NHNN sẽ bỏ trần lãi suất huy động vào cuối năm nay?
Gần đây, một số NHTM, khởi đầu là Vietcombank và sau đó là hàng loạt ngân hàng lớn nhỏ khác giảm LSHĐ kỳ hạn dưới 6 tháng dưới mức trần. Chẳng hạn với NHTM Nhà nước nắm cổ phần chi phối như Vietcombank LSHĐ VND chỉ còn ở 5,1 - 5,6%/năm; BIDV là 5 - 5,75%/năm. Các NHTM khác gồm Techcombank LSHĐ cũng còn 5,6% - 5,87%/năm; Sacombank và ABBank cùng là 5,8%/năm; HDBank, NamABank là 6%/năm. Đặc biệt, theo đánh giá của NHNN thì vốn khả dụng bằng VND của các TCTD tương đối ổn định, dư thừa so với yêu cầu dự trữ bắt buộc và nhu cầu thanh toán, nhu cầu vay vốn của các NHTM qua nghiệp vụ thị trường mở và tái cấp vốn từ NHNN không nhiều.
Theo NHNN, diễn biến của chỉ số CPI là cơ sở để điều chỉnh tiếp LSHĐ. Tổng cục Thống kê trong báo cáo chính thức gần đây cho biết, CPI 6 tháng đầu năm 2014 tăng 4,98% so với cùng kỳ và với mức trên thì NHNN hoàn toàn có thể điều chỉnh trần LSHĐ xuống 5%/năm hoặc 5,5%/năm mà vẫn đạt yêu cầu lãi suất tiền gửi phải thực dương, dù không nhiều.
Làm như vậy, một mặt tạo điều kiện cho các NHTM tiếp tục giảm lãi suất cho vay xuống thấp hơn, mặt khác hướng người gửi tiền đến các kỳ hạn dài để hưởng lãi suất cao, đồng thời hỗ trợ tốt hơn cho ngân hàng trong việc ngăn ngừa rủi ro thanh khoản kỳ hạn. Mặt khác, khi lãi suất cho vay VND tiếp tục giảm, DN sẽ tăng vay bằng nội tệ, giảm áp lực nhu cầu tín dụng ngoại tệ đang có dấu hiệu tăng trở lại.
Bên cạnh đó, sau khi NHNN điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng từ mức 21.036 lên 21.246 VND/USD, thì kỳ vọng từ găm ngoại tệ để hưởng lợi không còn nên dù NHNN có giảm trần LSHĐ về 5% thì người có tiền nhàn rỗi vẫn lựa chọn kênh gửi tiết kiệm VND, bởi mức chênh lệch lãi suất giữa VND và USD vẫn lên đến 4% (đối với khách hàng cá nhân) - mức khá hấp dẫn.
Một kịch bản đang xuất hiện trong nửa cuối của năm 2014 là khả năng NHNN sẽ bỏ trần LSHĐ? Về vấn đề này, TS. Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - người từng đưa ra kiến nghị và dự báo rằng, NHNN có thể bỏ trần lãi suất để trả lãi suất về cho thị trường, thì nay vị chuyên gia này cho biết: "Việc bỏ trần hay giữ nguyên cũng không có nhiều ý nghĩa. Nhưng nếu cẩn trọng thì chúng ta nên giữ nguyên chủ trương này để coi trần lãi suất như một sự cảnh báo".
Đến nay, NHNN vẫn chưa đặt ra vấn đề với trần LSHĐ, nhưng trên quan điểm điều hành chính sách thận trọng nhưng linh hoạt theo tín hiệu thị trường của cơ quan chức năng và dựa trên dữ liệu phân tích thì kịch bản trên vẫn đang để ngỏ.
Trước đó, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ tại buổi họp báo thường kỳ hai tháng đầu năm của NHNN chiều 28/2, cho biết, mặt bằng lãi suất hiện nay đang ở mức hợp lý, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất huy động và lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Mặt bằng lãi suất tiền gửi VND ngắn hạn từ 1 đến 2 tháng giảm 0,2 đến 0,5%/năm. Đồng thời NHNN yêu cầu các Tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, kể cả các khoản cho vay cũ về mức dưới 13%/năm.
Từ đó bà Hồng cho hay nếu tình hình lạm phát được kiểm soát, thị trường tiền tệ tiếp tục ổn định, kinh tế vĩ mô ổn định và điều kiện cho phép thì NHNN sẽ tính đến phương án bỏ trần lãi suất huy động.
Nguồn Thời báo Ngân hàng