Thứ Năm | 03/05/2012 08:08

Những công ty chứng khoán thoát khỏi diện kiểm soát đặc biệt

Thay vì bị liệt vào dạng kiểm soát đặc biệt, nhiều CTCK vốn là điểm đen trên TTCK đã không có tên trong danh sách lần này của UBCK.
Thua lỗ vẫn thoát khỏi danh sách đen

Ngày 23/4, Ủy ban chứng khoán (UBCK) đã chính thức công bố danh sách các công ty chứng khoán (CTCK) bị đưa vào tình trạng kiểm soát đặc biệt hay còn gọi là nhóm các CTCK yếu kém (nhóm 3) với tỷ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro dưới 120% và có lỗ lũy kế từ trên 50% vốn điều lệ.

Thông báo không cho biết đây là những CTCK đầu tiên bị kiểm soát đặc biệt hay là UBCK đã ra soát một lượt tất cả các CTCK (đã và chưa niêm yết).

Danh sách những CTCK loại kiểm soát đặc biệt này gồm 6 cái tên bao gồm: Chứng khoán Cao Su, Vina, Hà Nội (HSSC), Trường Sơn (TSS), Đà Nẵng và Mê Kông và thiếu nhiều gương mặt thua lỗ lớn, kéo dài nhiều năm và thiếu những CTCK từng rơi vào tình trạng mất thanh khoản.

CK

CTCP Chứng khoán Tầm nhìn (HRS) và Chứng khoán VIT đã có chuỗi thua lỗ 5 năm liên tiếp. Riêng HRS, lỗ tổng cộng tính từ 2007 đã lên tới 45,8 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu còn hơn 14 tỷ đồng. Bên cạnh đó, KIS và Chứng khoán Navibank đã không có trong danh sách trên cho dù có 4 năm thua lỗ liên tục.

SME, TAS từng rơi vào tình trạng mất thanh khoản. Những CTCK gặp khó khăn, phải rút nghiệp vụ cốt lõi là môi giới, gần như không xuất hiện trên TTCK như Gia Anh (Hamico), DDS, cũng không có trong danh sách.

Gần đây, SBS là một công ty đáng chú ý. Trong ba phiên vừa qua (kết thúc 24/4), giới đầu tư đã đồng loạt bán tháo cổ phiếu này sau khi SBS tiếp tục công bố khoản lỗ 660 tỷ đồng trong quý I/2012 nâng lỗ lũy kế lên hơn 1.400 tỷ đồng - vượt vốn điều lệ 1.266 tỷ đồng

Một số trường hợp lỗ lớn khác trong năm 2011 là VDS (-126 tỷ), HPC (-94,7 tỷ), TLS (-592 tỷ), ORS (-40,9 tỷ), AVS (-40,5 tỷ), APS (lỗ gần 92 tỷ đồng).

Cổ phiếu tăng giá, quên chuyện thanh lọc?

Trong một đề xuất gần đây Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng quy mô TTCK nhỏ, trong khi số lượng CTCK hiện tại quá lớn, hơn 100 thành viên. UBCK nên xem xét cắt giảm xuống còn khoảng 25 đơn vị, để đảm bảo chất lượng và đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư.

Theo lộ trình của Đề án Tái cấu trúc các CTCK được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt ngày 10/1/2012, trong năm 2012 UBCK sẽ triển khai thực hiện giai đoạn 1 của đề án theo Thông tư 226, tập trung chủ yếu vào việc xử ký các CTCK yếu kém thuộc nhóm 3 (nhóm kiểm soát đặc biệt).

CK

Theo UBCKNN, nếu để rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt 6 tháng liền, kèm với lỗ luỹ kế 50% vốn điều lệ, CTCK sẽ bị đình chỉ hoạt động.

Quý I/2013 UBCK sẽ báo cáo Bộ Tài chính kết quả thực hiện giai đoạn 1, và đến quý II/2013 sẽ triển khai giai đoạn 2.

Có thể thấy, sự phục hồi mạnh mẽ của TTCK kể từ đầu năm 2012 đến nay giúp nhiều CTCK sau một thời gian dài khó khăn báo cáo lãi trong quý I/2012 như BVS (lãi 10,4 tỷ), AGR (38,13 tỷ), BSI (28 tỷ), SHS (40 tỷ). Tuy nhiên, thống kê cho thấy, tốp 10 CTCK dẫn đầu thị phần môi giới chiếm khoảng 60%, số còn lại chia cho 95 CTCK khác, điều này làm cho các CTCK gặp nhiều khó khăn trong hoạt động.

Trong khi đó, theo dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 27/2007 Quy chế tổ chức và hoạt động CTCK mà UBCK đang lấy ý kiến các thành viên, các CTCK sẽ không được đầu tư BĐS; không được trực tiếp hoặc gián tiếp đầu tư quá 20% số cổ phiếu lưu hành của một tổ chức niêm yết hoặc 15% vốn của công ty chưa niêm yết.

Dự thảo cũng tăng điều kiện về tỷ lệ vốn góp tối thiểu của các cổ đông sáng lập. Trước đó, Thông tư 27 quy định tối thiểu 20% vốn điều lệ thực góp, còn trong dự thảo Thông tư mới quy định tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông sáng lập phải tối thiểu 65% vốn điều lệ, trong đó các tổ chức là ngân hàng thương mại, doanh nghiệp bảo hiểm hoặc tổ chức nước ngoài sở hữu tối thiểu 30% vốn điều lệ của công ty.

Về vay và cho vay, theo dự thảo, tổng nợ của CTCK không được vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu.

Tất cả những quy định nói trên, có thể nói, là những rào cản mới cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Nguồn VEF


Sự kiện