Theo Hiệp hội Nghiên cứu & Phát triển Thương mại CAIT, vào tháng 11/2022, trang sức cô dâu chiếm 50-55% thị trường trang sức vàng. Ảnh: TL.
Nhu cầu trang sức đã tạo đáy năm 2023 và sẽ phục hồi trong 2024
Quy mô thị trường trang sức toàn cầu được định giá ở mức 353,26 tỉ USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 4,7% từ năm 2024 đến năm 2030. Thu nhập khả dụng tăng và các thiết kế trang sức sáng tạo do các nhà sản xuất cung cấp dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu sản phẩm. Phong cách sống thay đổi và nhận thức về trang sức như một biểu tượng địa vị dự kiến sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường này (theo Grandviewresearch).
Tuy nhiên, nhu cầu về dây chuyền và vòng cổ vàng không chỉ giới hạn ở đám cưới và các buổi lễ. Nhẫn, dây chuyền vàng tinh xảo, vòng tay và lắc chân bằng bạch kim và vàng được đeo hàng ngày như phụ kiện thời trang. Chúng cũng được tặng vào nhiều dịp khác nhau như sinh nhật và ngày kỷ niệm. Hành vi tiêu dùng đang phát triển này dự kiến sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng thị trường.
Trang sức cô dâu cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thị trường trang sức. Ở các quốc gia như Ấn Độ, chi tiêu cao cho các buổi lễ cưới và lễ kỷ niệm dự kiến sẽ ảnh hưởng tích cực đến tăng trưởng thị trường. Vàng có ý nghĩa quan trọng trong văn hóa Ấn Độ và gắn liền với các lễ hội, phong tục cũng như tín ngưỡng tôn giáo. Đám cưới và lễ hội là hai dịp chính để mua vàng ở Ấn Độ. Theo Hiệp hội Nghiên cứu & Phát triển Thương mại CAIT, vào tháng 11/2022, trang sức cô dâu chiếm 50-55% thị trường trang sức vàng.
Thêm vào đó, báo cáo của Grandviewresearch còn chỉ ra rằng sự phổ biến ngày càng tăng đối với đồ trang sức ở nam giới cũng đang thúc đẩy thị trường. Các sản phẩm như khuy măng sét, dây chuyền vàng trơn, kẹp cà vạt, vòng cổ và nhẫn là một số sản phẩm thường được nam giới ưa chuộng.
Tại thị trường Việt Nam, số liệu từ Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho thấy, tính chung năm 2023, nhu cầu về trang sức giảm 9% so với cùng kỳ và đã có sự phục hồi 11% so với cùng kỳ trong quý I/2024. MBS nhận thấy nhu cầu về trang sức đã tạo đáy trong năm 2023 và sẽ phục hồi năm 2024. Tuy nhiên, do tốc độ tăng trưởng kinh tế đang khá chậm nên các mặt hàng xa xỉ, không thiết yếu cũng sẽ không quá khả quan trong năm 2024, sau đó sự phục hồi sẽ mạnh mẽ hơn trong năm 2025.
“Với các thương hiệu lớn như Doji hay PNJ, bên cạnh việc tập trung khai thác vào tệp khách hàng Gen Z (thế hệ tiêu dùng mới), chúng tôi nhận thấy tiềm năng tăng trưởng ở các khu vực 2, 3 thuộc phía Bắc trong trung - dài hạn. Chúng tôi nhận đây khu vực tại đây có người lao động có tiềm năng tăng trưởng tốt và cơ cấu dân số vàng, tuy nhiên thị trường trang sức vẫn phân mảnh và có nhiều doanh nghiệp bán lẻ tư nhân, là tiềm năng cho các doanh nghiệp chuỗi mở rộng”, MBS nhận định.
Có thể bạn quan tâm