Những ai đang chi phối nguồn cung dầu thế giới?
Các tập đoàn cung cấp dầu cho thị trường thế giới hiện chia làm 3 loại. Sự khác biệt về chiến lược hoạt động và mục tiêu liên quan sản lượng khiến 3 loại tập đoàn này mang những đặc trưng riêng biệt.
Thứ nhất, các tập đoàn dầu quốc tế (IOC) với những cái tên quen thuộc như ExxonMobil, BP, Royal Dutch Shell toàn bộ thuộc sở hữu của các nhà đầu tư. Các IOC thường hướng tới nâng cao giá trị cổ đông và đưa ra các quyết định đầu tư dựa trên tình hình kinh tế. Vì thế mục tiêu của IOC thường là tăng trưởng nhanh và xây dựng nguồn cung dầu sẵn có để bán ra thị trường toàn cầu. Mặc dù IOC chịu ảnh hưởng của luật pháp tại các quốc gia sản xuất, các quyết định được đưa ra vẫn dựa trên mục tiêu của tập đoàn chứ không theo chính phủ.
Loại thứ hai là các tập đoàn dầu quốc gia (NOC) hoạt động trên danh nghĩa là một cơ quan thuộc chính phủ. Hoạt động của các NOC loại này dựa theo kế hoạch của chính phủ cả về mặt tài chính và mặt chiến lược. NOC cung cấp nhiên liệu cho thị trường nội địa với giá thấp hơn giá thế giới và chiến lược dữ trữ cũng không giống với các tập đoàn thương mại. Hoạt động của NOC cũng có thể hướng đến hàng loạt các mục tiêu không định hướng thị trường như việc làm, chính sách ngoại giao, trợ giá nội địa…Tất cả các NOC thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) thuộc loại này.
Loại thứ ba là các NOC có quyền tự chủ về chiến lược và hoạt động chức năng như một thực thể công ty, không thuộc chính phủ. Petrobas của Brazil, Staoil của Na Uy là các tập đoàn thuộc loại này. Các NOC loại này thường hướng đến cân bằng giữa việc theo đuổi lợi nhuận và việc ủng hộ các mục tiêu của chính phủ.
Các nước OPEC hợp tác để chi phối nguồn cung dầu thế giới
OPEC là một nhóm các quốc gia có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới gồm 12 nước: Iran, Iraq, Kuwait, Ảrập Xêút, Qatar, Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, Algeria, Angola, Ecuador, Libya, Nigeria, Venezuela.
Các nước này hợp lại đang điều khiển khoảng 70% tổng dự trữ dầu và chiếm khoảng 41% nguồn cung dầu toàn cầu. Lượng dầu xuất khẩu bởi OPEC chiếm 60% tổng lượng thương mại dầu toàn cầu. Với thị phần khổng lồ này, OPEC hoàn toàn có thể nắm quyền định đoạt thị trường dầu thế giới.
Các chính phủ cũng là “người chơi chính” trên thị trường
Ngoài việc chi phối các tập đoàn dầu quốc gia (NOC), các chính phủ cũng có thể đặt ra hàng loạt quy định mà các tập đoàn thương mại phải tuân thủ khi tiếp cận khai thác các nguồn dầu mỏ. Các quy định này có thể rơi vào 4 trường hợp. Theo đó, chính phủ sẽ quy định các tập đoàn được tiếp cận bao nhiêu phần trăm nguồn dầu mỏ và các yêu cầu phải tuân thủ trong từng trường hợp.
Qua đó, chính phủ các nước có trữ lượng dầu lớn có thể trực tiếp chi phối nguồn cung dầu thế giới. Việc bị hạn chế tiếp cận nguồn dầu mỏ có thể khiến các tập đoàn thương mại phải thay đổi kế hoạch sản xuất hoặc liên kết với các NOC để tăng quyền khai thác. Việc làm này lại càng tăng thêm quyền lực của chính phủ lên thị trường dầu thế giới.
Nguồn EIA/Khampha