Thứ Năm | 13/09/2012 20:10

Những ảnh hưởng từ công ty chứng khoán mất thanh khoản

10h sáng ngày T+3, các CTCK mới nhận được thông báo hủy hàng chục giao dịch có lệnh đối ứng từ Golden Brigde. CTCK trở tay không kịp, NĐT bức xúc.
Ghi nhận từ thị trường, gần đây, tần suất hủy lệnh dày đặc hơn, điều này đang xói mòn niềm tin của nhà đầu tư. Một hành động mạnh tay của cơ quan quản lý để chấn chỉnh tình trạng lộn xộn này đang là yêu cầu bức thiết.

Lệnh đã khớp nhưng 3 ngày sau bị hủy

Một nhà đầu tư phản ánh với báo Đầu tư chứng khoán, 9h30 ngày T+3, ông đặt lệnh mua cổ phiếu bằng số tiền đã bán cổ phiếu trước đó 3 ngày và được công ty chứng khoán (CTCK) báo lệnh được khớp. Lệnh mua đã khớp, nhưng khoảng 11h, CTCK thông báo ông phải nộp tiền vào tài khoản ngay, bởi lệnh bán cổ phiếu 3 hôm trước bị hủy. Lý do được đưa ra là: lệnh bán cổ phiếu của ông khớp vào tài khoản mua từ Golden Bridge, CTCK này không có khả năng thanh toán nên Trung tâm Lưu ký (VSD) hủy lệnh. Nhà đầu tư bức xúc với CTCK, bởi giá chứng khoán đã giảm.

CTCK cực chẳng đã phải giải thích với nhà đầu tư và làm công văn để giải quyết chính sách đền bù 10% giá trị cho nhà đầu tư. Theo quy định, CTCK vi phạm quy chế thanh toán phải bồi thường, song CTCK phản ánh, Golden Bridge không trả, gọi điện thì nhân viên nói đã chuyển lên cấp trên giải quyết, gọi điện cho Tổng giám đốc thì ông này không nhấc máy. Đây không phải lần đầu, sự việc lặp đi lặp lại nhiều lần và gây tâm lý ức chế, gây mất niềm tin cho nhà đầu tư.

Chưa hết, nếu như CTCK đã tự động hóa dịch vụ, thì nay lệnh bị hủy, họ phải thao tác thủ công. Đơn cử, lệnh nhà đầu tư khớp 1.000 cổ phiếu, trong đó 900 cổ phiếu được chấp thuận ở CTCK khác, chỉ bị hủy 100 cổ phiếu tại Golden Bridge. Trong trường hợp này, CTCK phải thực hiện các thao tác để hủy giao dịch đúng 100 cổ phiếu.

Chung tình cảnh từng bị hủy lệnh giao dịch là CTCK TPHCM (HSC). Ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc HSC cho biết, có hôm Công ty bán cổ phiếu DPM, hôm sau được thông báo bị hủy lệnh, lúc đó công ty đặt bán lại mã DPM đã thiệt vài giá, do chứng khoán giảm.

Khổ nhất là trường hợp lệnh hủy rơi vào các nhà đầu tư nước ngoài, CTCK phải thương thảo và giải thích đi giải thích lại cho họ hiểu đấy không phải lỗi của mình và là trường hợp bất khả kháng, nhưng nhà đầu tư vẫn thắc mắc: “Tại sao lệnh đã khớp tới vài ngày rồi mà lại bị hủy? Tại sao giao dịch chứng khoán lại thiếu kỷ luật như vậy?”.

Có trường hợp nhà đầu tư ứng trước tiền bán chứng khoán, lệnh hủy không áp dụng với toàn bộ lô cổ phiếu đã bán. CTCK dở khóc với những kiểu hủy lệnh một phần dạng này.

Trong danh sách hủy lệnh do Golden Bridge mất khả năng thanh toán vừa rồi có cả những lệnh của nhà đầu tư giao dịch qua DeustchBank. Chưa rõ phản ứng của nhà đầu tư nước ngoài sẽ ra sao.

“Vá lỗi” cách nào?

Hiện nay, hàng năm, các CTCK đều phải đóng góp cho Quỹ hỗ trợ thanh toán, nhưng cơ chế sử dụng quỹ này, theo các CTCK, chỉ sử dụng trong thời gian ngắn. Những trường hợp mất khả năng thanh toán kéo dài hoặc lặp lại sẽ không được hỗ trợ.

Giám đốc môi giới một CTCK đề xuất, cơ quan quản lý phạt nặng những trường hợp CTCK mất khả năng thanh toán, vi phạm lần thứ hai thì rút tư cách thành viên.

Tổng giám đốc một CTCK cho rằng, cần có cơ chế cảnh báo trên thị trường. Vào cuối phiên giao dịch, CTCK sẽ biết được ngay lệnh đối ứng từ CTCK khác, những CTCK có tên trong “danh sách đen” thì các công ty khác sẽ thận trọng trong cung cấp dịch vụ tài chính cho nhà đầu tư.

Ông Giang chia sẻ quan điểm, cần phải hạn chế tối đa các trường hợp hủy giao dịch, bởi nó thể hiện một thị trường thiếu chuyên nghiệp. Trong những trường hợp tương tự, tại các nước, quỹ bảo hiểm thanh toán sẽ trích tiền từ quỹ để thanh toán các giao dịch. CTCK vi phạm sau đó phải hoàn trả tiền và bị phạt nặng, số tiền phạt có thể gấp đôi giá trị lệnh đã khớp.

“Hủy lệnh vẫn có thể xảy ra, nhưng rất hãn hữu. Kỷ luật thanh toán không nghiêm, phạt không nặng sẽ dẫn đến tình trạng nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường”, ông Giang nói.

Với các quy định pháp luật hiện nay, không khó để các cơ quan quản lý thị trường thắt chặt kỷ luật thanh toán. Các quy định của VSD và Bộ Tài chính trao quyền cho tổ chức này thực hiện thu hồi giấy chứng nhận thành viên lưu ký. Căn cứ để xem xét dựa trên khả năng khắc phục vi phạm của thành viên theo yêu cầu của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và VSD trong trường hợp bị đình chỉ tạm thời hoạt động lưu ký chứng khoán. Đồng thời, cơ quan quản lý thị trường có thể căn cứ trên những đánh giá về điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật đảm bảo hoạt động lưu ký và tình hình tài chính của thành viên trong trường hợp không duy trì được các điều kiện đã đăng ký hoạt động.

Trong thời gian gần đây, thị trường cũng đã chứng kiến nỗ lực rất lớn của VSD để đảm bảo sự vận hành thông suốt của thị trường. ĐTCK sẽ tiếp tục chuyển tải những nội dung chủ yếu của Đề án tái cấu trúc TTCK Việt Nam là tái cấu trúc khối CTCK theo hướng giảm số lượng và nâng chất lượng. Nhìn vào thực tế hiện nay có thể thấy, việc tái cấu trúc dường như đang diễn ra rất chậm so với kế hoạch. Siết chặt kỷ luật thanh toán và mạnh tay lọc bỏ các CTCK yếu kém đang là đòi hỏi cấp bách từ thị trường.

Nguồn Đầu tư chứng khoán


Sự kiện