Những bài học đổi mới để sinh tồn của ngành thép Nhật
Kể từ sau thảm họa hạt nhân Fukushima hồi năm 2011, chính phủ Nhật đã cho đóng cửa một loạt các nhà máy điện hạt nhân, khiến cho giá điện tại nước này tăng đáng kể.
Điều này đã khiến cho các nhà sản xuất thép bằng lò điện rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Công ty thép Chou Atsuen có trụ sở tại tỉnh Saitama (Nhật) và hai nhà sản xuất thép bằng lò điện khác đã đóng cửa nhà máy hồi năm 2014.
Hiện tại, nhờ giá thép vụn và giá dầu giảm, hầu hết các công ty thép Nhật đang phục hồi lại được một phần lợi nhuận. Tuy nhiên, với tình hình nhu cầu trong nước chững lại, nhiều công ty đang để mắt tới những mô hình sản xuất mới.
Tại nhà máy chính của Công ty Shimizu Steel ở Hokkaido, tỷ lệ sử dụng công suất nhà máy đang trên đà suy giảm khi Nhật Bản chi tiêu ít hơn vào các dự án công trình công cộng. Tuy nhiên, sự suy giảm này đang có chiều hướng chậm lại. Trong tháng 9, Shimizu đã bắt đầu sản xuất thép gân ren thường được sử dụng trong công nghiệp xây dựng.
Loại thép mà Công ty Shizumi sản xuất được gọi là Nejitetsukon và đây là một sản phẩm độc quyền của công ty Tokyo Tekko. Với thiết kế dạng xoắn tương tự như ốc vít, các thanh thép này có thể được nối vào nhau mà không cần hàn, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí thuê thợ hàn. Việc thiếu hụt công nhân xây dựng tại Nhật đã góp phần làm tăng thêm nhu cầu về các sản phẩm thép dạng này.
"Chúng tôi có quy mô nhỏ và cũng không dễ gì phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng cho riêng mình. Chúng tôi cần phải phát triển việc sản xuất theo hợp đồng cho các thương hiệu khác, nếu không sẽ không thể tồn tại được", Takashi Asayama, thành viên Hội đồng quản trị Shizumi cho biết.
Trong khi đó, một công ty sản xuất thép khác là Kyoei Steel đã bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng cảng quốc tế Thị Vải tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu của Việt Nam. Dự kiến cảng này sẽ đi vào hoạt động trong năm tài chính 2017.
Nhà máy sản xuất của Kyoei tại Việt Nam cũng đang nằm gần cảng này. Ngoài ra, hồi tháng 7, Kyoei cũng đưa vào hoạt động dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, với công suất 500.000 tấn phôi/năm.
"Việc có một cảng liên kết cho phép chúng tôi rút ngắn thời gian nhập khẩu và xuất khẩu sản phẩm so với các công ty khác. Điều đó sẽ giúp giảm bớt chi phí logistics", ông Yasuyuki Hirotomi, Phó Chủ tịch của Kyoei Steel cho biết.
Kyoei bắt đầu trở lại Việt Nam vào năm 1994 và kể từ đó tập trung vào gia công sản phẩm thép cuộn. Trong những năm gần đây, kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng, theo đó, nhu cầu về thép cũng tăng lên.
"Chúng tôi kỳ vọng nhu cầu sản phẩm thép sẽ tăng khoảng 15% so với năm 2015", Chủ tịch Mitsuhiro Mori nói.
Tình hình cạnh tranh trong ngành thép ngày càng khốc liệt tại Đông Nam Á. Tình trạng dư cung ở Trung Quốc khiến các sản phẩm thép của nước này tràn vào Việt Nam, đẩy giá xuống thấp. Do đó, Kyoei Steel quyết định vận hành cảng lẫn nhà máy sản xuất tại phía Nam Việt Nam nhằm gia tăng sản lượng và tăng ưu thế trong việc đàm phán giá cả.
Ông Mori cho biết: "Chúng tôi muốn tăng tỷ lệ xuất khẩu các sản phẩm thép từ các nhà máy phía Nam Việt Nam lên 20% trong 3 tới 4 năm nữa, từ mức 10% hiện tại".
Trong khi đó, Yamato Kogyo lại đang tìm cách thúc đẩy hoạt động kinh doanh tại Mỹ. Công ty này đã chi tổng cộng 186 triệu USD để liên doanh với nhà sản xuất thép của Mỹ là Nucor năm 1987.
Năm 2014, Yamato cải tiến nhà máy tại Mỹ để sản xuất thêm sản phẩm thép cho các công trình thủy lợi. Năm tới, Công ty sẽ cải thiện nhà máy sản xuất dầm thép cường lực, được thiết kế để tăng sức chịu động đất cho các tòa nhà cao tầng.
"Nhu cầu thép cho các dự án công trình dân dụng tại Mỹ khá lớn", một thành viên điều hành của Yamato Kogyo nhận định.
Hiện, Yamato Kygyo có cơ sở sản xuất tại Thái Lan, Hàn Quốc, Mỹ, Bahrain và Ả-rập Xê-út. Khoảng 70% doanh thu và lợi nhuận của Công ty đến từ các hoạt động ở nước ngoài. Đây được xem là doanh nghiệp tiên phong của Nhật trong việc tìm cách thâm nhập ra nước ngoài ở lĩnh vực sản xuất thép bằng lò điện.
"Thay vì đổ xô vào thị trường nước ngoài, có một điều quan trọng là các công ty cần phải đặt ra chiến lược dài hạn và các chiến dịch xây dựng niềm tin thương hiệu để giành được lòng tin từ khách hàng", Kazuhiro Harada, nhà phân tích cao cấp của SMBC Nikko Securities nhận định.
Chiến lược tiết kiệm năng lượng cũng quan trọng không kém. Công ty Tokyo Steel Manufacturing đã chi khoảng 6 tỷ yen cho một lò điện bỏ không tại nhà máy ở Okayama. Công ty sẽ lắp đặt một hệ thống lò đúc liên tục mới để khôi phục lò này và tạm dừng sản xuất tại lò khác của nhà máy. Bằng cách này, Công ty kỳ vọng sẽ cắt giảm 6% chi phí năng lượng.
Theo Hiệp hội Thép Thế giới, các lò điện trên toàn cầu đã sản xuất 430,25 triệu tấn thép trong năm 2014, tăng 18% so với sản lượng năm 2005.
Trường Văn
Nguồn Nikkei