
Sự cạnh tranh từ các đối thủ nước ngoài ngày càng gay gắt.
Nhựa xây dựng đổi màu
Quý IV/2024 là giai đoạn cao điểm của doanh nghiệp trong ngành xây dựng khi thị trường bất động sản dân dụng có dấu hiệu hồi phục. Hưởng lợi từ xu hướng này là Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (mã NTP) và Nhựa Bình Minh (mã BMP), bởi đây là 2 công ty sản xuất vật liệu nhựa xây dựng với sản phẩm chính là ống nhựa có thị phần lớn nhất tại Việt Nam.
Dựa trên kết quả kinh doanh hiện tại, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam dự báo doanh thu năm 2024 của Nhựa Tiền Phong đạt 5.438 tỉ đồng và lãi ròng đạt 725 tỉ đồng, lần lượt tăng 5% và 30% so với năm 2023. Còn theo dự báo của Công ty Chứng khoán VDSC, lợi nhuận sau thuế của Nhựa Bình Minh có thể đạt 1.042 tỉ đồng. Đây là kết quả khả quan vì năm 2023, do ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường bất động sản, sản lượng bán hàng của các doanh nghiệp nhựa xây dựng có xu hướng giảm. Doanh nghiệp muốn chuyển từ thua lỗ sang có lãi hoặc giảm lỗ buộc phải tối ưu hóa quy trình s ản xuất và giảm chi phí.
![]() |
Hiện Nhựa Tiền Phong giữ vị thế dẫn đầu trong sản xuất, kinh doanh ống nhựa xây dựng và phụ tùng nhựa tại Việt Nam, chiếm tới 60% thị phần ngành nhựa miền Bắc và hơn 30% thị phần cả nước. Nhiều năm trở lại đây, Ban lãnh đạo Nhựa Tiền Phong kiên định với chiến lược kinh doanh hiện nay, duy trì giá bán thấp hơn đối thủ để đồng hành cùng khách hàng. Chẳng hạn, Công ty đã giảm giá bán các sản phẩm 2 lần trong năm 2023, mỗi lần 5% trong bối cảnh sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt khi thị trường bất động sản, xây dựng chững lại. Điều này khiến doanh thu của Nhựa Tiền Phong hụt mất 413 tỉ đồng, tương đương giảm 7%.
Đối với Nhựa Bình Minh, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam cho biết, việc suy giảm thị phần ở công ty này (từ mức 28% thị phần năm 2021 giảm về 23% nửa đầu năm 2024) là điều có thể lường trước, khi Nhựa Bình Minh ưu tiên duy trì hiệu quả sinh lời ở mức cao nhằm gia tăng cổ tức tiền mặt, khiến chính sách chiết khấu kém cạnh tranh hơn. Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sakchai Patiparnpreechavud cho biết trước tình trạng thị phần thu hẹp, Nhựa Bình Minh đã và đang đưa ra sản phẩm mới, đi vào phân khúc thị trường tiềm năng.
Ngành nhựa xây dựng được chia ra thành 2 phân khúc chính là ống nhựa xây dựng và nhựa vật liệu xây dựng. Ống nhựa xây dựng có 4 doanh nghiệp lớn là Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, Ống nhựa Hoa Sen, Tân Á Đại Thành chiếm 80-90% thị phần. Trong đó, các sản phẩm chủ lực của Nhựa Tiền Phong và Nhựa Bình Minh khá tương đồng nhau từ nhựa PVC dùng trong xây dựng và dân dụng đến các dòng sản phẩm HDPE và PPR.
