Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 8/2014
Từ 30-8, hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất được phép lưu giữ tại Việt Nam tối đa 60 ngày, kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập. Việc gia hạn được thực hiện không quá 2 lần cho mỗi lô hàng và mỗi lần gia hạn không quá 30 ngày. Quá thời hạn này, thương nhân chỉ còn 15 ngày nữa để tái xuất qua cửa khẩu, nếu không tái xuất hàng hóa sẽ bị tịch thu hoặc bị tiêu hủy.
Thông tư số 94/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với một số loại hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan; xử lý đối với trường hợp từ chối nhận hàng quy định như trên.
Thêm đối tượng được miễn lệ phí quốc tịch
Từ 29/8, đối tượng được miễn lệ phí quốc tịch là người di cư tự do trong vùng biên giới Việt Nam hoặc Lào từ năm 1985 trở về trước; hoặc từ năm 1986 đến ngày 08/07/2013 đáp ứng các điều kiện: Tôn trọng pháp luật của nước cư trú và không vi phạm luật hình sự; có cơ sở cuộc sống ổn định, có nhà cửa tài sản cố định, có đất canh tác ở nước cư trú; không phải người đang truy nã hoặc thi hành án theo pháp luật nước gốc.
Trường hợp người di cư tự do trong vùng biên giới hai nước từ năm 1986 đến ngày 08/07/2013 không đủ các điều kiện nêu trên do phía Lào trả lại và đã được phía Việt Nam đồng ý tiếp nhận thì vẫn sẽ được miễn phí. Ngoài ra, đối tượng được miễn lệ phí còn là người kết hôn không giá thú sau khi đăng ký kết hôn theo quy định pháp luật mỗi nước có nguyện vọng cư trú trên lãnh thổ Việt Nam.
Quy định có hiệu lực thi hành từ ngày 29/8/2014 và sẽ hết hiệu lực khi Thỏa thuận giữa Việt Nam và Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước chấm dứt. Thông tư số 93/2014/TT-BTC hướng dẫn miễn lệ phí quốc tịch, lệ phí hộ tịch, đăng ký cư trú cho người được phép cư trú theo quy định của thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước. hướng dẫn.
Thêm một loại hình bảo hiểm phi nhân thọ mới
Ngoài các loại hình bảo hiểm (BH) phi nhân thọ như BH tài sản và BH thiệt hại; BH hàng không; BH xe cơ giới; BH cháy, nổ; BH trách nhiệm; BH tín dụng và rủi ro tài chính; thiệt hại kinh doanh… , từ 25/8 sẽ có thêm một loại BH mới đó là BH bảo lãnh - là một nghiệp vụ của loại hình bảo hiểm phi nhân thọ.
BH bảo lãnh là hoạt động kinh doanh BH trong đó doanh nghiệp BH chấp nhận rủi ro của người được bảo lãnh, trên cơ sở người được bảo lãnh đóng phí BH để doanh nghiệp BH thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Nghị định 68/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 45/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, có hiệu lực thi hành từ ngày 25-8.
Khai thác hải sản, được vay đến 70% chi phí chuyến đi biển
Từ ngày 25-8, chủ tàu khai thác hải sản và cung cấp dịch vụ hậu cần khai thác hải sản, đang hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính, có phương án sản xuất kinh doanh cụ thể sẽ được vay tối đa 70% chi phí cho một chuyến đi biển (đối với tàu khai thác hải sản) và 70% giá trị cung cấp dịch vụ hậu cần (đối với tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản).
Cũng từ ngày 25/08, các tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là thành viên tổ đội, hợp tác xã khai thác hải sản, có tổng công suất máy chính từ 90 CV trở lên sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên hàng năm cho mỗi thuyền viên làm việc trên tàu.
Hỗ trợ 70% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 90CV đến dưới 400 CV và 90% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên. Đó là nội dung quy định tại Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản có hiệu lực thi hành từ ngày 25/08.
Hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay mua thiết bị giảm tổn thất trong nông nghiệp
Cũng trong tháng 8, nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, nhà nước quyết định hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đầu và 50% lãi suất trong năm thứ 3 đối với khoản vay mua máy móc, thiết bị nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp đã ký hợp đồng vay vốn tại các ngân hàng thương mại từ ngày 01/01/2014 đến trước ngày 31/12/2020. Thông tư 89/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn hỗ trợ lãi suất vay vốn và cấp bù chênh lệch lãi suất quy định.
Theo quy định, trong thời gian hỗ trợ, nếu phát hiện sai phạm trong việc sử dụng vốn vay của cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã hay doanh nghiệp..., ngân hàng thương mại có quyền chuyển khoản vay sai phạm được Nhà nước hỗ trợ thành khoản vay thông thường và tiến hành thu hồi ngay số tiền đã tạm ứng đó. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 22/8/2014.
Đề kiểm tra không được vượt quá kiến thức trong sách giáo khoa
Từ ngày 20-8, giáo viên không được sử dụng những nội dung vượt quá chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình, sách giáo khoa để kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh, học viên trong quá trình dạy học. Xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm mon, giáo dục phổ thông phải phù hợp với mục tiêu, nội dung chương trình giáo dục đối với từng cấp học, lớp học; phải đảm bảo tính khoa học, chính xác, tính sư phạm, thẩm mĩ; phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của đối tượng sử dụng và phải có tác dụng giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; đảm bảo giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội và giữ vững chủ quyền quốc gia.
Đây là nội dung quy định tại Thông tư 21/2014/TT-BGDĐT Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông thường xuyên, có hiệu lực thi hành từ ngày 20-8.
Nguồn Pháp luật TPHCM