Thứ Ba | 13/11/2012 11:12

NHNN: Mặt bằng lãi suất đã giảm về xấp xỉ mức 2007

Cũng theo NHNN, thanh khoản trên toàn hệ thống hiện đang rất dồi dào, vốn khả dụng VND của các tổ chức tín dụng dư thừa nhiều.
Các bước điều hành chính sách tiền tệ từ đầu năm đến nay

Trong thông báo phát đi trên website Ngân hàng Nhà nước sáng nay (13/11), Ngân hàng Nhà nước cho biết, năm 2012 là năm kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến kinh tế Việt Nam.

Bám sát các Nghị quyết của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện chính sách tiền tệ (CSTT) chặt chẽ, thận trọng, sử dụng linh hoạt các công cụ điều hành và đạt được nhiều kết quả khả quan. Trong công tác điều hành, NHNN xác định rõ một trong những nhiệm vụ quan trọng và cấp bách là thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn, lãi suất cho doanh nghiệp và người dân để giúp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, lấy lại đà tăng trưởng kinh tế.

Ngay từ đầu năm, Thống đốc NHNN đã định hướng điều chỉnh giảm lãi suất bình quân 1%/năm trong mỗi quý. Tuy nhiên, với xu hướng tăng chậm lại của lạm phát và khả năng cải thiện thanh khoản, NHNN đã điều chỉnh giảm các mức lãi suất chủ chốt nhanh hơn dự kiến.

Trong 10 tháng đầu năm 2012, NHNN đã 5 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành và 4 lần điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động với tổng mức giảm 4-5%/năm. Theo đó, lãi suất cho vay đối với nền kinh tế cũng đã giảm xuống, đặc biệt đối với lĩnh vực ưu tiên như cho vay nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định mức trần lãi suất cho vay ngắn hạn là 13%/năm.

NHNN cũng đã đề nghị các tổ chức tín dụng (TCTD) xem xét điều chỉnh giảm lãi suất đối với các khoản cho vay cũ xuống mức trần 15%/năm từ ngày 15/7/2012 và được các TCTD đồng tình và ủng hộ mạnh mẽ.

Theo đó, tính đến đầu tháng 10/2012, tỷ trọng dư nợ cho vay bằng VND có mức lãi suất trên 15%/năm chỉ còn 20,9% (giảm khoảng 70% so với tỷ trọng trước ngày 15/7/2012), trong đó lãi suất giảm mạnh nhất ở nhóm 5 NHTM nhà nước (giảm 91% so với tỷ trọng trước ngày 15/7/2012). Đối với một số khoản vay chưa giảm về mức lãi suất 15%/năm thì phần lớn là các khoản vay đang trong quá trình xử lý, nên các NHTM sẽ xem xét xử lý sau.

NHNN nhận định, xét về mặt chi phí, do nguồn vốn huy động để cho vay trước đây đều có mức lãi suất khá cao (phổ biến khoảng 15-17%/năm), việc các ngân hàng thương mại giảm lãi suất các khoản cho vay cũ xuống 15%/năm sẽ gặp khó khăn về nguồn vốn để bù đắp chi phí đầu vào. Vì thế, động thái giảm lãi suất xuống dưới 15%/năm là cố gắng lớn của hệ thống ngân hàng trong việc chia sẻ khó khăn kinh tế chung.

Kết quả đạt được: Lãi suất giảm mạnh, thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào

Đến nay, theo NHNN, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của ngân hàng đã giảm về xấp xỉ mức lãi suất năm 2007, trước khi diễn ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Lãi suất huy động giảm từ 3-5%/năm, lãi suất cho vay giảm từ 5-8%/năm so với đầu năm 2012, trong đó lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến 9-13%/năm, lĩnh vực kinh doanh khác và tiêu dùng 12 -15%/năm, các lĩnh vực không khuyến khích có lãi suất cao hơn nhưng cũng đã giảm so với trước đây.

