Thứ Bảy | 19/04/2014 12:41

NHNN: “Sẽ buộc tham gia gói 50.000 tỷ”

Việc tham gia gói tín dụng 50.000 tỷ có thể sẽ được luật hóa, buộc tất cả phải tham gia chứ không phải tự nguyện như hiện nay.

Sẽ luật hóa và hỗ trợgói tín dụng phi Nhà nước

Tại Hội nghị triển khai chương trình Tín dụng 50.000 tỷ đồng ngành xây dựng lần 2 tổ chức tại Hà Nội ngày 17/4, Vụ trưởng Nguyễn Viết Mạnh cho hay, việc luật hóa gói tín dụng này có thể được thực hiện sau khi các tổ chức tín dụng triển khai thí điểm không vướng mắc và có lợi cho thị trường.

Vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong gói tín dụng này, ông Mạnh cho hay, thể hiện ở chỗ định hướng, khuyến khích, yêu cầu các tổ chức tín dụng phải chấp hành đúng các cam kết của mình.

j

“Sau khi đưa sản phẩm này vào vận hành trong thị trường thấy tốt, hiệu quả, có thể luật hóa, trở thành sản phẩm buộc phải tham gia, không phải tự nguyện nữa”, Vụ trưởng Mạnh nói.

“Trong quá trình vận hành gói tín dụng này, nếu thấy chương trình tốt thì Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ đưa ra những hỗ trợ nhất định trong thị trường”. Những hỗ trợ ông Mạnh đề cập đến có thể về nguồn vốn, nguồn lực, tăng trưởng… sao cho phù hợp với hoạt động của nền kinh tế, đảm bảo cân bằng giữa các lĩnh vực về cả sản xuất đầu ra và người tiêu dùng.

Gói tín dụng 50.000 tỷ là sản phẩm chuỗi liên kết xây dựng 4 nhà (Chủ đầu tư - Nhà thầu - Nhà tổ chức cung ứng, sản xuất VLXD - Ngân hàng), do Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) đứng ra chủ trì, đưa ra với mục tiêu khơi thông thị trường bất động sản đang trầm lắng bấy lâu.

Cú bắt tay của VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh

j

Trong chuỗi liên kết trên, VNCB hướng đến là ngân hàng tổ chức người bán, kết nối cùng các ngân hàng thương mại cung cấp nguồn vốn cho các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành Xây dựng - Vật liệu Xây dựng - Bất động sản.

Còn Tập đoàn Thiên Thanh hướng tới là nhà tổ chức cung ứng VLXD, chủ trì xây dựng Sàn kinh doanh VLXD.

Liên quan đến lợi ích của gói tín dụng này, ông Phan Thành Mai, Tổng Giám đốc VNCB – ngân hàng chủ trì chương trình, cho rằng khó khăn của thị trường hiện tại là vấn đề mất niềm tin lẫn nhau giữa các nhà. Trong khi nhà băng mất niềm tin vào khả năng thực hiện dự án của chủ đầu tư; chủ đầu tư mất niềm tin vào khả năng cung cấp vật liệu xây dựng (VLXD) của nhà sản xuất, nhà cung ứng; nhà sản xuất mất niềm tin vào khả năng thanh toán của nhà cung ứng, chủ đầu tư, nhà thầu; thì nhà thầu lại mất niềm tin vào khả năng thanh toán của chủ đầu tư lẫn khả năng cung cấp VLXD của nhà sản xuất hay cung ứng…

Sự mất tin tưởng lẫn nhau đó dẫn đến việc ngân hàng không giải ngân, nhà sản xuất, cung ứng không cung cấp VLXD, nhà thầu không thi công và chủ đầu tư không thực hiện dự án. Hai chữ “niềm tin” khiến các nhà dè chừng lẫn nhau trong khi thị trường ì ạch.

Ông Mai, cũng là Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng trong chương trình này, VNCB cùng các ngân hàng TMCP khác và các nhà tổ chức cung ứng sẽ kết nối, khôi phục niềm tin giữa các bên sao cho VLXD đến đúng, đủ công trình, tiền giải ngân khép kín trong chuỗi và dự án hoàn thành đúng tiến độ.

Theo thông tin từ Vụ trưởng Vụ Tín dụng Nguyễn Viết Mạnh, sản phẩm tương tự đã được một số tổ chức tín dụng cho vay vài năm trước. BIDV đã giải ngân có thể đến 10.000 tỷ cho một nhóm khách hàng, chủ yếu là chủ đầu tư, nhà thầu, nhà cung cấp vật liệu xây dựng.

Tức là, trên thực tế, sản phẩm liên kết 4 nhà vẫn đang tiến hành, chỉ khác nếu trước đây thực hiện đơn lẻ, thì bây giờ các nhà ký kết với nhau để đảm bảo quản lý tốt dòng tiền.

Mới công bố cách đây 3 tuần, sản phẩm gói tín dụng 50.000 tỷ gây xôn xao dư luận khi gói tín dụng đưa ra rất khổng lồ trong khi ngân hàng đứng ra là VNCB – không phải một ngân hàng lớn và tiền thân của nó là Ngân hàng TMCP Đại Tín (Trust Bank) nằm trong nhóm ngân hàng lận đận trong một thời gian dài vừa qua.

Cái tên Tập đoàn Thiên Thanh cũng được nhắc đến nhiều khi là nhà tổ chức cung ứng VLXD trong gói sản phẩm trên. Cần lưu ý, Tập đoàn Thiên Thanh và VNCB là hai “con” cùng “cha”. Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh là ông Phạm Công Danh – hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị VNCB.

Cụ thể, tất cả các bên tham gia (4 nhà) cùng ký kết trên 1 hợp đồng; nhiều ngân hàng thương mại cùng tham gia tài trợ các doanh nghiệp trong chuỗi. Việc đáp ứng nhu cầu VLXD trong chuỗi được thực hiện thông qua Nhà tổ chức chợ/sàn mua bán VLXD với các dự án khả thi, Nhà sản xuất được cho vay không nhất thiết cần tài sản đảm bảo, chỉ cần đối ứng bằng VLXD cung ứng cho công trình, phương thức trả chậm, các ngân hàng chủ động tiếp cận doanh nghiệp, các doanh nghiệp có khoản nợ ở các ngân hàng khác được khoanh nợ và tiếp tục cho vay theo mục đích mới của chuỗi 4 nhà.

Nguồn Seatimes


Sự kiện