![]() |
Nhiều năm qua, các doanh nghiệp nhựa lớn như Nhựa Tiền Phong hay Nhựa Bình Minh đều có các đối tác ngoại, tạo ra vị thế cạnh tranh nhất trong ngành với “Bắc Tiền Phong, Nam Bình Minh”. Chẳng hạn, sau khi hoàn tất thâu tóm, khoản đầu tư vào Nhựa Bình Minh đã đem lại mức lãi cao ấn tượng cho The Nawaplastic Industries (Thái Lan). Cổ phiếu BMP đã có 18 lần vượt đỉnh trong năm 2024, đẩy vốn hóa thị trường của Nhựa Bình Minh vượt 11.000 tỉ đồng, lập kỷ lục kể từ khi niêm yết vào năm 2006.
Trong khi đó, sau khi sở hữu 23,84% cổ phần của Nhựa Tiền Phong, đến năm 2017 Nawaplastic đã thoái toàn bộ vốn và được Sekisui Chemical mua lại. Nếu mua trọn lô cổ phiếu thoái vốn từ Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), cổ đông Nhật Sekisui Chemical có thể nắm quyền chi phối tại đây. Các đối tác ngoại này mang đến công nghệ cũng như khả năng quản trị giúp doanh nghiệp có thể đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng trong thời gian tới.
Theo Mordor Intelligence, quy mô thị trường nhựa Việt Nam được dự báo đạt 16,36 triệu tấn vào năm 2029 từ mức 10,92 triệu tấn năm 2024 với tốc độ tăng trưởng CAGR 8,44% trong giai đoạn 2024-2029. Ngành nhựa có 4.000 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, mang lại doanh thu năm 2023 lên tới 25 tỉ USD. Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế toàn cầu, nhưng các chính sách kích cầu và hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đã góp phần duy trì mức tăng trưởng của ngành nhựa xây dựng Việt Nam. Thị trường bất động sản hồi phục sẽ kéo theo nhu cầu tiêu thụ nhựa xây dựng nói chung và ống nhựa nói riêng khởi sắc hơn trong năm 2025.
Báo cáo của Agriseco cho thấy giá hạt nhựa PVC kỳ vọng duy trì mức thấp sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2025, qua đó giúp các doanh nghiệp sản xuất ống nhựa xây dựng như Nhựa Tiền Phong và Nhựa Bình Minh cải thiện biên lợi nhuận gộp. Báo cáo của Công ty Chứng khoán FPTS cũng cho rằng sản lượng tiêu thụ của Nhựa Bình Minh sẽ phục hồi rõ nét hơn từ năm 2025, tăng khoảng 7,8%/năm giai đoạn 2025-2026.
Tuy nhiên, ngành này cũng đối mặt với không ít thách thức. Những yêu cầu về xanh hóa và số hóa ngày càng cao từ thị trường và các chính sách bảo vệ môi trường đang gây áp lực lớn cho doanh nghiệp. Thêm vào đó, sự cạnh tranh từ các đối thủ nước ngoài ngày càng gay gắt, trong khi phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu khiến ngành dễ bị gián đoạn nguồn cung.
Ông Hoàng Đức Vượng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, cho rằng muốn nâng cao lợi ích kinh tế của ngành nhựa, doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ tái chế và phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Theo đuổi mục tiêu này, Nhựa Bình Minh liên tục triển khai các hoạt động chuyển đổi xanh vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Công ty đã được Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC) cấp chứng nhận “Lotus Green Product”.
Sản xuất hơn 100.000 tấn nhựa mỗi năm nên theo ông Trần Nhật Ninh, Phó Tổng Giám đốc Nhựa Tiền Phong, những năm gần đây, Công ty đầu tư hệ thống công nghệ để hướng tới giảm công suất sử dụng điện, giảm tỉ lệ phế thải và nâng cao khả năng tái chế nhằm hạn chế rác thải xây dựng. Công ty xác định đây là lợi thế khi mở rộng kinh doanh trong mảng bất động sản công nghiệp trong bối cảnh nhiều khu công nghiệp truyền thống đang chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái. “Nhựa Tiền Phong xác định đây là một thị trường tiềm năng lớn, bên cạnh mảng bất động sản nhà ở, thị trường nông nghiệp, thị trường dân dụng”, ông Ninh cho biết.