Nhu cầu nhân lực tăng: Dấu hiệu kinh tế phục hồi
Cứ mỗi thứ Sáu đầu tiên của tháng, các nhà đầu tư trên thế giới lại chờ đợi một con số quan trọng đến từ Mỹ. Ðó là báo cáo thất nghiệp và bảng lương phi nông nghiệp hàng tháng. Bằng cách chỉ ra sự biến động của việc làm trong nền kinh tế, chỉ số này thường có tác động ngay đến các thị trường tài chính như trái phiếu hay cổ phiếu.
Tiêu dùng vốn chiếm hơn 70% các hoạt động kinh tế ở Mỹ. Vì vậy, chuyện có việc làm hay không trở nên cực kỳ quan trọng. Số lượng việc làm giảm đồng nghĩa với việc doanh nghiệp cắt giảm quy mô đầu tư, lợi nhuận thấp, cũng như người lao động giảm thu nhập và hạn chế mua sắm.
Ở Việt Nam, lao động được xem là một trong những nhân tố kích thích kinh tế tăng trưởng trong thời gian qua. Những con số mới nhất đã cho thấy điểm tích cực của cả nền kinh tế.
Số liệu thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi trở lại. Cụ thể, nguồn cung và cầu nhân lực suy giảm kể từ năm 2012 đã bật tăng trở lại trong nửa đầu năm 2015, tăng trưởng lần lượt ở mức 3% và 4%.
Thống kê từ các kênh việc làm trực tuyến cũng cho thấy tín hiệu tương tự. Theo báo cáo nhân lực trực tuyến nửa đầu năm 2015 của VietnamWorks, các công ty tuyển dụng ngày càng nhiều hơn với nhu cầu tuyển dụng tăng trưởng lên đến 34% so với cùng kỳ. “Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 3 năm vừa qua”, báo cáo viết.
“Người tìm việc đang có nhiều lựa chọn hơn bao giờ hết”, ông Gaku Echizenya, Giám đốc Điều hành của VietnamWorks, nhận định. Trong số đó, bất động sản là ngành phục hồi mạnh nhất, với mức tăng trưởng lên đến 98%. Các ngành nối tiếp theo sau là tư vấn (95%), bán sỉ và lẻ (58%), quảng cáo (51%) và sản xuất (49%).
Ở khía cạnh tài chính, báo cáo về niềm tin người tiêu dùng do Ngân hàng ANZ thực hiện cũng cho thấy sự lạc quan đang lên mức cao nhất kể từ khi ngân hàng này thống kê đến nay. Bằng cách đo lường sự tự tin về tài chính cá nhân và tình hình nền kinh tế trong 12 tháng tới, chỉ số này đã lên mức 143,1 điểm trong tháng 6, cao hơn 10 điểm so với cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự, theo báo cáo mới đây của Ngân hàng HSBC, lao động được xem là một lợi thế quan trọng của Việt Nam. Theo HSBC, đặc điểm của Việt Nam là có lực lượng lao động lớn (thứ 2 Đông Nam Á sau Indonesia), tỉ lệ độ tuổi phụ thuộc giảm mạnh, độ tuổi lao động và mức tăng trưởng dân số tích cực. Với những đặc điểm này, Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh tương đối từ góc độ chi phí lao động, đặc biệt là khi so sánh với các thị trường ở khu vực Đông Á (Trung Quốc, Nhật, Mông Cổ và Hàn Quốc).
Dù vậy, lợi thế cạnh tranh này vẫn còn là một dấu hỏi lớn, khi chất lượng lao động vẫn còn thấp. Báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết, mặc dù đã thu hẹp dần khoảng cách, nhưng năng suất lao động của Việt Nam hiện chỉ bằng 1/3 so với Thái Lan và Trung Quốc và bằng 1/6 Malaysia. Khi Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) được thành lập vào cuối năm nay, lao động Việt Nam cũng sẽ phải cạnh tranh với lao động từ các quốc gia lân cận.
Thanh Phong