Công ty trình phương án dùng 99% lợi nhuận sau thuế năm 2020 để chia cổ tức cho cổ đông. Ảnh: TL.
Nhựa Bình Minh trình phương án dùng 99% lợi nhuận sau thuế năm 2020 để chia cổ tức
Theo đánh giá của Nhựa Bình Minh, năm 2020 là năm bất thường, gần như các quyết định của ban điều hành Công ty diễn ra hàng tuần, thậm chí hàng ngày. Dịch COVID-19 là rủi ro không thể dự báo được và có ảnh hưởng đến sức mua của thị trường nhưng không quá nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, các nhà sản xuất nhựa mới luôn tìm cách lôi kéo hệ thống phân phối của Nhựa Bình Minh bằng chiết khấu nhiều hơn, lợi ích nhiều hơn…Đồng thời, từ đầu năm 2020 đến đầu quý III diễn biến giá nguyên liệu rất thuận lợi nhưng sang đến quý IV tăng cao và kéo dài cho đến hiện nay.
Kết thúc 2020, Nhựa Bình Minh ghi nhận sản lượng tăng 5% so với năm trước, sản lượng ống PVC chiếm tỷ trọng lớn nhất trên 90%. Doanh thu năm 2020 đạt 4.700 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 523 tỉ đồng, lần lượt tăng 8% và 24% so với thực hiện năm trước. Theo vị Tổng giám đốc, lợi nhuận tăng trong năm 2020 một phần nhờ hưởng lợi nguyên liệu nhựa giá thấp trong quý đầu năm, cùng với hàng loạt giải pháp của bộ phận quản lý thị trường để đạt biên lợi nhuận tốt hơn.
Doanh thu năm 2020 đạt 4.700 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 523 tỉ đồng, lần lượt tăng 8% và 24% so với thực hiện năm trước. Ảnh: TL. |
Trong Đại hội cổ đông ngày 27.4, công ty trình phương án dùng 99% lợi nhuận sau thuế năm 2020 để chia cổ tức cho cổ đông. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ chi 517 tỉ đồng để chia cổ tức, tương ứng tỷ lệ 63,2% (1 cổ phiếu nhận được 6.320 đồng), mức kỷ lục. Cổ tức 2020 được chia làm 3 đợt, công ty đã tạm ứng đợt 1 tỷ lệ 28,4% (2.840 đồng/cp).
Đánh giá về thị trường trong 2021, theo ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc Nhựa Bình Minh, chia sẻ: Dịch COVID-19 vẫn là ẩn số chưa đánh giá hết được tác động, nếu còn tiếp diễn sẽ làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và làm giảm nhu cầu tiêu thụ.
Đồng thời, giá bột PVC hiện nay đã tăng 1,9 lần so với giá bình quân 2020 và tăng 2,8 lần so với giá thấp nhất năm 2020. “Đây là thách thức cực kỳ lớn, giá nguyên liệu chiếm khoảng 60-70% giá thành của Nhựa Bình Minh”, ông Hoàng Ngân, chia sẻ.
Ngoài ra, không chỉ giá nguyên liệu tăng cao mà nguồn cung còn bị hạn chế do chuỗi cung ứng bị đứt gãy nặng nề. Trong trường hợp giá tăng cao, Nhựa Bình Minh muốn mua nhiều nguyên liệu hơn cũng chưa chắc đã mua được. Do vậy, bài toán về hàng tồn kho cho những thời điểm thuận lợi hay không thuận lợi rất khó thực hiện đối với doanh nghiệp.
Hiện nay, tất cả các yếu tố đầu vào của công nghiệp xây dựng, hạ tầng đều tăng như thép xây dựng, xi măng, gạch, sơn…Điều này có thể dẫn đến hoạt động xây dựng giảm xuống, ảnh hưởng gián tiếp hoạt động của Nhựa Bình Minh.
Từ đầu năm, doanh nghiệp đã tăng giá bán 14%, thấp nhất trong các nhà sản xuất hiện nay với bình quân là 20% và cao nhất là 28% mà vẫn không bù đắp được tăng giá nguyên liệu. Trước nhiều thách thức, ông Hoàng Ngân, chia sẻ: “Chúng tôi không lo tăng trưởng về sản lượng, doanh thu nhưng cực kỳ lo về lợi nhuận. Giữ lại mức lợi nhuận tương đương năm 2020 là thách thức lớn”.
Năm nay, ban lãnh đạo trình mục tiêu sản lượng 115.000 tấn, tăng 4% so với thực hiện 2020. Doanh thu kế hoạch 5.200 tỉ đồng, tăng 11% so với thực hiện năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đi ngang ở mức 523 tỉ đồng, tỷ lệ cổ tức tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế.