Những cuộc đổi chủ ngân hàng cuối năm
Hàng loạt cổ đông lớn rầm rộ thoái vốn tại ngân hàng. Ngược lại, nhiều đại gia giấu mặt đang ngấm ngầm rót tiền vào lĩnh vực vốn rất hấp dẫn này.
Kẻ tới, người lui
Công ty Chứng khoán ACBS vừa bán 125 triệu cổ phiếu ngân hàng. Trong đó có 57,8 triệu cổ phiếu Eximbank, 33,6 triệu cổ phiếu DaiABank, 11 triệu cổ phiếu Techcombank, 5,6 triệu cổ phiếu Vietcombank...
Như vậy, ACBS chỉ giữ lại 9 triệu cổ phiếu VCB và 5 triệu cổ phiếu Eximbank. Thời điểm thoái vốn rơi vào những tháng cuối năm khi mà hàng chục nghìn tỷ đồng giá trị cổ phiếu ngân hàng được chuyển nhượng trên sàn chứng khoán.
Đây là một động thái được nhiều người dự báo từ trước trong bối cảnh các doanh nghiệp, cũng như nhiều ngân hàng thương mại đang tiến hành tái cấu trúc.
Theo đó, các DN buộc phải thoái vốn để có tiền cho hoạt động. Nhất là khi các công ty chứng khoán (CTCK) đối mặt với nguy cơ bị loại khỏi thị trường nếu không nhanh chóng làm đẹp lại tình hình tài chính theo các quy định mới được các cơ quan chức năng đặt ra trong những tháng gần đây. Các khoản đầu tư vào ngân hàng - vốn một thời sôi động, đầy tiềm năng, giờ dường như cũng không còn hấp dẫn.
Trong khi đó, hàng loạt đại gia từng gắn bó với ngân hàng cũng đã và đang rút lui khỏi kênh đầu tư này, nhường vị trí của mình cho nhiều gương mặt mới.
Gần nhất, vợ của đại gia Đặng Thành Tâm đã đăng ký bán toàn bộ 1,87 triệu cổ phiếu NVB của Ngân hàng Nam Việt (Navibank) và rút toàn bộ vốn khỏi tổ chức này. Trước đó, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã thông báo, bà Thanh đăng ký bán hết 14,82 triệu cổ phiếu, tương ứng chiếm 4,98% vốn điều lệ ở Navibank.
Nếu bán thành công lần này, bà Thanh sẽ không còn nắm giữ cổ phiếu nào tại ngân hàng có liên quan mật thiết tới chồng bà là ông Đặng Thành Tâm.
Savico - SVC đã chuyển nhượng toàn bộ 12,14 triệu cổ phần (4,05% vốn điều lệ) tại Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho đối tác, với tổng trị giá thương vụ lên đến 133,53 tỷ đồng (11.000 đồng/cp).
Gầy đây, Đại hội cổ đông Ngân hàng Đại Tín (TrustBank) cũng đã thông qua phương án tái cơ cấu. Theo đó, khoảng 252 triệu cổ phiếu (tương ứng với hơn 84% vốn của ngân hàng này) sẽ được chuyển sang cho cổ đông mới.
Trước đó, một loạt tổ chức và cá nhân cũng đã tính tới chuyện thoái vốn khỏi ngân hàng như: Tổng công ty Trực thăng Việt Nam (đăng ký bán gần 53 triệu quyền mua cổ phiếu Ngân hàng MBB); Tổng công ty Tngân hàngH MTV 28 đăng ký bán hơn 8,3 triệu quyền mua cổ phiếu MBB.
Ông Trầm Trọng Ngân - con trai lớn của ông Trầm Bê đăng ký bán toàn bộ 48 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 4,93%) Sacombank; Chứng khoán Phương Nam, Sài Gòn Exim thoái vốn khỏi Sacombank; hiện tượng thoái vốn tại Ngân hàng Phương Tây; thoái vốn tại VPBank; Tập đoàn dầu khí Việt Nam, công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương, công ty Tngân hàngH VNT thoái vốn tại OceanBank...
