NHNN: Nếu không đấu thầu thị trường vàng còn biến động mạnh
Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng cho rằng, từ khi thực hiện Nghị định 24, dù chênh lệch giá vàng chưa được thu hẹp nhưng không xảy ra sốt vàng, cũng như gây ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô và sự ổn định của tỷ giá, thị trường ngoại tệ ổn định. Đây là các yếu tố then chốt để ổn định tình hình vĩ mô trong nước.
Về việc đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước, ông Hưng khẳng định, việc thực hiện đấu thầu là theo quy định của pháp luật, quyết định của Chính phủ và phù hợp với quy định dự trữ ngoại hối. Bên cạnh đó, khi đấu thầu đã góp phần tăng lượng vàng trên thị trường, giảm bớt áp lực cầu, nếu không đấu thầu, không nhập vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng thì thị trường sẽ còn biến động mạnh hơn.
Trả lời câu hỏi về việc tăng cung vàng có phải để đáp ứng nhu cầu tất toán vàng của các tổ chức tín dụng, Phó Thống đốc cho biết, về nguyên tắc, Ngân hàng Nhà nước có thể bán vàng trực tiếp cho các tổ chức tín dụng tuy nhiên để đảm bảo công khai nên đã thực hiện đấu thầu cho phép các tổ chức đáp ứng được các điều kiện tham gia. Khối lượng vàng trúng thầu một phần để tất toán nhưng một phần để cung ra thị trường.
Theo Phó Thống đốc, các tổ chức tín dụng tham gia đấu thầu phải đáp ứng trạng thái mua bán vàng và không được phép sử dụng vốn huy động để mua bán vàng miếng. Hiện, Ngân hàng Nhà nước đang thanh tra toàn bộ tổ chức tín dụng tham gia đấu thầu để đảm bảo mua và sử dụng được đúng quy định.
Về chênh lệch giá vàng ai sẽ được hưởng lợi, Phó Thống đốc một lần nữa khẳng định, toàn bộ khoản chênh lệch thu được đều chuyển về ngân sách Nhà nước.
Dự báo về chênh lệch giá vàng sau thời điểm 30/6, các tổ chức tín dụng phải hoàn thành tất toán trạng thái vàng, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, khi đó nhu cầu vàng của thị trường sẽ giảm kéo theo chênh lệch được thu hẹp lại.
Nguồn Dân Việt