Thứ Hai | 04/03/2013 15:17

"NHNN sẽ tính toán và xem xét cụ thể mục tiêu đưa giá vàng sát với thế giới"

Theo Phó Thống đốc NHNN, điều này phụ thuộc vào mục tiêu điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, tromg đó có chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ.
Ngày 4/3, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng và Chủ tịch Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) Lê Hùng Dũng có buổi trả lời trực tuyến về thị trường vàng do báo điện tử VnExpress tổ chức.

Trả lời về câu hỏi mục tiêu kéo giá vàng trong nước xuống sát với giá thế giới, ông Lê Minh Hưng khẳng định NHNN sẽ thực hiện các biện pháp theo quy định của pháp luật để thực hiện đúng Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ nhằm đưa giá vàng trong nước bám sát theo giá vàng quốc tế.

"Với khuôn khổ chính sách pháp luật hiện hành về hoạt động kinh doanh vàng cũng như các công cụ của mình, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn tin tưởng sẽ thực hiện được đúng mục tiêu của mình", vị Phó Thống đốc nói.

Trước đây, Thống đốc Nguyễn Văn Bình từng tuyên bố là khoảng cách giữa giá vàng thế giới và trong nước chỉ nên là 400.000 đồng. Trước câu hỏi cho rằng đây phải chăng đây là mức sát mà NHNN đang hướng tới, ông Lê Minh Hưng cho biết, thực hiện mục tiêu đưa giá vàng trong nước sát quốc tế thì NHNN sẽ tính toán và xem xét cụ thể. Điều này phụ thuộc vào mục tiêu điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó có chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ.

Phó Thống đốc cũng nói thêm rằng, trước khi có Nghị định 24 xuất hiện hiện tượng thu gom ngoại tệ với số lượng lớn để nhập vàng nguyên liệu trái phép, gây tác động tiêu cực đến thị trường ngoại hối, ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, với Nghị định 24, dù có sự chênh lệch giá trong nước và quốc tế nhưng không còn những tiêu cực như đã nói ở trên.

Theo ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC, việc giá vàng trong nước chênh với giá vàng thế giới tới 3,8 triệu đồng/lượng sở dĩ là do chưa có sự liên thông giữa hai thị trường.

Theo ông Dũng, dù không tách rời mục tiêu liên thông với giá thế giới nhưng vấn đề lớn nhất của Việt Nam hiện là ổn định kinh tế vĩ mô. Ông diễn giải thêm, bình thường trước đây trung bình mỗi năm nhập 3-4 tấn vàng, nếu muốn liên thông thì, bình quân một năm nhập 30 tấn. Mỗi tấn vàng 60 triệu USD, nhân lên 30 tấn thì phải cần 1,8 tỷ USD, tương đương 37.000 tỷ đồng Việt Nam. Do đó, nếu chúng ta bơm ra thị trường số tiền này thì con số lạm phát sẽ vọt lên 2 con số.

Còn nếu với con số 40 tấn vàng thì chúng ta sẽ phải mất 2,4 tỷ USD, tương đương gần 50.000 tỷ đồng. Đây là một lượng tiền quá lớn, có thể gây ra lạm phát cao và làm cho nhiệm vụ kiềm chế lạm phát sẽ khó khăn và bất khả thi.

"Kèm theo đó, sẽ xuất hiện hàng loạt hệ lụy khác, như áp lực tỷ giá…đổi lại chỉ là giá trong nước sát với thế giới. Nhưng ai là người mua và ai được lợi, chắc chắn không phải là người lao động, người công an,…mà chỉ toàn là “đại gia”. Vậy để cứu đại gia chúng ta có cần thiết phải hy sinh lớn như vậy không?", ông nói.

Nguồn Khampha


Sự kiện