Nhu cầu dầu toàn cầu ảm đạm – thách thức lớn của OPEC
Tiêu thụ dầu tại các nền kinh tế phát triển đạt đỉnh 50 triệu thùng/ngày năm 2005 và giảm nhẹ xuống 45 triệu thùng/ngày 9 năm sau đó, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).
Cùng kỳ tiêu thụ dầu của các nền kinh tế đang phát triển tăng 12 triệu thùng/ngày.
Mức tăng trưởng ròng 4,8 triệu thùng trong 9 năm qua thấp hơn dự đoán của OPEC và các cơ quan dự báo khác.
Nhu cầu dầu thô tại châu Á tăng không đủ nhanh để bù đắp nhu cầu tiêu thụ yếu ớt tại các nền kinh tế phát triển và hấp thụ nguồn cung dư thừa từ dầu đá phiến.
OPEC đã gặp phải vấn đề này từ trước vào đầu những năm 1980 khi các nước tiêu thụ dầu tiến hành các biện pháp chưa từng có nhằm giảm nhu cầu trước những cú sốc dầu năm 1973 và 1979.
Chương trình điện hạt nhân tại Pháp và Nhật Bản, việc chuyển đổi hệ thống nhiệt từ dầu nhiên liệu sang khí đốt, tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu đối với xe ôtô mới và thuế cao đánh vào nhiên liệu ôtô đều nhằm giảm tiêu thụ dầu.
Tăng trưởng nhu cầu chậm lại trong khi nguồn cung tăng đã góp phần gây ra cuộc khủng hoảng giá năm 1986 và đang gây ra vấn đề tương tự cho OPEC năm 2014.
Tiêu thụ dầu (và tiêu thụ năng lượng nói chung) phản ứng rất mạnh mẽ với sự thay đổi về giá miễn là những thay đổi này diễn ra đủ lâu.
Trong ngắn hạn, lượng dầu tiêu thụ không nhạy cảm với thay đổi về giá. Sự thiếu vắng những phản ứng ngắn hạn khiến nhiều nhà bình luận nhầm lẫn và kết luận rằng nhu cầu không phản ứng với giá. Nhưng điều này hoàn toàn sai.
Trong trung và dài hạn, nhu cầu dầu và năng lượng sẽ phản ứng rất nhanh với sự thay đổi giá cả.
Hiệu quả năng lượng tăng
Tiêu thụ năng lượng của Mỹ giảm trong năm 1974-1975 và giảm tiếp trong năm 1980-1982 trước cú sốc giá dầu.
Giá dầu và năng lượng ở mức thấp đã đẩy tiêu thụ năng lượng của Mỹ tăng nhanh trong những năm 1950 và 1960 và tiếp tục tăng trong cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990.
Trái lại, giá dầu tăng cao trong cuối những năm 1970 và những năm 2000 đã khiến tăng trưởng nhu cầu năng lượng chững lại.
Trong thời gian 10 năm kết thúc vào 1972, thời kỳ giá dầu thấp, hiệu quả năng lượng của Mỹ không đổi.
Trong trung và dài hạn, nhu cầu dầu và năng lượng sẽ phản ứng rất nhanh với sự thay đổi giá cả. |
Tuy nhiên, trong 10 năm kết thúc vào 1986, thời kỳ giá dầu tăng, hiệu quả năng lượng tại Mỹ tăng trung bình 3% mỗi năm.
Hiệu quả năng lượng tại các nền kinh tế đang phát triển thấp hơn so với Mỹ vì trong nhiều trường hợp doanh nghiệp và hộ gia đình “tránh được” tác động của giá dầu tăng nhờ trợ cấp và kiểm soát giá.
Nhưng tại các nước đang phát triển, nhu cầu dầu nói riêng và nhu cầu năng lượng nói chung trong 5 năm trước tăng trưởng chậm hơn dự đoán do giá leo thang.
Giá cần phải giảm
Nhu cầu dầu ảm đạm hiện đang là vấn đề khó khăn mà OPEC phải đối mặt.
Giá dầu tăng 4 lần giai đoạn 2002-2012 cũng tương tự như cú sốc giá tăng giai đoạn 1973-1980 và phản ứng cũng tương tự nhau.
Các nước tiêu dùng tìm cách thay dầu thô bằng các nguồn thay thế rẻ hơn (ví dụ, nhiên liệu sinh học tại Mỹ). Tiêu chuẩn hiệu quả nhiên liệu đối với ôtô được thắt chặt. Doanh nghiệp và người tiêu dùng thay đổi thói quen lái xe để giảm tiêu thụ nhiên liệu.
Kết quả tương tự như năm 1986, khiến OPEC đối mặt với nhu cầu ảm đạm cùng lúc nguồn cung của các đối thủ cạnh tranh tăng mạnh.
Giải pháp cũng tương tự. Giá phải giảm và ở mức thấp đủ lâu để làm giảm đầu tư vào hoạt động sản xuất dầu tại các nước ngoài OPEC và đẩy nhu cầu tăng trở lại.
Nhưng có một điều khác biệt quan trọng giữa những năm 1980 và những năm 2010. Cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, giá dầu thấp cuối cùng đã khuyến khích sự thỏa mãn, kéo giảm hiệu quả nhiên liệu.
Nhưng trong những năm 2010, quá trình nâng cao hiệu quả nhiên liệu có mối quan hệ với biến đổi khí hậu tương tự với việc giá dầu tăng. Hầu hết các chính sách hiệu quả năng lượng, bảo tồn môi trường thiên nhiên và nguồn năng lượng thay thế được thông qua từ năm 2005 đều nhằm mục đích giảm nhu cầu dầu thô vốn ngày một đắt đỏ hơn và cắt giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Chính phủ ủng hộ các loại phương tiện, ôtô sử dụng nhiên liệu sinh học, xe điện và khí thiên nhiên, đồng thời nâng cao tính hiệu quả nhiên liệu nhằm hỗ trợ các mục tiêu biến đổi khí hậu cũng như an ninh năng lượng.
Trong bối cảnh như vậy, OPEC sẽ vấp phải thách thức lớn hơn trong việc sử dụng mức giá thấp để thúc đẩy nhu cầu vốn đã giảm trong những năm qua. Các nền kinh tế đang phát triển và hiện đại hóa sẽ ủng hộ OPEC nhưng các chính sách biến đổi khí hậu sẽ là trở ngại khi OPEC cố gắng tái cân bằng thị trường.
Nguồn DVO/Reuters