Nhu cầu thép Trung Quốc giảm lần đầu tiên 14 năm qua
Tuy nhiên, các nhà khai mỏ toàn cầu như Vale và Rio Tinto, đã đầu tư hàng tỷ USD nâng sản lượng nhằm tăng lượng xuất khẩu sang Trung Quốc, vẫn tin rằng nhu cầu của Trung Quốc vẫn chưa đạt đỉnh với công cuộc đô thị hóa được dự báo kéo dài ít nhất 1 thập kỷ nữa.
Nhu cầu thép thô của Trung Quốc, nước tiêu thụ và sản xuất thép hàng đầu thế giới, trong tháng 8 giảm 1,9% xuống 61,9 triệu tấn, Wang Xiaoqi, phó chủ tịch Hiệp hội Sắt Thép Trung Quốc (CISA) cho biết.
Theo ông Wang, có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này – nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và nền kinh tế đang trải qua quá trình tái cơ cấu. Các lĩnh vực tiêu thụ thép cắt giảm nhu cầu.
Với việc Trung Quốc chú trọng vào tiêu dùng và tam rời bỏ đầu tư, “từ nay trở đi, sản lượng và tiêu thụ thép trong nước sẽ không tăng cùng với tăng trưởng kinh tế”, ông Wang nói.
Tiêu thụ thép của Trung Quốc giảm 0,3% xuống 500 tấn trong 8 tháng đầu năm 2014. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm nay khởi đầu khá yếu ớt khi tăng trưởng quý I giảm xuống mức thấp nhất 6 quý vừa qua, chỉ đạt 7,4%. Bắc Kinh đã phản ứng bằng việc tung ra các biện pháp kích thích nhằm đẩy tốc độ tăng trưởng lên 7,5% trong quý II, nhưng số liệu tháng 7 và tháng 8 cho thấy tốc độ tăng trưởng đang giảm.
Sự sụt giảm trong tiêu thụ thép của Trung Quốc đánh dấu lần đầu tiên nhu cầu giảm từ năm 2000, Ian Roper, chiến lược gia hàng hóa tại CISA, cho biết.
Giá quặng sắt giảm xuống dưới 80 USD/tấn trong tuần kết thúc vào 26/9, lần đầu tiên từ tháng 9/2009 và đang hướng đến đợt giảm giá hàng năm lớn nhất từ trước đến nay trong bối cảnh dư cung toàn cầu.
Giá thép cây kỳ hạn trên sàn Thượng Hải, giảm hơn 3% xuống mức thấp kỷ lục hôm 25/9, đã giảm 30% trong năm nay và có thể vẫn tiếp tục chịu áp lực nếu sản lượng vẫn ở mức cao trong khi nhu cầu yếu.
Theo ông Wang, sản lượng thép thô của Trung Quốc có thể đạt 826 triệu tấn trong năm nay, tăng 6% so với sản lượng chính thức năm 2013 nhưng chỉ nhỉnh hơn đôi chút so với 822 triệu tấn mà Công ty sản xuất Sắt Thép Baoshan công bố hồi tháng 8.
Nhu cầu yếu hiện là trở ngại lớn đối với ngành thép Trung Quốc trong năm nay với việc Bắc Kinh không quá quan tâm đến việc cứu trợ các công ty thép như đã làm trước kia do lo ngại việc này sẽ khiến nợ xấu của chính phủ tăng mạnh.
Sinosteel Corp, công ty thương mại thép nhà nước lớn nhất Trung Quốc, trước đó đã nói với tạp chí tài chính Caixin rằng công ty đang đối mặt với nhiều vấn đề tài chính do khách hàng nợ tiền nhưng bác bỏ đồn đại rằng đang trong tình thế cực kỳ khó khăn do nợ quá hạn lên đến 10 tỷ nhân dân tệ (1,63 tỷ USD).
Thêm 10 năm nữa
Trong bối cảnh tiêu thụ thép ảm đạm, nguồn cung quặng sắt đang vượt quá nhu cầu của Trung Quốc khoảng 81 triệu tấn trong 8 tháng đầu năm 2014, CISA cho biết.
Nhưng Claudio Alves, giám đốc tiếp thị và bán hàng quặng sắt tại Vale, cho biết, chu kỳ phát triển và đô thị hóa tại Trung Quốc sẽ tiếp tục thêm 10 năm nữa, cho thấy nhu cầu quặng sắt của nước này vẫn sẽ ở mức cao.
Vale, nhà sản xuất quặng sắt hàng đầu thế giới, đang đặt mục tiêu tăng sản lượng hàng năm lên 453 triệu tấn vào năm 2018 từ 306 triệu tấn năm 2013.
Rio Tinto, hãng sản xuất quặng sắt lớn thứ 2 thế giới, cũng đồng ý với quan điểm này.
Alan Smith, chủ tịch phụ trách châu Á của Rio Tinto, cho biết, hãng này dự đoán tiêu thụ thép theo đầu người của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cho đến năm 2030. Rio Tinto vẫn đánh giá nhu cầu thép thô của Trung Quốc sẽ đạt 1 tỷ tấn vào năm 2030.
Tuy nhiên, chủ tịch Baosteel Dai Zhihao cho biết, giá quặng sắt sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp và nhắc lại rằng sản lượng thép của Trung Quốc sẽ đạt đỉnh 800-900 triệu tấn vào năm 2018.
Nguồn Theo DVO/Reuters