Sau 5 tháng tín dụng giảm, từ tháng 6/2012 tín dụng đã tăng trở lại (tính đến cuối tháng 9/2012, tăng 2,45% so với cuối năm 2011). Tăng trưởng tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên đều cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung cho nền kinh tế, đặc biệt tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng 9,57%, tín dụng xuất khẩu tăng 10,76%; tỷ trọng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích chỉ chiếm khoảng 4,8% so với tổng dư nợ cho vay và giảm so với đầu năm.

Về nguyên nhân tín dụng 10 tháng đầu năm đạt thấp, NHNN cho biết, nguyên nhân khách quan là sức cầu trong nước và nước ngoài yếu làm giảm khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, một số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh kém hiệu quả phải giải thể hoặc không đủ điều kiện vay vốn.

Về chủ quan, NHNN triển khai quyết liệt các biện pháp cơ cấu lại các TCTD yếu kém, nên các TCTD này vừa tích cực huy động vốn để đảm bảo khả năng chi trả và nâng cao chất lượng hoạt động; đồng thời các TCTD cũng cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn khách hàng mới do rủi ro tín dụng gia tăng.

Về thanh khoản, NHNN cho biết thanh khoản trên toàn hệ thống hiện đang rất dồi dào, vốn khả dụng VND của các TCTD dư thừa nhiều và đảm bảo yêu cầu dự trữ bắt buộc với số dư tiền gửi của toàn hệ thống cao hơn so với dự trữ bắt buộc qua các tháng.

Trong phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội sáng nay, trả lời câu hỏi của đại biểu tại sao lãi suất vẫn còn cao, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho rằng do thanh khoản của hệ thống "còn hết sức mỏng và bấp bênh".Theo Thống đốc, năm 2011, tỷ lệ sử dụng vốn trong hệ thống ngân hàng lên tới hơn 100%, dẫn dến thiếu thanh khoản. Nay tình hình này đã cải thiện được, tỷ lệ sử dụng vốn dao động từ 93 - 96%, tuy nhiên là chưa chắc chắn, áp lực với thanh khoản mỗi tổ chức là rất lớn.


Cụ thể, các dấu hiệu cho thấy xu hướng tốt của thanh khoản là: thứ nhất, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có xu hướng giảm và duy trì ở mức thấp so với cuối năm 2011 Tính đến ngày 25/10/2012, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm ở mức 3-3,5%, 1 tuần là 3,5-4%/năm, 2 tuần là 4-4,5%/năm, 1 tháng là 5,5-6,0%/năm, thấp hơn khoảng 9-13% so với cuối năm 2011 và từ 3-5% so với lãi suất thị trường mở (hiện 8%/năm).

Thứ hai, nhu cầu chào mua giấy tờ có giá của các TCTD chỉ ở mức thấp, mỗi phiên chỉ khoảng từ 2-3 thành viên tham gia với khối lượng bình quân 1.000 tỷ đồng/ngày.

Thứ ba, sau 3 tháng tạm dừng, kể từ ngày 10/10, NHNN tiếp tục phát hành tín phiếu NHNN; tính đến ngày 25/10 đã phát hành thành công khoảng 14.000 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu dao động khoảng 4-7% (tương đương với lãi suất trong các phiên đấu thầu hồi cuối quý II).

NHNN khẳng định việc một số NHTM điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở kỳ hạn dài (trên 12 tháng) với mức 0,5-1%/năm là động thái tích cực nhằm tập trung vốn trung dài hạn cho đầu tư phát triển, cải thiện cơ cấu và kỳ hạn nguồn vốn trong bảng cân đối ngân hàng, việc điều chỉnh tăng lãi suất của các NHTM này không vi phạm quy định pháp luật.

NHNN cho biết, từ nay đến cuối năm 2012, NHNN tiếp tục điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, thận trọng, hỗ trợ vốn kịp thời cho các TCTD để bảo đảm thanh khoản, đáp ứng nhu cầu thanh toán và mở rộng tín dụng có hiệu quả trong những tháng cuối năm nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Nguồn SBV


Sự kiện