Thứ Năm | 10/01/2013 03:14

NHNN tham gia thị trường vàng với vai trò người mua cuối cùng

Kinh doanh vàng vốn đã vận hành từ trước, giờ chỉ là thêm yếu tố mới nên sẽ không đáng lo ngại về nguồn cung vàng miếng cho thị trường.
Từ 10/1, ngoài 22 tổ chức tín dụng và 16 doanh nghiệp với gần 2.500 điểm kinh doanh đủ điều kiện thì các cửa hàng khác không đủ điều kiện sẽ chính thức phải dừng việc mua, bán vàng miếng.

Con số này ít hơn rất nhiều so với con số 12.000 địa điểm kinh doanh vàng miếng trước thời điểm ban hành Nghị định 24 và cũng chỉ bằng khoảng 30% so với con số 8.000 điểm còn giao dịch mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) rà soát mới đây.

Trước ý kiến cho rằng, sẽ có hàng nghìn cửa hàng kinh doanh vàng phải đóng cửa, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) cho rằng, không hẳn là vậy bởi thực tế các cửa hàng bán vàng trang sức vẫn được phép hoạt động.

Theo Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng, những doanh nghiệp tham gia kinh doanh vàng miếng phải đạt đủ các tiêu chuẩn như vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên; trên 2 năm kinh nghiệm; tiền thuế từ hoạt động kinh doanh vàng phải đạt ít nhất 500 triệu đồng trong 2 năm gần nhất; có mạng lưới bán hàng ở 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

Đối với các TCTD, điều kiện “nhẹ nhàng” hơn: Có vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng trở lên; Có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng; Có mạng lưới chi nhánh tại Việt Nam từ 5 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.


Ông Huy cũng cho rằng, do hệ thống kinh doanh vàng vốn đã vận hành từ trước rồi, giờ chỉ là thêm yếu tố mới nên sẽ không đáng lo ngại về nguồn cung vàng miếng cho thị trường.

"Để đảm bảo cho sự lưu thông của thị trường, NHNN nhất định sẽ có tham gia vào thị trường vàng với vai trò là người mua cuối cùng, tuy nhiên phải để mạng lưới vận hành ít ngày để theo dõi tình hình cụ thể", ông Huy nói.

Về việc NHNN có kiểm soát thị trường trong giai đoạn đầu tiên trước lo ngại những đối tượng không được cấp phép kinh doanh vàng miếng sẽ bán "chui" hay không, ông Huy nhận định, về bản chất lâu dài, bán chui lủi khó tồn tại, do người dân mua vàng sẽ đòi hóa đơn, đảm bảo xuất xứ, chất lượng của sản phẩm.

Sau khi Nghị định 24 ban hành, một thay đổi đáng chú ý khác của thị trường là để tồn tại và không muốn mất thị phần ở hàng nghìn tiệm vàng trên cả nước, nhiều công ty vàng tên tuổi cũng như một số tiệm vàng tư nhân gần đây đã cho ra mắt sản phẩm vàng nhẫn bốn số chín. Đây được coi là để đối phó với quy định cấm bán vàng miếng theo Nghị định 24 của NHNN.

Về vấn đề này, ông Huy khẳng định việc kinh doanh vàng nhẫn bốn số chín không trái quy định và nhu cầu của dân cư với vàng nhẫn là có bởi số tiền bỏ ra không lớn như khi mua vàng miếng, tuy nhiên NHNN kiểm tra hệ thống thì thấy số lượng này không nhiều. Bên cạnh đó, vàng nhẫn của các thương hiệu lớn lưu thông sẽ tốt hơn ở cửa hàng nhỏ lẻ, không có thương hiệu bởi theo nhu cầu của thị trường sẽ đòi hỏi phải có chứng nhận, xuất xứ của sản phẩm.

Lãnh đạo thuộc NHNN nhìn nhận, việc kiểm soát chất lượng vàng trang sức hiện rất khó dù về cơ bản luật pháp đã quy định. Tuy nhiên, theo Nghị định 24, từ ngày 25/5, hộ kinh doanh phải chuyển sang doanh nghiệp, khi bán vàng phải phải có hóa đơn, xuất xứ, đảm bảo chất lượng sản phẩm và theo đó người tiêu dùng sẽ được bảo vệ.

Nguồn Khampha


Sự kiện