Hiện nay các dòng xe máy điện mới đã cải tiến về tốc độ và thời gian chạy lâu hơn với 80-100 km. Ảnh: QH

 
Minh Ngọc Chủ Nhật | 10/11/2019 10:00

Nhộn nhịp xe máy điện

Ngày càng nhiều mẫu xe máy điện ra mắt tại Việt Nam.

Thị trường xe máy điện bắt đầu sôi động với sự tham gia của khá nhiều thương hiệu như Klara của VinFast, Weaver của Dat Bike, Pega... Tập đoàn MBI của Hàn Quốc cũng đưa các dòng xe máy điện Mbigo vào thị trường Việt. Ngay cả các hãng xe máy chạy xăng như Honda, Piaggio, Yamaha cũng tích cực bước vào lĩnh vực xe máy điện.

Theo thông tin từ Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, trung bình mỗi năm người dân Việt Nam tiêu thụ khoảng 3 triệu chiếc xe máy, trong đó số lượng xe máy, xe đạp điện khoảng 500.000 chiếc. Điều này cho thấy Việt Nam là thị trường rộng lớn cho các hãng sản xuất xe máy, xe đạp điện.

 

Thị trường hiện có 2 trường phái xe, một dạng xe được thiết kế theo hướng hiện đại như Klara, Pega và các dòng của Honda, Yamaha, Piagio, Mbigo và một dạng thiết kế theo hướng cổ điển, thể thao và cá tính như Weaver, Impes và Ludo của VinFast. Mức giá của các dòng xe máy điện dựa theo thiết kế và đặc biệt là tùy thuộc vào pin. Nếu các dòng xe sử dụng bình ắc quy axit chì thì giá thấp hơn 10-15 triệu đồng so với các dòng sử dụng pin lithium-ion.

Cuối năm 2018, khi mới ra mắt, Klara của VinFast có mức giá 21 triệu đồng cho phiên bản dùng ắc quy axit chì và 35 triệu đồng cho phiên bản dùng pin lithium-ion. Nhưng giá bán sẽ tăng lên mức 30 triệu cho phiên bản ắc quy axit chì và 50 triệu cho phiên bản pin lithium-ion. Giải thích lý do tăng giá, ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Vingroup, cho biết với mức giá ở thời điểm ra mắt, nhà sản xuất chấp nhận lỗ 40% để tiếp cận người tiêu dùng dễ dàng hơn và chỉ sản phẩm đầu tiên là Klara được áp dụng mức giá đặc biệt này.

Tuy nhiên, để phù hợp với nhu cầu thị trường, tháng 9 vừa qua, dòng xe Impes và Ludo của VinFast đã ra mắt với giá bán tương ứng 21,99 triệu đồng và 20,99 triệu đồng.

Trước các dòng xe của VinFast, năm 2017, Công ty Cổ phần Xe điện Pega (Hồng Kông) hợp tác với một số doanh nghiệp Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp xe đạp, xe máy điện tại tỉnh Bắc Giang, công suất 40.000 chiếc/tháng với tỉ lệ nội địa hóa khoảng 35%. Sau gần 3 năm hoạt động Pega đã đưa ra thị trường gần 10 mẫu xe máy, xe đạp điện như X-men, Aura, Zinger 9, Cap-A3... với giá bán từ 12-27 triệu đồng/chiếc. Hiện Công ty HKbike đã chính thức mua lại thương hiệu và đổi tên thành Pega và sản xuất với 90% linh kiện trong nước (theo thông báo trên website chính thức của HKbike).

Ông Đoàn Linh, Tổng Giám đốc Công ty Pega, nhận xét xe điện trước đây chỉ đi được 40km là phải nạp điện và chưa đáp ứng được nhu cầu thật sự của người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay các dòng xe máy điện mới đã cải tiến tốc độ và thời gian chạy lâu hơn với 80-100km.

 

Cải tiến về công nghệ pin và tốc độ đã góp phần gia tăng sức hấp dẫn của xe điện bên cạnh yếu tố thân thiện với môi trường, thu hút ngày càng nhiều người chơi. Cuối năm 2018, Honda cũng ra mắt và chạy thử xe máy điện Honda chính hãng, với tốc độ tối đa 50 km/h, mỗi lần sạc di chuyển được 50km. Xe có giá bán từ 22-23,5 triệu đồng, bảo hành 3 năm. Còn Yamaha giới thiệu mẫu xe Grande Hybrid (lai giữa động cơ xăng và điện) tại Việt Nam chốt giá từ 45,5 triệu đồng. Piaggio cho biết sẽ hướng đến dòng xe điện cao cấp. Hiện hãng này đã có một số mẫu trên thị trường như Liberty chạy điện, xe đạp điện Piaggio Wi-Bike hay Piaggio MP3 Hybrid.

Trong khi đó, MBI lại đưa ra giá bán khá cao cho xe điện Mbigo, từ 39,8 triệu đồng cho chiếc Mbi X, 49,5 triệu đồng cho Mbi S và 59,5 triệu đồng cho chiếc Mbi V. Giải thích lý do giá bán cao, Chủ tịch Tập đoàn MBI Yoo Moon Soo, cho biết nếu các dòng xe chủ yếu tại Việt Nam có công suất tương đương xe động cơ xăng 50cc thì xe của MBI vận hành tương đương xe có dung tích động cơ từ 110-125cc. Tốc độ tối đa theo đó đạt ngưỡng 110 km/h, gấp đôi thông số của các dòng xe vận hành trên thị trường.

Cũng lấn sân vào lĩnh vực xe máy điện, ông Nguyễn Thành Hưng đã đầu tư vào 2 mô hình xe điện là dòng Weaver của Dat Bike và dòng Xyndi của Power Centric (chuyên sản xuất pin Mopo sử dụng năng lượng sạch). Power Centric đã bắt tay với Công ty Cổ phần Thương mại Quốc tế Phú Sỹ ra mắt dòng xe điện tên Xyndi với công nghệ pin Mopo Lithium.

Theo giới thiệu của công ty này, pin Mopo có kích thước chỉ bằng 1/4 pin ắc quy chì nhưng có công suất gấp 4 lần, là công nghệ nền tảng thiết yếu cho các ứng dụng như xe máy điện, ô tô điện, năng lượng tái tạo.

Để thúc đẩy thị trường xe điện phát triển, ông Nguyễn Ngọc Minh, sáng lập Power centric, cho biết 100 trạm sạc đầu tiên sẽ ra mắt năm 2019 trong kế hoạch thiết lập mạng lưới 500 trạm sạc và đổi pin trong quý I/2020. “Trạm sạc và xe điện là bài toán con gà và quả trứng. Chúng tôi chọn phát triển mạng lưới trạm sạc rộng khắp trước, vì quan điểm của chúng tôi là khó có thể hô hào người dân sử dụng xe máy điện mà thiếu các tiện ích”, ông Minh cho biết.