Ảnh: Vietnamnet.
Nhờ đâu dự trữ ngoại hối Việt Nam năm 2019 đạt mức cao kỷ lục?
Tại hội nghị Chính phủ với địa phương ngày 30/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết dự trữ ngoại hối của Việt Nam năm 2019 đạt 80 tỷ USD – mức kỷ lục mà 10 năm trước khó có hình dung ra được.
So với những năm trước đây, dữ trự ngoái hối của Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh ở mức 25% so với năm 2018. Từ năm 2012 trở đi, dự trữ ngoái hối liên tục tăng, từ mức 25,6 tỷ USD lên mức 41 tỷ USD năm 2016 và tăng lên gấp đôi chỉ sau đó 3 năm.
Dự trữ ngoại hối của Việt Nam qua các năm. |
Đánh giá kỹ hơn, có thể thấy với mức dự trữ ngoại hối của năm 2019 sẽ tương đương với 14 tháng nhập khẩu, cao hơn mức 3 tháng mà quy ước quốc tế quy định để bảo đảm an toàn trong việc chống đỡ với các cú sốc về cầu ngoại tệ. Đây là mức cao kỷ lục của Việt Nam bởi vì trong giai đoạn 2012-2017, tỷ lệ này vẫn chưa qua nổi mức 2,5 tháng nhập khẩu.
Lý giải cho thành tựu này, giới phân tích cho rằng đây là kết quả của lượng kiều hối chảy về Việt Nam dồi dào cũng như việc luôn duy trì được trạng thái thặng dư trong cán cân thương mại thời gian gần đây. Cụ thể, theo dự báo của Worldbank, lượng kiều hối đổ về Việt Nam năm 2019 có thể đạt 16,7 tỷ USD, tăng 4,6% so với năm trước và bảo đảm được vị trí trong Top 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới 3 năm gần nhất. Tương tự, liên tục trong 4 năm qua, cán cân thương mại của Việt Nam luôn thặng dư, riêng chỉ trong năm 2019 giá trị thặng dư lên đến 9,9 tỷ USD.
Ngoài ra, mặc dù ở một số thời điểm trong năm, tỷ giá có sự gia tăng do ảnh hưởng của thương chiến Mỹ - Trung nhưng nhìn chung tỷ giá USD/VNĐ trong năm qua luôn ổn định, tỷ giá mua vào của các ngân hàng thương mại luôn đi ngang hoặc thấp hơn tỷ giá chính thức. Nhờ vậy, Ngân hàng Nhà nước đã mua được một lượng lớn ngoại tệ, góp phần gia tăng dự trữ ngoại hối của quốc gia đạt mức kỷ lục nêu trên.
►Kinh tế Việt Nam tăng trưởng vượt dự báo, đạt 7,02% trong năm 2019
► Năm 2019, xuất siêu của Việt Nam cao nhất trong 4 năm qua với 9,9 tỷ USD