng lượng sẽ khiến các nước thành viên của OPEC buộc phải xem xét lại chính sách của mình. Trong bối cảnh đó, các quốc gia ngoài OPEC, như Nga, Brazil, Colombia, Oman và Angola, cũng sẽ rơi vào thế khó khăn trong ngắn hạn và trung hạn.

Sản lượng dầu Iraq vượt Iran lần đầu sau hai thập kỷ do lệnh trừng phạt lên Iran

Năm qua cũng là năm Mỹ và châu Âu áp lệnh trừng phạt lên Iran do chương trình hạt nhân của nước này, cụ thể lệnh trừng phạt có hiệu lực vào ngày 1/7/2012. Xuất khẩu dầu Iran giảm mạnh 1 triệu thùng/ngày sau khi lệnh trừng phạt có hiệu lực, dẫn đến việc nước này phải giảm sản lượng.

Việc này đã giúp sản lượng dầu Iraq tháng 6 năm nay chính thức vượt Iran lần đầu sau hai thập kỷ, đưa Iraq trở thành nước sản xuất dầu lớn thứ 2 OPEC.

Báo cáo tháng của Hiệp hội các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho thấy sản lượng dầu thô Iraq trong tháng 6 đã vượt Iran, đạt 2,984 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, sản lượng tháng 6 của Iran giảm 188.500 thùng còn 2,963 triệu thùng/ngày.

Hạn hán Mỹ đẩy giá nông sản lên kỷ lục

Năm 2012, nước Mỹ chứng kiến đợt hạn hán tồi tệ nhất 56 năm diễn ra trong khoảng từ tháng 5 - tháng 8. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), khoảng 1.792 hạt trên toàn nước Mỹ được coi là khu vực bị thiên tai, trong đó 1.670 hạt bị ảnh hưởng bởi hạn hán.

Hạn hán nghiêm trọng hoành hành trên toàn nước Mỹ, từ California ở Bờ Tây cho tới New York ở Bờ Đông đã gây thiệt hại lớn cho nhiều loại cây trồng như ngô, đậu tương, cũng như các khu vực đồng cỏ và chăn nuôi.
hạn hán

USDA ước tính, sản lượng ngô Mỹ năm nay sẽ giảm 13% so với năm ngoái, xuống thấp nhất 6 năm. Ngày 10/8, giá ngô giao tháng 12 trên sàn Chicago chạm mức 8,49 USD/giạ, kỷ lục từ trước đến nay.

Ngày 4/9, giá đậu tương cũng lên kỷ lục từ trước đến nay tại 17,89 USD/giạ. Ước tính sản lượng đậu tương năm nay giảm gần 15% so với năm ngoái.

Việc giá nông sản Mỹ lập kỷ lục dấy lên lo ngại, một cuộc lạm phát giá lương thực toàn cầu có thể tái diễn và trở thành đòn giáng mạnh lên các nước nghèo và phải nhập khẩu nhiều lương thực.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đợt tăng giá nông sản lần này chưa thể đẩy thế giới rơi vào khủng hoảng lương thực như hồi 2007-2008 vì giá dầu thô vẫn ở mức kiểm soát và nguồn cung gạo toàn cầu duy trì ổn định.

Thái Lan mất vị trí số 1 về xuất khẩu gạo sau hơn hai thập kỷ

Thái Lan đã được công nhận là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới bắt đầu từ những năm 60 và giữ vững danh hiệu này trong suốt hơn hai thập kỷ vừa qua. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo sụt giảm mạnh năm nay khiến Thái Lan để mất danh hiệu này vào tay Ấn Độ và thậm chí tụt xuống vị trí số 3, sau Việt Nam.

Trong chương trình thu mua thế chấp lúa gạo bắt đầu vào tháng 10 năm ngoái, chính phủ Thái đã trả cho nông dân 5.000 baht/tấn lúa gạo trắng (480 USD/tấn) và khoảng 20.000 baht/tấn lúa gạo thơm (645 USD/tấn). Các nhà xuất khẩu cho biết những mức giá này cao hơn 40% so với giá thị trường. Chương trình thu mua trợ giá này là một phần trong cam kết của thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra nhằm đảm bảo và nâng cao thu nhập cho nông dân.

Tuy nhiên, hậu quả của chương trình này là xuất khẩu gạo Thái Lan sụt mạnh do giá cao làm mất sức cạnh tranh trên thị trường. Dự kiến cả năm 2012, Thái Lan sẽ chỉ xuất được khoảng 6,5 triệu tấn gạo, giảm 40% so với 11 triệu tấn năm 2011, đứng vị trí số 3 trong các nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Doanh số xuất khẩu của ba nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới
Doanh số xuất khẩu ước tính năm 2012 của ba nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới

Tổng kết giá hàng hóa năm 2012

Chỉ số S&P GSCI đo lường giá 24 mặt hàng chốt phiên giao dịch ngày 28/12 tại 644,43 điểm, giảm 3,3% so với mức điểm 666,55 đầu năm nay.

Giá nhóm hàng kim loại quý và kim loại công nghiệp đồng loạt tăng trong năm nay. Giá các mặt hàng nông sản như ngô, lúa mỳ, đậu tương ghi nhận năm tăng giá mạnh do hạn hán. Trong khi đó, các mặt hàng như đường, cà phê arabica chịu sức ép giảm mạnh do sản lượng tăng.

Giảm mạnh nhất trong năm nay là giá cà phê arabica với mức giảm gần 35%. Lúa mỳ là mặt hàng tăng giá mạnh nhất năm với mức tăng 19%.

giá

Nguồn Tổng hợp/Khampha


Sự kiện