Thủy Ngọc Thứ Năm | 07/06/2018 14:00

Nhựa mạnh tay M&A để cạnh tranh với người Thái

Nhựa Rạng Đông (RDP), Công ty đứng đầu về nhựa bao bì, vừa đưa vào hoạt động giai đoạn 1 nhà máy Long An.

Ngành nhựa dập dềnh sóng M&A

SOS ô nhiễm nhựa!


Rạng Đông bắt tay Sojiz Pla-Net

Đây là dự án mà Nhựa Rạng Đông đã bắt tay với Sojitz Pla-Net (Nhật) cùng thực hiện. Trong đó, Nhựa Rạng Đông góp 80% trong tổng 32 triệu USD vốn đầu tư, còn lại là vốn góp của Sojitz Pla-Net.

Sojitz Pla-Net là đơn vị kinh doanh ngành nhựa có tiếng ở Nhật, chuyên về các sản phẩm chất dẻo kỹ thuật, có doanh thu khoảng 200 tỉ yen và mở rộng hoạt động ở 17 quốc gia trên thế giới. Trong lĩnh vực bao bì nhựa, Sojitz Pla-Net đã tham gia nắm giữ 20% tại Nhựa Rạng Đông Long An để cùng Nhựa Rạng Đông đầu tư nhà máy mới. Giai đoạn 1 của nhà máy vừa đi vào vận hành, hứa hẹn giúp Nhựa Rạng Đông kiểm soát nguyên liệu và đạt các mục tiêu kinh doanh. 

Ngoài ra, Sojitz Pla-Net cam kết sẽ hỗ trợ, hợp tác với Nhựa Rạng Đông trong cung cấp nguyên liệu thô, hỗ trợ Công ty bán hàng qua hệ thống của Sojitz và giúp Nhựa Rạng Đông xuất khẩu sang các thị trường lân cận.

Có thể thấy, bắt tay với Sojitz Pla-Net và xây dựng nhà máy mới là 2 bước chuyển đổi đáng kể ở Nhựa Rạng Đông. Ngoài ra, Công ty còn định hướng tổ chức lại doanh nghiệp theo mô hình công ty mẹ-con, mở rộng thêm ngành nghề cho mục tiêu tạo thành chuỗi sản xuất cung ứng. Đây là lý do vì sao Nhựa Rạng Đông đầu tư 40% vốn điều lệ vào Công ty Tiếp vận Song Dũng. Nhựa Rạng Đông cũng sẽ nghiên cứu thêm nhiều sản phẩm mới, tăng mạng lưới phân phối, tăng xuất khẩu... với mục tiêu tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận và mở rộng thị phần.

Không riêng Nhựa Rạng Đông mà ngành nhựa thời gian qua đã chứng kiến làn sóng mua bán sáp nhập (M&A) mạnh. Có thể kể đến các thương vụ như SCG mua Nhựa Tín Thành, tham gia góp vốn trong nhiều công ty (Việt Thái Plastchem, Chemtech, Nhựa và Hóa chất TPC Vina, Minh Thái...). Còn Dongwon Systems Corporation ( Hàn Quốc) thì mua lại Công ty Bao bì Minh Việt từ Masan và sở hữu hơn 97% vốn ở Nhựa Tân Tiến. Hay Meiwa Pax Group (Nhật) chi 16,5 triệu USD mua Công ty Bao bì Sài Gòn (Sapaco); Oji Holdings Corporation (Nhật) mua Bao bì United; Sagasiki Vietnam (Nhật) mua Công ty In và Bao bì Goldsun...

Các công ty nhựa Việt Nam đã chấp nhận mở toang cánh cửa vì lo ngại cạnh tranh. Hiện tại, riêng trong ngành ống nhựa đã có khoảng 200 doanh nghiệp tham gia. Thị trường còn ghi nhận nhiều tên tuổi mới như Hoa Sen, Tân Á Đại Thành. Đó là chưa kể sự thâm nhập của nhựa Trung Quốc, Thái Lan, Nhật... Báo cáo thường niên của Nhựa Bình Minh (BMP) cho hay, với cạnh tranh ngày càng gia tăng, việc duy trì tăng trưởng doanh thu và giữ vững vị thế đứng đầu ngành ống nhựa là một thách thức không nhỏ cho Nhựa Bình Minh. 

Công ty đã phải chấp nhận không tăng giá bán dù giá nguyên liệu nhựa đã tăng mạnh, chấp nhận tăng chiết khấu cho các đại lý thêm 4%. Nhựa Bình Minh cũng phải chi mạnh cho quảng bá và đưa thêm những sản phẩm mới như ống nhựa PP-R, PVC-U ra thị trường. Tất cả khiến tỉ suất lợi nhuận của Nhựa Bình Minh không thể cao như trước. 

Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng Giám đốc Nhựa Bình Minh, thừa nhận, Công ty đã đi qua năm 2017 khá vất vả. Dù vậy, Nhựa Bình Minh vẫn giữ vị thế của một doanh nghiệp có thương hiệu mạnh (40 năm), có quy mô sản xuất lớn (với 4 nhà máy), có hệ thống phân phối rộng khắp (hơn 1.600 cửa hàng cả nước), có mối quan hệ bạn hàng khắng khít. 

Chấp nhận đổi chủ

Nhưng để chắc chân trong một thị trường nhựa đã bị các đại gia Thái Lan, Nhật thâu tóm, Nhựa Bình Minh chấp nhận đổi chủ. Nawaplastic, một công ty con thuộc Tập đoàn SCG của Thái Lan, chính thức nắm 51,1% cổ phần tại Nhựa Bình Minh (15.5). Phía SCG cho biết sẽ dùng kinh nghiệm của mình để hỗ trợ tích cực cho Nhựa Bình Minh. Còn ông Lê Đăng Doanh, cựu Chủ tịch Nhựa Bình Minh, chỉ mong dù có chủ mới, Công ty vẫn giữ được chính sách hài hòa lợi ích các bên cổ đông, người lao động. 

Sắp tới, Nhựa Bình Minh vẫn sẽ theo đuổi chiến lược tập trung vào mảng cốt lõi (ống nhựa), đa dạng hóa sản phẩm, hướng tới nhiều phân khúc cũng như tăng cường bán hàng, tiêu thụ sản phẩm qua đấu thầu các dự án, công trình. Đặc biệt, Nhựa Bình Minh sẽ liên doanh liên kết với các nhà sản xuất vật liệu xây dựng, các nhà tư vấn, thiết kế, nhà thầu xây dựng... để tạo thành chuỗi liên kết. Công ty cũng sẽ xem xét xuất khẩu trong khu vực Đông Dương.

Nhua manh tay M&A de canh tranh voi nguoi Thai
 

 Về phần SCG, theo nhận định của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), SCG cần Nhựa Bình Minh như một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị ngành hóa dầu mà SCG đang tập trung đầu tư tại Việt Nam. Trong kế hoạch, đến năm 2023, tổ hợp hóa dầu Miền Nam mà SCG đầu tư, có quy mô đầu tư 5,4 tỉ USD sẽ đi vào hoạt động và Nhựa Bình Minh sẽ dùng nguyên liệu do tổ hợp này cung cấp. 

Nguyên vật liệu của ngành nhựa Việt Nam hiện phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Theo chia sẻ của ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), cũng là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc ở Nhựa Rạng Đông, mỗi năm ngành nhựa Việt Nam cần trung bình 2-2,5 triệu tấn nguyên vật liệu nhựa nhưng trong nước chỉ có khả năng đáp ứng được 800.000 tấn, còn lại phải nhập khẩu. Điều này khiến sản phẩm nhựa của doanh nghiệp Việt khó lòng cạnh tranh với các nước.

Để đối phó, Nhựa Tiền Phong (NTP), công ty chiếm 60% thị phần nhựa xây dựng phía Bắc, cũng quyết định bắt tay với Sekisui Chemical (Nhật). Tập đoàn này đã mua 25% cổ phần ở Tiền Phong phía Nam và nhận chuyển nhượng 15% vốn ở Nhựa Tiền Phong từ tay Nawaplastic.

Sekisui Chemical (chuyên sản xuất ống nhựa, thủy tinh) đã tham gia vào Việt Nam từ năm 2013 khi bán các sản phẩm của Sekisui cho các dự án ODA và nhiều dự án khác. Riêng Sekisui và Nhựa Tiền Phong từng có mối quan hệ làm ăn qua việc lập liên doanh bán hàng. Với hoạt động đầu tư rót vốn vào năm ngoái, Sekisui cam kết thúc đẩy xây dựng cơ sở sản xuất, mở rộng hệ thống phân phối, chuyển giao công nghệ cho Nhựa Tiền Phong. 

Với sự giúp sức của Sekisui, Nhựa Tiền Phong kỳ vọng có thể chiếm lĩnh thị trường nội địa cũng như lấn sân sang các thị trường khác. Bởi Sekisui Chemical có thể giúp Nhựa Tiền Phong tham gia cung cấp sản phẩm cho các dự án ODA của Nhật ở Đông Nam Á. Công ty cũng xem xét mở rộng thêm ngành nghề mới do Sekisui Chemical còn là một trong những công ty kinh doanh  sản phẩm ngành nước và môi trường hàng đầu ở Nhật. 

Rõ ràng, trong một sân chơi do các đại gia Nhật, Thái Lan... làm chủ, doanh nghiệp nhựa Việt Nam nếu đứng một mình sẽ khó tạo được những cú hích lớn. Vì thế, bắt tay với đối tác ngoại được xem là bước đi cần thiết để các công ty tạo được lợi thế cạnh tranh mới cũng như có được những cơ hội phát triển tốt hơn.