Thứ Bảy | 08/11/2014 09:39

NHNN sẽ sửa quy định hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng

Dự thảo thông tư được NHNN ban hành quy định cụ thể về điều kiện vay vốn, bổ sung phương thức cho vay mới, cho vay cơ cấu lại nợ...

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành dự thảo Thông tư quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng trên cơ sở nghiên cứu sửa đổi nhằm thay thế Quy chế cho vay 1627.

Dự thảo Thông tư quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay vốn nhằm đáp ứng các nhu cầu vốn thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội.

So với Quy chế cho vay 1627, dự thảo Thông tư quy định chỉnh sửa một số quy định về điều kiện vay vốn, như khách hàng vay vốn phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật về dân sự; không quy định cụ thể từng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự của cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài. Vì hiện nay Bộ Tư pháp đang làm đầu mối nghiên cứu xây dựng dự thảo Bộ luật dân sự thay thế Bộ luật dân sự 2005, trong đó chỉnh sửa các nội dung có liên quan đến vấn đề này; do đó, để đảm bảo khi Bộ luật dân sự mới được ban hành, NHNN không phải chỉnh sửa Thông tư.

Điều kiện khách hàng có phương án sử dụng vốn khả thi thay vì “Có dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khả thi và có hiệu quả; hoặc có dự án đầu tư, phương án phục vụ đời sống khả thi và phù hợp với quy định của pháp luật” như quy định tại khoản 4 Điều 7 Quy chế cho vay 1627. Nội dung quy định này tại dự thảo Thông tư phù hợp với khoản 1 Điều 94 Luật Các TCTD và thực tiễn hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong thời gian qua khi cho vay một số nhu cầu vốn không trực tiếp thực hiện dự án, phương án sản xuất, kinh doanh cụ thể của khách hàng.

Dự thảo Thông tư kế thừa nội dung quy định các nhu cầu vốn mà TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cho vay tại Điều 9 Quy chế cho vay 1627, bổ sung quy định TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cho vay để khách hàng trả nợ các khoản vay thuộc nhóm nợ xấu tại chính TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay hoặc tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác.

Theo đó, nhu cầu vay vốn để thực hiện nhiệm vụ công ích của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích hoặc lĩnh vực đặc biệt (cho vay ứng trước ngân sách nhà nước để đầu tư các công trình phục vụ công ích, nhập nguyên liệu phục vụ hoạt động in, đúc tiền của Nhà máy in tiền Quốc gia...) sẽ được TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xem xét cho vay.

So với Quy chế cho vay 1627, dự thảo Thông tư bổ sung một số phương thức cho vay cho phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thị trường, gồm phương thức cho vay lưu vụ; phương thức cho vay quay vòng; phương thức cho vay tái tục.

Trong đó, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi thực hiện phương thức cho vay tái tục và phương thức cho vay quay vòng, phải đáp ứng một số điều kiện và ban hành quy định nội bộ đối với phương thức này gửi Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng theo quy định tại Điều 93 Luật Các TCTD. Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư bỏ quy định về phương thức cho vay thông qua phát hành và sử dụng thẻ tín dụng, vì theo quy định tại khoản 3 Điều 98 Luật Các TCTD, thì việc phát hành thẻ tín dụng không phải là hình thức cho vay, mà là một trong những hình thức cấp tín dụng khác.

Tại Quy chế cho vay 1627 quy định TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách hàng căn cứ vào chu kỳ sản xuất, kinh doanh, thời hạn thu hồi vốn của dự án đầu tư, khả năng trả nợ của khách hàng và nguồn vốn cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để thỏa thuận về thời hạn cho vay.

Tuy nhiên, trong thực tế có một số trường hợp nếu quy định thời hạn cho vay được xác định căn cứ vào chu kỳ sản xuất, kinh doanh sẽ không phù hợp, tăng thêm thủ tục, thời gian, chi phí cho cả khách hàng vay và TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Do đó, để đảm bảo thống nhất giữa các phương thức cho vay với thời hạn cho vay, dự thảo Thông tư đã quy định căn cứ xác định thời hạn cho vay tương ứng với các phương thức cho vay cụ thể.

Tại Quy chế cho vay 1627 không quy định cụ thể về vấn đề cho vay cơ cấu lại nợ. Tuy nhiên, trong thực tế hoạt động tín dụng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã và đang phát sinh một số nghiệp vụ nhằm cơ cấu lại khoản vay (một số ý kiến cho rằng nghiệp vụ này chính là cho vay đảo nợ), như cho vay trung, dài hạn để cơ cấu lại khoản vay ngắn hạn, cho vay bằng ngoại tệ để cơ cấu lại khoản vay bằng VND... Do đó, tại dự thảo Thông tư quy định cụ thể việc cơ cấu lại dư nợ cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

Đồng thời, tại dự thảo Thông tư cũng quy định một số điều kiện đối với việc cơ cấu lại dư nợ cho vay nhằm đảm bảo NHNN kiểm soát được hoạt động tín dụng này để ngăn chặn tình trạng TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện cơ cấu lại khoản nợ nhằm che giấu nợ xấu tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và che giấu tình hình hoạt động kinh doanh và tài chính không lành mạnh của khách hàng vay.

So với Quy chế cho vay 1627, dự thảo Thông tư bổ sung quy định về thời điểm TCTD xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn trả nợ x theo hướng: Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện trước ngày đến kỳ hạn, thời hạn trả nợ; trường hợp TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách hàng có thỏa thuận về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ vào đúng ngày hoặc sau ngày đến kỳ hạn, thời hạn trả nợ thì thời hạn thực hiện không vượt quá 10 ngày kể từ ngày liền kề ngày đến kỳ hạn, thời hạn trả nợ; quy định này nhằm thống nhất cách hiểu về thời điểm cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Thông tư quy định việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân vốn cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng sẽ được NHNN chỉnh sửa theo từng thời kỳ; do đó, việc quy định cụ thể nội dung giải ngân vốn vay trong dự thảo Thông tư sẽ làm cho Thông tư có tính ổn định không lâu dài.

Dự thảo Thông tư kế thừa các nội dung Quy chế cho vay 1627 còn phù hợp, đồng thời bổ sung các quy định về quyền và nghĩa vụ phù hợp với Luật Các TCTD và điều kiện thực tế.

Nguồn DVO/SBV