Ảnh: T.L
Nhựa Bình Minh thăng hoa trong tay người Thái
Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (mã BMP) trong quý II có lợi nhuận gộp tăng 46,8% lên 572,7 tỉ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận kỷ lục doanh nghiệp đạt được trong một quý. Trên thị trường chứng khoán, trong tháng 7, cổ phiếu BMP từng tăng trần lên mức 101.600 đồng, giúp vốn hóa thị trường của Công ty tăng thêm hơn 3.560 tỉ đồng, đạt 8.300 tỉ đồng. Con số này đưa Nhựa Bình Minh tiếp tục duy trì vị thế là doanh nghiệp giá trị nhất ngành nhựa trên sàn chứng khoán.
Trên đỉnh lợi nhuận
Đà tăng mạnh của cổ phiếu BMP diễn ra trong bối cảnh sự sụt giảm của giá dầu khiến giá nguyên liệu đầu vào (PVC, PE) giảm, qua đó kỳ vọng lợi nhuận các doanh nghiệp ngành nhựa được cải thiện. Mặc dù vậy, kết quả kinh doanh của Nhựa Bình Minh vẫn trở thành “hiện tượng” khi thị trường nhựa Việt Nam lao dốc từ nửa cuối năm 2022. Năm 2022, tăng trưởng ngành nhựa Việt Nam đạt 1,9%, là năm thấp nhất sau hơn 1 thập niên tăng trưởng liên tục trên 15%, có năm trên 30%.
Ngay cả đối thủ của Nhựa Bình Minh là Nhựa Tiền Phong tăng trưởng âm trong quý I do chi phí tăng cao và hụt thu mảng đầu tư... Cần lưu ý là trong suốt nhiều năm, doanh thu của Nhựa Tiền Phong luôn cao hơn cho đến trước khi bị Nhựa Bình Minh bắt kịp và vượt qua vào năm 2020. Cách đây hơn thập kỷ, cả 2 doanh nghiệp này đã tạo ra hàng ngàn tỉ đồng doanh thu mỗi năm.
Thiết lập đỉnh mới về kinh doanh của Nhựa Bình Minh ghi dấu ấn sự hiện diện hiệu quả của các cổ đông Thái Lan, trong đó có The Nawaplastic Industries (Saraburi) - một thành viên của Tập đoàn SCG đến từ Thái Lan. Doanh nghiệp này hiện là cổ đông chi phối Nhựa Bình Minh khi nắm giữ 55% vốn điều lệ. Tính ra, sau hơn 11 năm đầu tư vào Nhựa Bình Minh, cổ đông Thái Lan bỏ túi hơn 1.800 tỉ đồng tiền lãi, chưa kể cổ tức.
Dấu ấn của Nhựa Bình Minh cũng cho thấy người Thái đang bước vào giai đoạn hoàn tất việc chinh phục thị trường nhựa Việt Nam. Họ đã xây dựng bài bản hệ thống phân phối chuyên nghiệp trước tiềm năng hấp dẫn của thị trường này. Theo ước tính của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, doanh thu ngành năm 2022 đã đạt hơn 25 tỉ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2021. Ông Tee Bong Teong (BT Tee), Tổng Giám đốc Informa Markets Việt Nam, dự báo tốc độ tăng trưởng của bao bì nhựa đạt 15-20% trong giai đoạn 2023-2028.
Ngoài ra, người Thái cũng gia tăng đầu tư vào ngành nhựa cùng chiến lược hoàn thiện hệ sinh thái của các doanh nghiệp Thái Lan, tận dụng chuỗi giá trị từ đầu vào cho đến đầu ra. Đi cùng các nhà máy sản xuất trong nhiều lĩnh vực như thực phẩm, xi măng, nhựa... là một mạng lưới phân phối rộng khắp thông qua thương vụ mua bán, sáp nhập các hệ thống bán lẻ tại Việt Nam. Người Thái từ nhiều năm qua đã không giấu tham vọng đối với ngành nhựa của Việt Nam thông qua hàng loạt vụ M&A doanh nghiệp Việt như Ngọc Nghĩa, Bao bì Biên Hòa, Nhựa Duy Tân, Nhựa Bình Minh, Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, Nhựa Tín Thành...
Thiết lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam cũng giúp nhà đầu tư Thái tận dụng các cơ hội mà Việt Nam tạo ra khi nhiều hiệp định mới được ký kết như EVFTA, UKVFTA, RCEP giúp sản phẩm nhựa của Việt Nam xuất khẩu đi các nước thành viên được hưởng thuế suất 0% hoặc gần bằng 0%.
Mắt xích trong chuỗi giá trị của người Thái
Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nhựa Bình Minh, lý giải kết quả Công ty đạt được một phần do sự ổn định giá nguyên liệu cùng chiến lược kinh doanh hợp lý. Theo phân tích, lợi nhuận của công ty này gia tăng nhờ tỉ lệ giá vốn hàng bán so với doanh thu thuần giảm mạnh, khi giá nguyên liệu chính bình quân giảm mạnh và công tác quản lý tồn kho hợp lý.
Bên cạnh đó, nằm trong hệ sinh thái của Tập đoàn có 300 công ty con và liên kết hoạt động trên toàn cầu, có hệ thống quản trị khá bài bản đã giúp Nhựa Bình Minh “lột xác” khi trong tay người Thái với nhiều công cụ quản trị tiên tiến, cụ thể là quản lý chuỗi cung ứng và tự động hóa sản xuất...
Tuy nhiên, sức mạnh của Nhựa Bình Minh cũng cho thấy rõ lợi thế tài chính và vận hành của các doanh nghiệp lớn so với các doanh nghiệp nhỏ. Giới phân tích cho rằng lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành nhựa tiếp tục có xu hướng phân hóa mạnh và sẽ trở thành sân chơi của những doanh nghiệp có dòng tiền mạnh từ khối ngoại và chiếm thị phần lớn. Đáng chú ý, theo Quy hoạch phát triển ngành nhựa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 của Bộ Công Thương, ngành nhựa sẽ chuyển dịch cơ cấu theo hướng giảm dần tỉ trọng các nhóm sản phẩm nhựa bao bì và nhựa gia dụng, tăng dần tỉ trọng nhóm nhựa vật liệu xây dựng và nhựa kỹ thuật có tính chất cơ lý đặc biệt chuyên dùng trong thi công công trình và hoạt động công nghiệp.
Năm 2023, Nhựa Bình Minh đặt kế hoạch doanh thu 6.357 tỉ đồng, tăng 9% và lợi nhuận sau thuế 651 tỉ đồng, giảm 6% so với năm trước. Tuy nhiên, lãnh đạo Nhựa Bình Minh vẫn đánh giá 2023 là năm khó khăn và khó lường. Trong đó, thị trường bất động sản ảm đạm làm ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ ống nhựa. Giá nguyên liệu nhựa cũng biến động thất thường.
Do vậy, Công ty đưa ra kế hoạch doanh thu tăng 9%, lên 6.357 tỉ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 6%, xuống 651 tỉ đồng. Kết quả kinh doanh của Nhựa Bình Minh cũng được dự báo sẽ gặp khó khăn trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng ngành nhựa Việt Nam có dấu hiệu chậm lại từ đầu năm 2023 đến nay trước tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu. Vì vậy, theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), 2023 sẽ là năm ùn tắc về nhu cầu nhựa trong và ngoài nước, nên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhựa được dự báo nhiều khả năng đi lùi. Điểm sáng phục hồi về doanh thu dự báo từ giai đoạn 2024-2025