Có 3 lý do chính khiến tăng trưởng tín dụng ở mức thấp. Ảnh: TL.

 
Nhật Lệ Thứ Ba | 27/06/2023 17:26

Nhu cầu tín dụng yếu do đâu?

Tính đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Theo đó, kể từ ngày 19/6, lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ mức 3,5%/năm xuống 3%/năm. Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5%/năm xuống 4,75%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Mặt bằng lãi suất tiền gửi và lãi cho vay đều đã giảm. Mặc dù lãi suất cho vay đã giảm nhưng tín dụng vẫn tăng trưởng chậm do nhu cầu tín dụng trong nhưng tháng đầu năm còn yếu. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 15/6/2023 tín dụng toàn hệ thống đạt trên 12,32 triệu tỉ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022, và tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn: VNDirect
Nguồn: VNDirect.

Công ty Chứng khoán VNDirect đã chỉ ra các nguyên nhân khiến nhu cầu tín dụng trong những tháng đầu năm còn yếu. Đầu tiên, do các doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn do thiếu đơn hàng dẫn đến nhu cầu vay vốn mới để sản xuất giảm sút. Thứ hai, nhiều doanh nghiệp có tình hình tài chính suy yếu, không có phương án khả thi nên chưa đáp ứng yêu cầu vay vốn của ngân hàng. Cuối cùng, tín dụng bất động sản giảm sút khi nhiều dự án bất động sản gặp khó khăn, trong đó có khó khăn về pháp lý, ít dự án mới triển khai.

 

Về mặt bằng lãi suất huy động, thống kê sơ bộ của NCĐT cho thấy hiện nay, mức lãi suất 8% đối với tiền gửi tiết kiệm 12 tháng gần như “mất hút” trên thị trường, mức cao nhất hiện nay dao động khoảng 7,5%/năm. 

Lãi suất hạ nhiệt, góp phần làm giảm chi phí đối với doanh nghiệp, mặt khác giúp các kênh đầu tư khác trở nên hấp dẫn hơn, đồng thời một phần kích thích tiêu dùng thay vì gửi tiết kiệm. 

Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), lãi suất huy động tại hệ thống ngân hàng trong các tháng gần đây cũng đã nhanh chóng hạ nhiệt với mức giảm trung bình 80-100 điểm tuỳ từng kỳ hạn, cá biệt mức điều chỉnh tại một số ngân hàng thương mại vừa và nhỏ lên tới 150 điểm -180 điểm. “Đây là điều kiện cần thiết để kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay vốn có độ trễ từ 3-6 tháng so với lãi suất huy động. Lãi suất huy động và cho vay được dự báo tiếp tục giảm thêm trong thời gian tới. Cần thêm thời gian trước khi tín dụng tăng khá trở lại. Mức giảm lãi suất cho vay có độ trễ và phân hóa giữa các ngành”, VCBS nhận định. 

Có thể bạn quan tâm 

Lãi suất tiết kiệm 8% “mất hút” trên thị trường