Số liệu từ Fiinpro, lợi nhuận sau thuế quý III/2023 của 27 ngân hàng niêm yết giảm 1,6% so với cùng kỳ. Ảnh: Quý Hòa.
Nhóm tài chính “đỡ” lợi nhuận thị trường
Theo dữ liệu của Fiinpro, số liệu kết quả kinh doanh quý III/2023 từ 951 doanh nghiệp và ngân hàng (đại diện hơn 90% vốn hóa toàn bộ thị trường) cho thấy, lợi nhuận sau thuế của toàn bộ doanh nghiệp niêm yết đã bắt đầu quay lại được nền của quý III/2022. Tuy nhiên, nhóm ngành tài chính duy trì được đà tăng trưởng nhẹ phần nào giúp bù đắp cho nhóm phi tài chính.
Cụ thể, trong nhóm tài chính, tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu đến từ nhóm các công ty chứng khoán với mức tăng 189% so với cùng kỳ, đạt 3.987 tỉ đồng. Trong khi đó, nhóm ngân hàng, chiếm 34% vốn hóa toàn thị trường, và lợi nhuận thường chiếm 50-60% toàn thị trường, vẫn ghi nhận lợi nhận sụt giảm 1,6% so với cùng kỳ.
Số liệu từ Fiinpro, lợi nhuận sau thuế quý III/2023 của 27 ngân hàng niêm yết giảm 1,6% so với cùng kỳ và giảm 4,0% so với quý II/2023. Xu hướng giảm đã chững lại, NIM chỉ giảm 0,06% so với quý II/2023, mặc dù giảm 0,45% so với quý III/2022. Hết quý III/2023, cả hệ thống ngân hàng báo cáo tăng trưởng tín dụng 6,92% so với đầu năm. Tuy nhiên, các ngân hàng niêm yết báo cáo tăng trưởng tín dụng 8,8% so với đầu năm. Kỳ vọng cả năm 2023, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng niêm yết vẫn đạt 12-13%, riêng trong quý IV đạt 3-4%.
“Với kỳ vọng NIM có thể phục hồi nhẹ trong quý IV/2023 do chi phí giá vốn giảm mạnh hơn so với quý III, chi phí dự phòng đã đạt đỉnh trong quý III, lợi nhuận của các ngân hàng niêm yết trong quý IV có thể hồi phục nhẹ so với quý III/2023 và tăng trưởng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước”, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) nhận định.
Về tăng trưởng chung của nền kinh tế, tăng trưởng GDP bình quân 9 tháng đầu năm 2023 đạt 4,24%, trong đó, GDP quý III/2023 đạt 5,33%. “Khả năng hoàn thành kế hoạch GDP 6,5% đặt ra đầu năm của Chính phủ là rất thấp. Chính phủ đánh giá, nhiều khả năng GDP năm 2023 chỉ đạt trên 5%. Điều này phù hợp với các dự báo mới nhất của các tổ chức quốc tế (WB, ADB) về mức tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam là từ 4,7%-5,8%”, Báo cáo của ACBS viết.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá sẽ mất thêm thời gian trước khi các đơn hàng có thể tăng trở lại theo đó tăng trưởng chỉ phục hồi mạnh mẽ cuối quý IV. Nhìn nhận thấy các khó khăn đối với nền kinh tế, Chính phủ đã và đang có nhiều biện pháp liên quan đến chính sách tài khóa như tăng cường giải ngân vốn đầu tư công (trọng điểm các dự án hạ tầng tăng cường kết nối vùng), cân nhắc gia hạn thời gian giảm thuế VAT sang năm 2024,… Với chính sách tiền tệ, việc kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay, cải thiện khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân là định hướng xuyên suốt và được ưu tiên của Ngân hàng Nhà nước. Các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ được dự báo sẽ tạo ảnh hưởng tích cực lên tăng trưởng, VCBS dự báo tăng trưởng quý IV/2023 đạt 6,5%- 7%.
Có thể bạn quan tâm