NHNN triển khai 4 giải pháp điều hành thị trường vàng
Nghị quyết 01 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013 cũng yêu cầu NHNN bảo đảm giá vàng trong nước sát với giá vàng quốc tế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp về tài sản của người dân.
Thời gian qua, để xử lý bất ổn trên thị trường vàng, thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng quốc tế và trong nước, NHNN đã triển khai 4 giải pháp.
Thiết lập mạng lưới kinh doanh mua bán vàng miếng
NHNN đã hoàn thiện thể chế và thực hiện cấp phép cho các TCTD, doanh nghiệp có đủ điều kiện để tổ chức mạng lưới kinh doanh mua bán vàng miếng có quản lý.
Trong đợt 1, đã có 31 tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng. Qua gần 2 tháng thực hiện mua bán vàng miếng qua mạng lưới mới do NHNN cấp phép, hoạt động mua bán vàng miếng đã ổn định, quyền lợi hợp pháp của người dân được đảm bảo tốt hơn, NHNN cho hay.
Xây dựng thể chế cho hoạt động can thiệp thị trường vàng của NHNN
NHNN đã chủ trì với các bộ, ngành liên quan xây dựng và hoàn chỉnh dự thảo Quyết định của Thủ tướng về mua bán vàng miếng trên thị trường trong nước.
Sau khi có ý kiến của Bộ Tư pháp, NHNN đã hoàn chính dự thảo và trình Thủ tướng xem xét. Đồng thời, NHNN đã hoàn thành các văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định của Thủ tướng (như Thông tư về giao nhận, bảo quản vàng, quy chế xuất khẩu, nhập khẩu vàng, quy chế đấu thầu mua bán vàng miếng...) để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động can thiệp thị trường vàng.
Hiện tại, NHNN đang chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực và tiến hành đấu thầu thử để đảm bảo cơ chế mua bán vàng miếng của NHNN với các TCTD, doanh nghiệp có thể vận hành thông suốt khi NHNN chính thức triển khai hoạt động này. Phiên đấu thầu thử nghiệm đầu tiên đã được tổ chức hôm nay (1/3), Vụ trưởng Vụ quản lý ngoại hối Nguyễn Quang Huy đã trao đổi với báo giới.
Theo NHNN, khi thực hiện cơ chế can thiệp này, NHNN sẽ đóng vai trò là người mua bán cuối cùng trên thị trường. Dự kiến trong thời gian đầu, NHNN sẽ thực hiện bán vàng miếng tăng cung cho thị trường, góp phần thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế.
Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế còn khoảng 3,5 triệu đồng/lượng, thu hẹp so với mức 5 triệu đồng/lượng sau Tết Nguyên đán.
Chuẩn bị nguồn cung vàng miếng can thiệp thị trường
Để tạo cơ sở pháp lý cho việc chuẩn bị nguồn cung vàng miếng, ngày 26/2, NHNN đã ký với công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) hợp đồng gia công vàng miếng từ nguồn nguyên liệu của NHNN.
NHNN đánh giá, hoạt động này là nhằm chuẩn bị sẵn nguồn vàng cho hoạt động can thiệp của NHNN.
Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch SJC cho biết trong ngày ký kết rằng, với máy móc thiết bị của SJC, công ty này có thể dập 80.000 lượng vàng miếng mỗi ngày, tương đương 3 tấn vàng.
Tăng cung vàng miếng SJC
Thời gian qua, sau khi được Thủ tướng cho phép, NHNN đã tổ chức tạm xuất vàng phi SJC, tái nhập vàng nguyên liệu tiêu chuẩn quốc tế để đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi vàng phi SJC thành vàng SJC nhằm đáp ứng nhu cầu chỉ trả vàng SJC cho người dân của TCTD (đến 30/6 các TCTD sẽ phải tất toán xong tài khoản vàng với khách hàng).
Trong đợt này, sẽ có 10 tấn vàng miếng phi SJC được tạm xuất, tái nhập. Hiện đã có 1,6 tấn vàng được cấp phép chuyển đổi cho DongA Bank và Techcombank. Toàn bộ việc tạm xuất tái nhập vàng sẽ được thực hiện xong trước 10/3, lãnh đạo NHNN chi nhánh TPHCM cho biết.
Theo NHNN, phương án này giúp đẩy nhanh tiến độ kiểm định, gia công vàng miếng phi SJC thành vàng miếng SJC, khắc phục được "điểm nghẽn" về tiến độ kiểm định của công ty SJC.
Nếu không thực hiện phương án tạm xuất, tái nhập nêu trên, công ty SJC cần khoảng 6 tháng để hoàn thành việc kiểm định, gia công vàng miếng phi SJC có nhu cầu chuyển đổi, NHNN đánh giá.
Số lượng vàng tạm xuất, tái nhập này là vàng miếng phi SJC của các TCTD đang giữ của người dân. NHNN đã thực hiện kiểm tra tồn quỹ thực tế số vàng này 2 lần trước khi trình Chính phủ cho phép thực hiện.
Việc thực hiện phương án chuyển đổi vàng miếng phi SJC thành vàng nguyên liệu tiêu chuẩn quốc tế không làm phát sinh nhu cầu ngoại tệ để nhập vàng, do vậy không tạo áp lực lên thị trường ngoại tệ, không hây ra biến động về tỷ giá, cơ quan này cho hay.
Nguồn Khampha