Những ai đang sở hữu Ngân hàng Đông Á?
Từ 14/8 các cổ đông DongABank không được chuyển nhượng cổ phần. Ông Trần Phương Bình và người liên quan hiện đang sở hữu trên 22,7% vốn DongABank. Thành ủy TP.HCM cũng là cổ đông lớn sở hữu gần 6,9% vốn nhưng hiện không có đại diện trong Hội đồng quản trị ngân hàng.
Sau hơn 1 tuần rơi vào diện kiểm soát đặc biệt, tối 20/8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định đình chỉ quyền và nghĩa vụ của Ông Trần Phương Bình đối với chức danh thành viên Hội đồng quản trị và chức danh Tổng Giám đốc DongABank và Bà Nguyễn Thị Ngọc Vân đối với chức danh Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á (DongABank - DAB).
NHNN cũng chỉ định ông Võ Hải Nam, Giám đốc Ban Quản lý rủi ro tín dụng – Ngân hàng BIDV làm Tổng Giám đốc DAB thay thế Ông Trần Phương Bình; và ông Phạm Thế Nguyên, Phó Giám đốc chi nhánh Sở giao dịch 2 của BIDV làm Phó Tổng Giám đốc DAB thay thế Bà Nguyễn Thị Ngọc Vân.
NHNN cho biết, qua thanh tra toàn diện và giám sát, NHNN đã phát hiện nhiều vi phạm pháp luật tại DAB, và việc chỉ định các cán bộ của BIDV nhằm tăng cường kiểm soát, bảo đảm hoạt động của DAB được an toàn và bảo vệ đầy đủ quyền lợi của người gửi tiền, các quyền, nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan theo quy định của pháp luật.
Tương lai DongABank sẽ như thế nào vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ và chờ đợi các quyết định tiếp theo từ Ngân hàng Nhà nước.
Đáng chú ý, các cổ đông của DongABank còn không được bán cổ phần kể từ ngày 14/8 - ngày ngân hàng bắt đầu bị kiểm soát đặc biệt. Trường hợp đặc biệt, NHNN sẽ xem xét chuyển nhượng cổ phần DongA Bank trên cơ sở đề xuất của Ban Kiểm soát đặc biệt.
Cơ cấu cổ đông của ngân hàng này cũng khá đa dạng, có cả vốn của Nhà nước (Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh), của các công ty tư nhân, của các cá nhân và tất nhiên là cả gia đình ông cựu Tổng giám đốc.
Cụ thể, ông Trần Phương Bình, vợ là bà Cao Thị Ngọc Dung cùng 3 con gái Trần Phương Ngọc Thảo, Trần Phương Ngọc Giao và Trần Phương Ngọc Hà đang sở hữu tổng cộng 9,62% cổ phần, tương ứng với lượng cổ phiếu có mệnh giá 480 tỷ đồng.
Công ty VBĐQ Phú Nhuận (PNJ) – nơi bà Ngọc Dung đang là Tổng giám đốc – là cổ đông lớn của DongABank với tỷ lệ nắm giữ 7,7% cổ phần với giá vốn đầu tư là 395 tỷ đồng.
Em gái của bà Dung, bà Cao Thị Ngọc Hồng là người đại diện theo pháp luật của CTCP Vốn An Bình – một cổ đông lớn khác đang nắm giữ 5,4% cổ phần của DongA Bank.
Tổng cộng ông Trần Phương Bình cùng những người liên quan đang giữ 22,72% cổ phần DongABank.
Một cái tên mới xuất hiện trong cơ cấu cổ đông của DongABank từ năm 2015 là Công ty Cổ phần Xây dựng 79 đang sở hữu 50 triệu cổ phiếu ngân hàng tương đương 10% vốn của ngân hàng - là cổ đông lớn nhất. Công ty này có trụ sở chính tại Đà Nẵng, được thành lập từ năm 2002, hoạt động kinh doanh đa ngành như xây dựng, bất động sản, khách sạn, nhà hàng... Phần vốn của công ty ở DongABank có giá 500 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của công ty là 700 tỷ đồng.
Một cổ đông nữa đang sở hữu DongABank với hơn 34,3 triệu cổ phần, tương ứng 6,87% vốn của DongABank đó là Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh. Trước đây khi còn làm chủ tịch HĐQT, ông Phạm Văn Bự là đại diện vốn của Thành ủy ở DongABank. Sau khi ông Bự về hưu năm 2014, ông Nguyễn Quốc Hùng, phó chánh văn phòng Thành ủy là người đại diện vốn của Thành ủy và làm thành viên HĐQT ngân hàng.
Tháng 2/2015, ông Nguyễn Quốc Hùng thôi không còn đại diện vốn cho Thành ủy ở DongABank, đồng thời đương nhiên thôi là thành viên HĐQT, vì ông Hùng được điều động sang làm công tác khác ở Thành ủy.
Trước thềm ĐHCĐ của ngân hàng, DongABank đã gửi tới cổ đông danh sách một đại diện khác tham gia vào HĐQT DongABank nhiệm kỳ 2015 – 2020 là ông Huỳnh Phước Long, trưởng phòng quản lý đầu tư – kinh doanh vốn Văn phòng thành ủy làm ứng viên HĐQT. Tuy nhiên, ông Long chưa kịp ứng cử vì DongABank vẫn chưa bầu nhân sự mới tại đại hội ngày 21/7 vừa qua. Hiện Thành ủy không ai đại diện vốn ở DongABank.
Thêm một cổ đông khác của ngân hàng là Công ty TNHH Một thành viên Xây dựng Kinh doanh Nhà Phú Nhuận sở hữu hơn 10,7 triệu cổ phần, tương ứng với 2,14% vốn của DongABank.
Công ty TNHH MTV Du lịch thương mại Kỳ Hòa cũng sở hữu hơn 18,9 triệu cổ phần tương ứng 3,78% vốn điều lệ của ngân hàng. Còn lại gần 60% cổ phần khác thuộc về các cổ đông khác.
Nguồn Trí thức trẻ