Thứ Ba | 15/12/2015 11:25

Những cái được khi mua ngân hàng 0 đồng

Mua ngân hàng với giá 0 đồng là để mang lại lãi … "vô cực": ổn định lòng dân, chính trị và kinh tế.

Trong các kỳ họp Quốc hội những năm trước thống đốc Nguyễn Văn Bình luôn là tâm điểm chú ý của nhiều đại biểu quốc hội về những điểm nóng như: sàn vàng, lạm phát, nợ xấu...Tuy nhiên, tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII lại gần như chẳng ai chất vấn thống đốc trong bối cảnh không ít Bộ trưởng đã phải toát mồ hôi trước những câu hỏi chất vấn của ĐBQH. 

Có chăng hệ thống tài chính Việt Nam đã ổn định?

Một ĐBQH đánh giá: "Thị trường vàng ổn định, không có “cơn điên loạn” như cách đây dăm bảy năm nữa; dự trữ ngoại hối của quốc gia chưa bao giờ cao như hiện nay; lạm phát thấp nhất trong hàng chục năm trở lại đây; uy tín của đồng ngoại tệ được nâng cao…" 

Thống đốc Bình từng vấp phải nhiều ý kiến phản đối và bị nhiều người nghi ngờ về năng lực của ông. Nhưng những kết quả mà ông mang lại tính tới thời điểm này là không thể phủ nhận. 

Mặc dù, hệ thống tài chính Việt Nam vẫn đang còn nhiều hạn chế, cần khắc phục trong thời gian tới. Nhưng nếu so với thời điểm những năm 2007-2008 thì hệ thống tài ngân hàng đã có bước đột phá và khởi sắc hơn.

Chuyện ngân hàng 0 đồng

Ngoài ra, ông Bình cũng là người đầu tiên đề ra chính sách mua lại các ngân hàng yếu kém 0 đồng, vốn chưa từng có tiền lệ trong lịch sử thế giới và cả tại Việt Nam.

Theo chia sẻ của một vị ĐBQH tham gia kỳ họp quốc hội chia sẻ "Thực ra, trên thế giới cũng có ngân hàng bị mua với giá 1 USD, nhưng 1 USD cũng là tiền. Còn đây mua lại với giá 0 đồng thì là Nhà nước đang mua lại một ngân hàng đã bị phá sản. Cách làm này, thực chất, đây là cách cứu dân, tránh cho việc xảy ra một thảm họa tài chính, dẫn đến sự hỗn loạn về chính trị”.

Đánh giá về vấn đề này, ông Bình là người trong cuộc chia sẻ: "Về việc mua ngân hàng với giá 0 đồng, trước hết phải hiểu rằng ngân hàng đó đã bị phá sản và bị mua với giá 0 đồng là đi nửa chặng đường tiến trình phá sản. Vậy ai làm cho các ngân hàng cổ phần này phá sản? Đó chính là các ông chủ và các cổ đông. Họ không biết điều hành, họ làm ăn bậy bạ, lợi dụng ngân hàng, lợi dụng người gửi tiền làm bậy, vậy thì họ phải chịu mất tiền. Nhưng còn người dân thì sao? Người dân có biết gì đâu, chỉ biết rằng gom góp được bao nhiêu tiền thì gửi vào ngân hàng, bởi họ nghĩ rằng, đó là nơi giữ tiền an toàn nhất. Rồi cũng hy vọng có thêm được đồng lãi để trang trải cho cuộc sống. Chính vì thế mà phải bảo vệ người dân. Làm gì thì làm, cũng phải lo tính đến chuyện bảo vệ dân trước.

"Các ngân hàng này trong một thời gian dài, họ làm ăn theo kiểu “bóc ngắn cắn dài”, chi tiêu bạt mạng, đầu tư không có tính toán, và thậm chí tiêu tiền theo kiểu như đi nhặt được. Đến lúc tiền của cổ đông mất hết thì lại dùng tiền người dân gửi tiết kiệm để chia cổ tức cho nhau. Vì thế không thể bảo vệ các ông chủ này được, phải bảo vệ dân, mà cách tốt nhất là mua lại ngân hàng đó, với cái giá là 0 đồng. Nhà nước không thể mua lại các ngân hàng này với giá 1 đồng, vì Nhà nước không thể bỏ ra dù chỉ 1 đồng để trả cho các ông chủ này. Nhà nước mua lại với giá 0 đồng để điều hành, tái cấu trúc lại bằng các công cụ chính sách và làm cho ngân hàng đó từng bước thoát ra khỏi tình trạng nợ nần."

"Về lý thuyết, số tiền của các ông chủ trong ngân hàng này đã mất sạch, cho nên đừng có bàn đến chuyện lấy lại đồng nào cả, còn Nhà nước mua lại giao cho ngân hàng lớn tổ chức quản lý là nhằm mục đích không gây xáo trộn trong thị trường tài chính tiền tệ, bảo vệ quyền lợi cho người dân. Trong hoạt động tài chính ngân hàng, Xã hội chủ nghĩa hay Tư bản chủ nghĩa chính là ở chỗ này đây. Chúng ta đặt mục tiêu xây dựng Nhà nước "do dân, vì dân" thì phải vì dân mà mua lại với giá 0 đồng”.

Làm lợi cho dân

Như vậy, về mặt bản chất những ngân hàng này đã bị rỗng ruột ở bên trong nên hành động của ngân hàng nhà nước là cần thiết để tránh cho một ngân hàng nào đó phá sản, ảnh hưởng đến toàn hệ thống. Tuy nhiên, câu chuyện tái cơ cấu những ngân hàng này sau khi mua lại là bài toán khó tiếp theo mà NHNN phải giải tiếp theo.

Khi được hỏi về vấn đề này, ông Bình nói: "Theo như tính toán của tôi, để các ngân hàng có đồng tiền dương phải mất 3 - 7 năm nữa. Nhưng sau thời gian đó sẽ được gì? Thứ nhất chúng ta được dân, bởi người dân không mất tiền; thứ hai là Ngân hàng Nhà nước sẽ được cả một hệ thống quản lý của ngân hàng đó mà không phải đầu tư gì lớn; và thứ ba là khi ngân hàng hoạt động có lãi, chúng ta sẽ được lãi thêm về mặt chính trị”.

Như vậy, mua ngân hàng với giá 0 đồng để rồi được lãi … vô cực ! Cái “lãi” đó là “lãi” về sự ổn định lòng dân, ổn định chính trị và ổn định kinh tế. Thế mới thấy quan điểm làm lợi cho dân xem ra cũng thật giản dị, nhưng cũng lại khó vô cùng.

Nguồn Dân Trí