Kẻ "chán" người thèm
SVC cho biết, việc chuyển nhượng nhằm mục đích tái cơ cấu danh mục đầu tư. Hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính của SVC trong năm 2012 không còn tốt như các năm trước đó. Tổng nợ tới cuối quý III/2012 cao gấp gần ba lần vốn chủ sở hữu, trong đó nợ ngắn hạn cũng gấp khoảng 1,5 lần.
Vụ thoái vốn khỏi OCB, SVC sẽ thu về được một khoản tiền mặt khá lớn. Đây cũng là lý do mà nhiều đơn vị hoặc cá nhân khác như ACBS, KBC, SGT... thực hiện các vụ thoái vốn khỏi ngân hàng trong thời gian vừa qua.
ACBS cho biết, sau vụ thoái vốn tại một loạt ngân hàng, tiền và các khoản tương đương tiền của công ty này tăng vọt lên hơn 1.500 tỷ đồng, gấp 3 lần đầu năm. Trong khi đó, khoản đầu tư tài chính dài hạn giảm 60% xuống 600 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, việc thoái vốn có lẽ còn do tình hình hoạt động của nhiều ngân hàng trong năm 2012 và dự báo trong năm 2013 không thuận lợi. Trong quý III/2012 nhiều ngân hàng đạt chỉ tiêu lợi nhuận khá khiêm tốn, thậm chí trong những tháng cuối năm nhiều đơn vị vẫn tiếp tục điều chỉnh kế hoạch kinh doanh.
Mặc dù tình hình hoạt động của đa số các ngân hàng đang gặp khó khăn, nhưng vẫn có không ít người quan tâm. Nhiều đại gia có nội lực mạnh, những người vượt lên trên khủng hoảng, tiền vốn nhiều đã sẵn sàng xâm nhập vào lĩnh vực xương sống của nền kinh tế.
Trường hợp Tập đoàn Thiên Thanh dự kiến sở hữu 9,67% (và 20 cổ đông cá nhân khác sở hữu 74,37%) cổ phần TrustBank là một ví dụ. Đây là một đơn vị hoạt động đa ngành gồm: kinh doanh vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội thất, ô tô, BĐS, du lịch, nhà hàng, khách sạn với tài sản cuối 2011 là 3.000 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu hơn 1.200 tỷ.
Trong trường hợp OCB, đại gia giấu mặt mua hơn 12 triệu cổ phiếu hẳn cũng đã có những tính toán thận trọng khi bỏ ra hơn 130 tỷ đồng cho thương vụ nói trên.
Cũng như trong trường hợp Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) "ôm" trọn “con nợ” Habubank và chấp nhận lỗ lũy kế 9 tháng lên tới hơn 1.100 tỷ đồng do trích lập dự phòng hơn 2.100 tỷ đồng. Đến nay, những khoản nợ đã và đang được SHB trích lập dự phòng và ngân hàng này có lãi trong cả năm 2012.
Có thể thấy, trong năm 2012 sự thay đổi trong cơ cấu cổ đông của nhiều ngân hàng đã diễn ra mạnh mẽ. Hiện tượng này có thể tiếp tục trong năm 2013 và được xem là tất yếu của quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.
Thực tế, trong quá trình tăng vốn ồ ạt những năm vừa qua, tiền cổ đông góp đôi khi là tiền đi vay, tiền lòng vòng từ ngân hàng này rót sang ngân hàng khác, từ tổ chức vay tiền ngân hàng đổ vào... Cùng với sự khó khăn của nhiều cổ đông lớn và tình trạng cho vay dễ dàng, nợ xấu lớn, nhiều ngân hàng đang cần có những thay đổi mạnh mẽ.
Trên thực tế, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng diễn ra chưa thực sự nhanh như mong muốn. Tuy nhiên, sự vận động của chính các ngân hàng, cùng với sự tham gia của các cổ đông mới đang được kỳ vọng là một yếu tố tích cực cho tiến trình đổi mới này.
Mặc dù vậy, diện mạo mới, cơ cấu cổ đông mới, nhà đầu tư chiến lược mới... của các ngân hàng cũng nên được minh bạch hơn nữa để tránh tình trạng "rối như tơ vò" ngay từ việc mua bán chuyển nhượng vốn hiện nay.
(Theo Đầu tư Chứng khoán)