Thứ Hai | 01/07/2013 09:42

NHNN sẽ không đứng ra huy động vàng trong dân?

Theo lãnh đạo NHNN, theo kinh nghiệm quốc tế thì không có ngân hàng trung ương nào đứng ra huy động vàng theo hình thức tiết kiệm.
Nhằm chống "vàng hóa" nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu chấm dứt việc huy động và cho vay bằng vàng của các tổ chức tín dụng (TCTD). Sau khi thiết lập lại trật tự trên thị trường, bài toán tiếp theo của NHNN là làm thế nào huy động được nguồn lực vàng không nhỏ trong dân để chuyển hóa thành vốn đầu tư cho phát triển kinh tế.

Trong Nghị định 24 cũng nêu rõ nội dung về việc NHNN sẽ nghiên cứu phương án huy động nguồn lực vàng để phục vụ cho nhu cầu đầu tư sản xuất kinh doanh.

Về vấn đề này, Tuổi trẻ dẫn lời Phó Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế thì không có ngân hàng trung ương nào đứng ra huy động vàng theo hình thức tiết kiệm.

Bên cạnh đó, nếu NHNN huy động số vàng trong nền kinh tế thì cũng không thể sử dụng số vàng đó phục vụ sản xuất kinh doanh, phải chịu chi phí lớn, gặp rủi ro thanh khoản và tài sản khi giá vàng biến động.

Theo Phó Thống đốc, hiện NHNN đang tính toán, nhưng với vàng mục tiêu cuối cùng là chuyển sang quan hệ mua bán và tạo cơ chế khuyến khích người nắm giữ vàng bán vàng.

Trước đây, đã từng có nhiều dự đoán về lượng vàng trong dân với các con số khác nhau, con số lớn nhất là khoảng 1.000 tấn vàng, còn NHNN có thời điểm ước tính con số này là 500 tấn, tương đương với số tiền rất lớn là khoảng trên 20 tỷ USD.

Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế từng cho rằng, NHNN không nên tính chuyện huy động vàng trong dân vì rủi ro cho dân và cho ngân sách quốc gia là rất lớn.

Về chi phí, nếu NHNN đứng ra huy động vàng, thách thức lớn nhất với phương án huy động vàng trong dân là lãi suất. Theo đó, Nhà nước không thể chuyển đổi hết số vàng huy động thành tiền đồng để cho vay, vì vậy lấy khoản nào để trả lãi suất huy động vàng cho người gửi. Giả sử hàng chục triệu lượng vàng được huy động, dù áp lãi suất rất thấp thì cũng phải mất tới hàng nghìn tỷ đồng phải trả mỗi năm.

Các chuyên gia còn nhắc đến rủi ro trong việc lựa chọn nguồn lực đầu tư hiệu quả sau khi huy động vàng trong dân hay các rủi ro đối với ngân sách quốc gia khi giá vàng biến động khó lường, khó kiểm soát, dễ phải trả giá đắt cho những tính toán sai lầm.

Ngoài ra còn chưa kể tới việc huy động vàng trong dân là một nhiệm vụ tương đối khó. Thực tế cho thấy, sau khi Nghị định 24 ra đời, do các điều kiện kinh doanh vàng miếng bị siết, các doanh nghiệp đã “lách” bằng cách đánh nhẫn to và đóng gói nhẫn để bán. Thực tế này khiến Nhà nước có nguy cơ không huy động hàng trăm tấn vàng trong dân.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện