Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn. Ảnh: NHNN,

 
Thùy Linh Thứ Sáu | 15/11/2024 11:15

NHNN: Nếu tỉ giá biến động quá lớn, Ngân hàng Nhà nước sẽ kịp thời can thiệp

Trước bối cảnh khó khăn nêu trên, Ngân hàng Nhà nước đã luôn kiên định mục tiêu, bình tĩnh, chủ động theo dõi sát các “biến số”.

Trả lời các vấn đề Đại biểu Quốc hội quan tâm, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, kể từ Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, là Kỳ họp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời chất vấn các đại biểu đến nay, kinh tế thế giới biến động phức tạp, khó lường. Đại dịch COVID-19 được kiểm soát nhưng hệ lụy và tác động vẫn còn dai dẳng. Căng thẳng chính trị, thương mại gia tăng, lạm phát tăng cao trên phạm vi toàn cầu. Chính sách tiền tệ thắt chặt nhanh và mạnh ở nhiều nước khiến mặt bằng lãi suất thế giới tăng cao.

 

Trước bối cảnh khó khăn nêu trên, Ngân hàng Nhà nước đã luôn kiên định mục tiêu, bình tĩnh, chủ động theo dõi sát diễn biến kinh tế, tiền tệ quốc tế và trong nước để điều hành các công cụ và giải pháp chính sách với liều lượng, thời điểm hợp lý với từng bối cảnh, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa với các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Hoạt động ngân hàng đã có đóng góp tích cực đối với việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối.

Trên thế giới, diễn biến thị trường tiền tệ biến động phức tạp, đồng USD cũng biến động ở mức cao, tác động mạnh đến thị trường ngoại hối trong nước. Để ổn định thị trường này rất khó khăn, bởi phụ thuộc vào cung cầu ngoại tệ thực. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước cũng bám sát vào mục tiêu theo luật định, đó là góp phần kiểm soát lạm phát sẽ góp phần ổn định đồng Việt Nam. Việc điều hành tỉ giá và ngoại hối cũng theo hướng phù hợp với diễn biến linh hoạt của thị trường hiện nay, cho phép được dao động biên độ cộng trừ 5%. 

Thống đốc nêu rõ, trong trường hợp tỉ giá có biến động quá lớn, Ngân hàng Nhà nước sẽ kịp thời can thiệp bán ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu cho người dân. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng chú trọng công tác truyền thông để doanh nghiệp và người dân hiểu hiểu rõ về định hướng chính sách.

Đối với việc giảm lãi suất, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, để ổn định tỉ giá mà giảm lãi suất sẽ tác động đến tỉ giá. Vì vậy, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước phải cân bằng, thực hiện mục tiêu giảm lãi suất để hỗ trợ cho doanh nghiệp của người dân, nhưng nếu giảm lãi suất quá nhiều sẽ tác động làm tăng tỉ giá, có thể tạo tâm lý không yên tâm của nhà đầu tư nước ngoài nếu tỉ giá không ổn định.

 

Đối với chất vấn của  Đại biểu Quốc hội về điều hành lãi suất và quản lý dự trữ ngoại hối, Thống đốc nêu rõ, việc tiếp tục giảm lãi suất hay không hoàn toàn phụ thuộc vào diễn biến kinh tế thế giới, trong nước, đặc biệt là diễn biến về thanh khoản, tình trạng của hệ thống ngân hàng. Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã giảm mặt bằng lãi suất khá nhiều so với các nước; cùng với việc theo dõi tình hình trong nước và thế giới để điều hành lãi suất phù hợp, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, khi FED giảm lãi suất, thoạt đầu có vẻ áp lực đối với tỉ giá và thị trường ngoại hối được giảm bớt, tuy nhiên tỉ giá và thị trường ngoại hối chịu rất nhiều tác động của nhiều yếu tố. Không chỉ yếu tố lãi suất của FED mà còn phục thuộc vào nhu cầu thực sự của nền kinh tế. Nếu chúng ta cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, cung - cầu thuận lợi thì tỉ giá sẽ thuận lợi hơn. Trên tinh thần kiên định mục tiêu điều hành để ổn định giá trị VND, Ngân hàng Nhà nước sẽ có giải pháp để làm cho VND hấp dẫn hơn, khuyến khích người dân chuyển hóa ngoại tệ sang VND. 

Có thể bạn quan tâm 

Hơn 2,6 triệu tỉ đồng được đăng ký bổ sung vào nền kinh tế

Nguồn Theo Ngân hàng Nhà nước